Các nhà sản xuất mới nổi đã đặt mục tiêu: Tăng thị phần cá rô phi tại thị trường châu Á (11-03-2021)

Thị trường cá rô phi đã được trang bị tương đối tốt để chống chọi với đại dịch COVID-19 do những đặc trưng của loài - có giá cả hợp lý và sự phù hợp với mô hình bán lẻ các sản phẩm đã chế biến sẵn và bảo quản. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, vấn đề lao động bị hạn chế do đại dịch và thị trường nội địa phục hồi chậm chạp sẽ khiến sản lượng cá rô phi giảm.
Các nhà sản xuất mới nổi đã đặt mục tiêu: Tăng thị phần cá rô phi tại thị trường châu Á

Sản xuất

Dự báo sản lượng cá rô phi đã được trình bày tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các nhà lãnh đạo nuôi trồng thuỷ sản (the Global Outlook for Aquaculture Leadership - GOAL) vào tháng 10; Theo đó, tổng sản lượng cá rô phi nuôi năm 2020 vào khoảng 6,9 triệu tấn, xấp xỉ năm 2019. Trung Quốc là nhà sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới, có sản lượng dự kiến ​​ giảm 3% xuống còn 1,7 triệu tấn. Tác động tổng hợp của sự bất ổn liên quan đến mức thuế 25% (hiện đã được dỡ bỏ) áp dụng đối với cá rô phi Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sự chậm lại trong các hoạt động nuôi trồng và chế biến do dịch bệnh COVID-19, cùng với nhu cầu nội địa tạm ngừng là các nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này. Các nhà sản xuất lớn khác ở châu Á, bao gồm Indonesia và Philippines, cũng dự đoán mức giảm tương tự; Trái lại, sản lượng cá rô phi nuôi năm 2020 của Việt Nam dự kiến ​​ tăng 12%. Tổng sản lượng của châu Á dự kiến ​​giảm nhẹ (khoảng 1%) đạt 4,55 triệu tấn.

Sản lượng ở Trung Đông và Bắc Phi (the Middle East and North Africa - MENA) vẫn tiếp tục theo một quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2020, đạt 1,37 triệu tấn, tăng từ 1,32 triệu năm 2019. Bất chấp một số vấn đề đang bùng phát trở lại như sự bùng phát dịch bệnh tại các trang trại ở một số nước sản xuất cận Sahara, là những nơi đã có sự đầu tư đáng kể vào lĩnh vực cá rô phi ở Châu Phi trong những năm gần đây. Một phần nhỏ sản lượng được xuất khẩu sang châu Âu nhưng phần lớn đã được thị trường trong nước tiêu thụ.

Sản lượng cá rô phi nuôi ở Mỹ Latinh dự kiến ​​sẽ tăng lên 946.500 tấn vào năm 2020, so với 930.400 tấn vào năm 2019. Brazil cho đến nay là nhà sản xuất cá rô phi lớn nhất ở Mỹ Latinh, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng. Nguồn cung của Brazil được dự đoán sẽ tăng thêm 10.000 tấn. Phần lớn sản lượng của Brazil được dành cho thị trường nội địa. Các nhà sản xuất khác như Colombia và Honduras tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu rô phi philê tươi sang thị trường Hoa Kỳ.

Tại Honduras, các nhà chức trách của Ban Thư ký Nông nghiệp và Chăn nuôi (the Secretariat of Agriculture and Livestock - SAG) và Ủy ban kỹ thuật của Chuỗi cá rô phi (the Technical Commission of the Tilapia Chain) đã dự báo sản lượng cá rô phi Honduras sẽ tăng ít nhất 10% lên 13.800 tấn vào năm 2020, so với 12.500 tấn năm 2019. Honduras là một trong những nhà cung cấp quan trọng nhất về cá rô phi tươi cao cấp cho thị trường Hoa Kỳ. Tại Ecuador, các báo cáo cho rằng một số người nuôi tôm đã chuyển sang nuôi cá rô phi do Trung Quốc cấm một phần nhập khẩu tôm Ecuador, nhưng lệnh cấm này đã được dỡ bỏ gần đây, vì vậy, mọi người sẽ tập trung trở lại vào việc nuôi tôm hấp dẫn hơn. Ở những nơi khác, chính phủ El Salvador và Panama đều đang hỗ trợ phát triển ngành nuôi cá rô phi, cho cả xuất khẩu và thị trường nội địa. Các cộng đồng địa phương cần đa dạng hóa các nguồn thu nhập của họ và việc bán cá rô phi tươi là một cơ hội có khả năng sinh lời cao.

Thị trường và thương mại

Một loạt các sản phẩm và phương pháp tiếp thị mới đang xuất hiện khi các nhà cung cấp cá rô phi tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào doanh số dịch vụ thực phẩm và thích ứng với tình hình mới, điều này đã nâng cao tầm quan trọng của kênh bán lẻ. Nhu cầu đối với các sản phẩm đóng gói sẵn và có giá trị gia tăng đã tăng lên. Tại Hoa Kỳ, doanh số bán cá rô phi đã được thúc đẩy do nhu cầu nấu ăn tại nhà ngày càng tăng. Cá rô phi cạnh tranh mạnh mẽ trong phân khúc này, không chỉ với các sản phẩm thủy sản khác, mà còn với các loại đạm động vật khác như thịt lợn, thịt gà và thịt bò.

Nhập khẩu phi lê cá rô phi đông lạnh của Hoa Kỳ từ Trung Quốc - loại sản phẩm quan trọng nhất của thị trường thủy sản Hoa Kỳ (xét theo khối lượng), vẫn tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2020 bất chấp những thất bại liên quan đến đại dịch COVID-19. Ít nhất thì giá hoặc nguồn cung trên thị trường Hoa Kỳ có sự gián đoạn không đáng kể do việc lập kế hoạch hàng năm cẩn thận và lượng hàng tồn kho đông lạnh dồi dào đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt trong những tháng khó khăn nhất của đợt phong tỏa.

Tại thị trường rộng lớn Brazil, trong khi nhu cầu dịch vụ thực phẩm giảm, các hộ gia đình đã tăng tiêu thụ cá rô phi như một biện pháp để đa dạng hóa các lựa chọn về protein của họ trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19. Với sự bình thường trở lại sau đó của các hoạt động xã hội, mức tiêu thụ này vẫn tiếp tục, đã góp phần làm tăng mức tiêu thụ bình quân đầu người vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái thuận lợi khiến cá rô phi Brazil có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường Hoa Kỳ và xuất khẩu cá rô phi Brazil tăng 24%, đạt 4,7 triệu USD trong nửa đầu năm 2020.

Ở những quốc gia khác thuộc Mỹ Latinh: Xuất khẩu cá rô phi của Ecuador đang gặp khó khăn sau khi doanh số bán hàng sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm nghiêm trọng. Giá cả giảm và cạnh tranh châu Á đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng xuất khẩu cá rô phi của Ecuador. Trong khi đó, Colombia và Honduras đều tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tận dụng mức thuế đối với cá rô phi của Trung Quốc hồi đầu năm 2020.

Giá cả

Sau sự sụt giảm nghiêm trọng bắt đầu vào giữa năm 2019, giá cá rô phi bán buôn ở Trung Quốc đã tăng trong quý 3 năm 2020 khi thị trường phục hồi nhanh chóng. Sau khi giá cả dao động ở mức 7,8 CNY (tương đương với khoảng 1,16 USD) trong phần lớn thời gian của năm 2020, tính đến tuần 41, giá cá rô phi nguyên con 500-800g (DAP, Quảng Đông) ở mức 8,43 CNY (tương đương 1,25 USD)/kg, xấp xỉ với mức giá của tuần 41 năm 2019. Giá xuất khẩu (FOB) philê cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc sang thị trường Mỹ đã giảm khoảng 9% trong nửa đầu năm 2020, xuống còn 3,30 USD/kg. Tại châu Mỹ Latinh, giá xuất khẩu philê cá rô phi tươi ổn định trong 6 tháng đầu năm 2020, ở mức 6,17 USD/kg (FOB, Honduras, Colombia và Mexico).

Dự báo

Các xu hướng tiêu dùng mới xuất hiện do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (chẳng hạn như: ưa thích lựa chọn các loại hải sản đóng gói sẵn và sở thích nấu ăn tại nhà) có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian. Cải tiến sản phẩm và phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà cũng thể hiện những tiến bộ của việc thích ứng với tình hình thị trường (ngay cả khi thị trường phục hồi trong tương lai sau những ảnh hưởng của COVID-19). Điều này thực sự tích cực đối với các nhà tiếp thị cá rô phi. Trên thực tế, nhiều người coi đây là một cơ hội quan trọng, đặc biệt là các nhà sản xuất Mỹ Latinh đang tìm cách tận dụng mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và một số nhận thức tiêu cực của người tiêu dùng về sản phẩm đông lạnh giá thấp hơn của Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng lạc quan ở mức độ vừa phải, cần lưu ý rằng các nhà cung cấp vẫn phải chịu các chi phí và rủi ro khi chi phí vận tải hàng không tăng, dịch vụ thực phẩm bị đóng cửa và sự bất ổn kinh tế nói chung.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác