Ngành động vật chân đầu bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (21-01-2021)

Nhuyễn thể chân đầu (mực ống, mực nang, bạch tuộc) là món ăn được yêu thích trong thực đơn nhà hàng, và có lẽ ít phổ biến để nấu nướng tại nhà, ít nhất là đối với các nước công nghiệp phương Tây. Tình hình thương mại nhuyễn thể chân đầu kém hiệu quả trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Khi các nhà hàng phải đóng cửa, doanh số bán hàng giảm sút và thương mại quốc tế bị ảnh hưởng. Sau đó, một số nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, dịch vụ ăn uống phục hồi một phần, nhưng “làn sóng thứ hai” đã ập đến.
Ngành động vật chân đầu bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Ảnh minh họa

Bạch tuộc

Maroc đã tăng hạn ngạch đánh bắt bạch tuộc trong mùa hè lên khoảng 2.000 tấn. Đồng thời, thời gian của mùa đánh bắt được kéo dài. Điều này đã đi ngược lại mong muốn của các nhà chế biến Tây Ban Nha, những người đã kiến ​​nghị chống lại việc tăng thời gian khai thác bạch tuộc vào tháng 6 năm 2020. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã vận hành một đội tàu đánh bắt xa bờ với khối lượng lớn các loài hải sản. Vào tháng 8 năm 2020, thông tin mới nhất cho biết có ba tàu mới được hạ thủy để tham gia hoạt động đánh bắt bạch tuộc ngoài khơi Maroc. Nhu cầu về bạch tuộc nói chung rất tốt ở thị trường Trung Quốc, nhưng đội tàu nội địa không thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tại thị trường Nhật Bản, nhập khẩu bạch tuộc (tất cả các loại) giảm 6,9% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Các nhà cung cấp châu Á, như Trung Quốc và Việt Nam, đã giảm đáng kể trong các chuyến hàng xuất khẩu đến Nhật Bản. Cụ thể là: Sáu tháng đầu năm 2020, nhập khẩu bạch tuộc từ nhà cung cấp Trung Quốc giảm 14,7% xuống 4.398 tấn, nhập khẩu từ Việt Nam giảm gần 26% xuống 3.008 tấn. Trái lại, nhập khẩu từ nhà cung cấp chính, Mauritania, đã bùng nổ: tăng 115,9% lên 6.456 tấn. Tại thị trường Hàn Quốc, nhập khẩu bạch tuộc giảm 8,4% xuống 32.158 tấn trong sáu tháng đầu năm 2020. Nhìn chung, có sự khác biệt lớn giữa các nhà cung cấp bạch tuộc lớn trên thế giới cho thị trường Hàn Quốc. Cụ thể là: Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 7,9%, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam giảm 19,6%. Việc đóng cửa các thị trường lớn như Tây Ban Nha đã xóa sổ doanh số của các nhà hàng, trong khi lĩnh vực nhà hàng lại vô cùng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh các mặt hàng nhuyễn thể chân đầu. Nhập khẩu vào Tây Ban Nha giảm nhẹ trong tháng 2 và tháng 3 năm 2020, sau đó, khối lượng nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt là khách du lịch không thể đến thăm quan, du lịch tại Tây Ban Nha.

Tại các quốc gia Địa Trung Hải, nhu cầu bạch tuộc giảm. Điều này đã gây áp lực lớn lên giá cả. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi các nhà chế biến buộc phải giải phóng những kho lớn tích trữ sản phẩm cũ trước khi họ có thể tiếp tục mua sản phẩm mới. Trong nửa đầu năm 2020 (từ tháng 1 đến ngày 19 tháng 7), châu Âu đã giảm lượng nhập khẩu bạch tuộc từ Maroc tới 27%. Cùng với đó, giá trung bình cũng giảm 14%. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ bạch tuộc không chỉ xảy ra ở thị trường các nước châu Âu. Tại Hoa Kỳ, nhập khẩu bạch tuộc cũng có xu hướng giảm kể từ tháng 10 năm 2019. Trong tháng 9 năm 2019, khối lượng nhập khẩu đạt mức cao nhất là 1.983 tấn, nhưng sau đó giảm trở lại, với khối lượngtừ 1.000 tấn đến 400 tấn mỗi tháng (trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020). Sang tháng 4 năm 2020, nhập khẩu giảm xuống còn 806 tấn, và sau đó là 547 tấn vào tháng 5 và chỉ còn 400 tấn vào tháng 6. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì Hoa Kỳ đã nhập khẩu 304 tấn bạch tuộc vào tháng 6 năm 2019.

Giá bạch tuộc đông lạnh đã giảm ngay lập tức khi đại dịch COVID-19 vừa bắt đầu. Vào giữa mùa hè, giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Có một yếu tố nữa cũng góp phần gây áp lực lên giá bạch tuộc là việc Maroc tăng hạn ngạch đánh bắt. Nguồn cung bạch tuộc theo đó lớn hơn nhu cầu tiêu thụ thực tế. Vì vậy, giá bạch tuộc giảm cho đến khi lĩnh vực nhà hàng mở cửa trở lại, khi đó, giá mới có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới, “làn sóng thứ hai” của COVID-19 bắt đầu được cảm nhận rõ vào đầu mùa thu, và chắc chắn “làn sóng thứ hai” sẽ có những tác động tiêu cực đối với thị trường bạch tuộc.

Mực ống/ Mực nang

Các tàu Trung Quốc đã đánh bắt mực ngoài vùng đặc quyền kinh tế (the exclusive economic zone - EEZ) của Argentina trong nhiều năm qua và hiện tàu Trung Quốc đang xuất hiện rất nhiều xung quanh quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương. Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã xác nhận rằng khoảng 350 tàu câu mực của Trung Quốc đã đánh bắt thủy sản tại khu vực này trong suốt mùa hè.

Mùa mực ống tại thị trường California đã bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 năm 2020, có vẻ rất hứa hẹn, mặc dù còn quá sớm để có thể kết luận năm 2020 là một năm tốt. Nhu cầu giảm và rất ít mực được vận chuyển ra nước ngoài. Liên minh châu Âu còn có sự sụt giảm hơn nữa trong nhập khẩu mực ống và mực nang (trong nửa đầu năm 2020), khối lượng nhập khẩu đã giảm từ 136.707 tấn vào năm 2019 xuống còn 97.096 tấn vào năm 2020 (-29%). Mức giảm nhiều nhất được ghi nhận đối với nhập khẩu từ Quần đảo Falkland (Malvinas), giảm từ 42.949 tấn xuống chỉ còn 17.758 tấn (-58,7%). Trái lại, Maroc đã tăng lượng hàng xuất khẩu sang Tây Ban Nha hơn 20%. Thực tế thì Maroc đã vận chuyển thêm rất nhiều mực ống và mực nang sang Liên minh châu Âu trong năm 2020. Tính đến ngày 26 tháng 7 năm 2020, Liên minh châu Âu đã nhập khẩu nhiều mực hơn 40% từ Maroc so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá đã giảm khoảng 37%.

Tại thị trường Nhật Bản, nhập khẩu mực ống và mực nang đang có xu hướng giảm dần trong một số năm gần đây. Trong đó, sự sụt giảm của năm 2020 được đánh giá là chỉ ở mức nhẹ. Trong sáu tháng đầu năm 2020, nhập khẩu mực của Nhật Bản đã giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Nhật Bản là Trung Quốc, chỉ giảm khoảng 4,7%, nhưng chiếm tới 63% tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản. Peru xuất khẩu ít hơn 56% so với năm 2019, trong khi Chile tăng xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tại Trung Quốc, xuất khẩu mực ống và mực nang giảm gần 20% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường nhập khẩu chính là Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Trái lại, nhập khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc đã có xu hướng tăng cho đến năm 2019, và đã giảm vào năm 2020. Trong sáu tháng đầu năm 2020, nhập khẩu giảm xuống 151.433 tấn từ 189.371 tấn của sáu tháng đầu năm năm 2019. Indonesia vẫn giữ vững và trở thành nhà cung cấp chính, với 36.853 tấn. Peru đã trải qua sự sụt giảm lớn về lượng xuất khẩu trong giai đoạn này, từ 55.298 tấn trong nửa đầu năm 2019 xuống chỉ còn 21.894 tấn vào năm 2020. Xuất khẩu mực ống và mực nang của Mỹ sang Trung Quốc chỉ giảm thấp một chút vào năm 2020 so với năm 2019 nhưng đã giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Hoa Kỳ cũng trong tình trạng nhập khẩu mực giảm. Xu hướng giảm được ghi nhận trong năm 2019 tiếp tục trong năm 2020, nhập khẩu mực ống và mực nang giảm thêm 20% trong nửa đầu năm 2020. Nhà cung cấp chính vẫn là Trung Quốc, chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu mực của Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020. Nhập khẩu mực của Hoa Kỳ đã tăng trong tháng 1 năm 2020 và chỉ giảm nhẹ trong các tháng từ tháng 2 đến tháng 4, nhưng sau đó giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Trong tháng 5 năm 2020, nhập khẩu mực của Hoa Kỳ giảm 57% so với cùng kỳ năm 2019 và sang tháng 6 năm 2020 nhập khẩu tiếp tục giảm 64%. Năm 2020, giá mực tại thị trường Hoa Kỳ cũng suy yếu.

Dự báo

Do ngành công nghiệp nhuyễn thể chân đầu (mực ống, mực nang, bạch tuộc) phải dựa phần lớn vào lĩnh vực nhà hàng như một kênh phân phối chính, nên không thể kỳ vọng rằng thị trường sẽ hồi phục cho đến khi các hạn chế được dỡ bỏ và tình hình trở lại bình thường. Thật tiếc là, triển vọng dỡ bỏ các hạn chế là không khả thi, và trên thực tế tình hình đang trở nên tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia hiện nay dường như đang phải đối phó với “làn sóng thứ hai” của đại dịch COVID-19.

Nguồn cung bạch tuộc dự kiến ​​sẽ vẫn dồi dào, đặc biệt là khi Maroc đã tăng hạn ngạch vào mùa hè, và nguồn cung mực cũng như vậy. Với sự sụt giảm về nhu cầu tiêu thụ nhuyễn thể chân đầu thông qua dịch vụ nhà hàng và lượng khách du lịch, điều này có nghĩa là thị trường có thể xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Dự đoán giá sẽ vẫn giữ ở mức thấp và có thể còn giảm thấp hơn nữa.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác