COVID-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàu trên thế giới (21-01-2021)

Thương mại nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19, trong khi các loài có giá cả thấp hơn đang dần phục hồi từ nửa cuối năm 2020; Hàu là đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
COVID-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàu trên thế giới
Ảnh minh họa

Ngành công nghiệp nhuyễn thể hai mảnh vỏ một lần nữa phải đối mặt với bước ngoặt lớn, có một số ý kiến cho rằng "làn sóng thứ hai" của COVID-19 ở châu Âu có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và buôn bán nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã thích nghi khá nhanh với sự thay đổi của môi trường và hiện đang chuẩn bị tốt hơn cho các đợt phong tỏa cuối cùng trên toàn châu Âu. Người mua tập trung vào các sản phẩm thủy sản tiện lợi và hướng tới dịch vụ giao hàng, đặc biệt là đối với mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ tươi sống. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đã bắt đầu nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ trong thời gian dài hơn và không thả lại tại các khu vực nuôi trồng thủy sản. So với các nhà sản xuất thủy sản khác, người nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ không cần cho các loài nhuyễn thể bố mẹ ăn, thay vào đó, sản phẩm có thể ở yên trong nước, chờ thị trường phục hồi.

Vẹm

Thương mại vẹm trong nửa đầu năm 2020 giảm mạnh khi nhập khẩu khoảng 120.000 tấn, ít hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019. Pháp tiếp tục là nước nhập khẩu thịt vẹm chính trên thế giới nhưng đã báo cáo lượng nhập khẩu giảm 33%. Sự sụt giảm mạnh này là do các nhà hàng phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Giá vẹm giảm trong quý II của năm, nhưng phục hồi mạnh trong thời gian mùa hè, do các nhà hàng mở cửa trở lại và báo cáo doanh thu tốt trong kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, tình hình COVID-19 hiện tiếp tục thay đổi một lần nữa. Vào ngày 5 tháng 10 năm 2020, khu vực thủ đô Paris của Pháp được công bố là vùng cảnh báo cao (với mức độ cảnh báo cao nhất), do đó các nhà hàng vẫn có thể tiếp tục mở cửa với điều kiện quy trình vệ sinh phải tăng cường và được xem xét sau hai tuần. Sự hồi sinh trong đợt phong tỏa này một lần nữa có tác động đến thị trường vẹm của Pháp.

Tại Chile, bất chấp tình trạng bất ổn xã hội và những thách thức về dịch vụ hậu cần trong cuộc khủng hoảng COVID-19, vẫn tiếp tục là nhà xuất khẩu vẹm chính trên thế giới, thậm chí còn cố gắng mở rộng doanh số bán hàng. Trong nửa đầu năm 2020, Chile đã xuất khẩu khoảng 47.200 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Tây Ban Nha và New Zealand, những nhà xuất khẩu lớn khác, đã báo cáo lượng hàng xuất khẩu giảm thấp trong năm 2020 so với năm 2019. Đặc biệt sau đó, do tác động xấu của các vấn đề liên quan đến dịch vụ hậu cần (bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) đã gây ra những cản trở mạnh trong việc vận chuyển vẹm xanh (green mussels) ra thị trường toàn cầu.

Ngao/nghêu

Trong suốt thời kỳ phong tỏa (từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020), giá ngao/nghêu thấp hơn khoảng 20% ​​so với mức giá của năm 2019. Tuy nhiên, trong thời điểm mùa hè, khi các nhà hàng, khu du lịch nghỉ dưỡng mở cửa trở lại, nhu cầu ngao/nghêu tăng rất mạnh và giá ngao/nghêu đã quay trở lại mức giá như năm 2019. Thương mại ngao/nghêu chủ yếu là ở châu Á, với Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường chính, và Trung Quốc là nhà xuất khẩu chính. Thương mại ngao/nghêu tăng trưởng chậm lại 10% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Khi Nhật Bản và Hàn Quốc đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tác động của dịch bệnh lên hoạt động thương mại ngao/nghêu có thể giảm xuống. Trên thực tế, giao dịch thương mại vẫn ổn định trong quý II của năm 2020 và có khả năng phục hồi trong những tháng cuối năm 2020.

Sò điệp

Thương mại sò điệp chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi dịch COVID-19. Thậm chí trong thực tế, thương mại sò điệp quý 2 năm 2020 còn tăng lên cùng với sự phục hồi của nhu cầu sò điệp của Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu chính, sau thất bại trong quý đầu tiên của năm 2020. Tổng nhập khẩu sò điệp trong nửa đầu năm 2020 đạt 29.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, nhờ lượng nhập khẩu lớn trong tháng 5 và tháng 6. Peru, quốc gia đã có hoạt động sản xuất và xuất khẩu sò điệp hồi phục tốt vào năm 2019, nhưng đã báo cáo xuất khẩu giảm 20% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Sự sụt giảm này là do Peru là một trong những quốc gia Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trong quý II của năm 2020. Đối với Hoa Kỳ, trong nửa đầu năm 2020, đã báo cáo sự gia tăng nhẹ trong nhập khẩu sò điệp. Năm 2020, sản lượng sò điệp trong nước không như mong muốn, trong khi nhu cầu khá mạnh ở Hoa Kỳ. Kết quả là sò điệp được bán với giá trung bình là 11,80 USD/pound vào tháng 10 năm 2020, cao gần gấp đôi so với giá của tháng 6 năm 2020. Nhu cầu tăng mạnh cùng với việc giá trong nước tăng cao có thể giúp hồi sinh nhập khẩu, và trong nửa cuối năm 2020 nhập khẩu của Mỹ có khả năng sẽ mở rộng thị trường nhập khẩu mạnh mẽ.

Hàu

Hàu được coi là một sản phẩm lễ hội và là món ăn sang trọng khi sử dụng dịch vụ tại nhà hàng. Việc đóng cửa các nhà hàng ở châu Âu đã khiến nhu cầu hàu trên thế giới giảm mạnh. Sự sụt giảm này đã được phản ánh trong các số liệu thương mại, mặc dù hàu nói chung thường được tiêu thụ ở gần nơi sản xuất hàu. Nhập khẩu hàu trong nửa đầu năm 2020 là 22.800 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, nhà nhập khẩu chính của mặt hàng này, đã báo cáo là nhập khẩu ổn định. Trái lại, nhập khẩu của châu Âu đã giảm hơn 50% do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi dịch bệnh COVID-19.

Dự báo

Tổng sản phẩm quốc nội ở Nam Âu được dự báo giảm hơn 12% vào năm 2020 và nhu cầu đối với các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ cao cấp, đặc biệt là hàu, sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, các sản phẩm có giá thấp như vẹm, có khả năng tiếp cận được điều kiện thị trường tốt. Các hình thức phân phối mới, như bán hàng trực tiếp từ trang trại đến người tiêu dùng, có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong giai đoạn COVID-19 và xa hơn trong tương lai. Điều này đặc biệt đúng đối với các thế hệ trẻ năng động, và những hình thức giao hàng mới này có thể mở ra những nhóm đối tượng tiêu dùng mới tương ứng, đặc biệt với những sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ được bán dưới dạng đã chế biến/ ăn liền. Tuy nhiên, việc tiếp thị trực tiếp như thế này có thể dẫn đến những hệ lụy về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, các hệ thống kiểm soát thực phẩm tiêu chuẩn quốc gia sẽ phải tính đến tất cả các yếu tố dự phòng này.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác