Thương mại bột cá đã trở lại quỹ đạo phát triển (11-01-2021)

Mùa đánh bắt cá cơm đầu tiên ở khu vực trung tâm phía Bắc của Peru kết thúc vào ngày 15 tháng 8 với tổng hạn ngạch được phép là 2,41 triệu tấn. Hạn ngạch đã được thực hiện đầy đủ bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra cho các hoạt động đánh bắt. Kể từ đầu năm 2020, giá cả tiếp tục có đà tăng chủ yếu do đại dịch. Tuy nhiên, vụ thu hoạch từ Peru đã gây áp lực giảm giá.
Thương mại bột cá đã trở lại quỹ đạo phát triển
Ảnh minh họa

Sản xuất

Vào tháng 9 năm 2020, Bộ Sản xuất của Peru (Peru’s Ministry of Production) bắt đầu nghiên cứu khoa học về sinh khối cá cơm dọc theo bờ biển Peru. Trong thời gian chờ đợi, chính phủ đã công bố hạn ngạch Tổng sản lượng đánh bắt cho phép (Total Allowable Catch - TAC) cho mùa đánh bắt đầu tiên ở khu vực phía Nam là 435 000 tấn, chính thức bắt đầu vào ngày 1 tháng 8 và có hiệu lực đến tháng 12 năm 2020.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng cộng 2,37 triệu tấn nguyên liệu sản xuất bột cá đã cập cảng dọc bờ biển Peru, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, nguồn cung nguyên liệu thô bị thu hẹp. Dẫn tới, sản lượng bột cá ở Peru giảm theo, đạt 557.411 tấn (từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020). Tương tự, sản lượng bột cá ở Chile cũng dao động ở mức 265.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2020, thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế sản lượng bột cá ở Bắc Âu tăng khoảng 12% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020, trong khi dầu cá tăng mạnh hơn (tăng 26%). Trong 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng dầu cá từ Peru và Chile lần lượt đạt 80.408 và 97.640 tấn.

Xuất khẩu

Xuất khẩu bột cá của Peru giảm xuống chỉ còn 265.841 tấn trong nửa đầu năm 2020, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019. Sự sụt giảm phần lớn là do tác động của đại dịch đối với nhiều quốc gia, và đặc biệt là các thị trường chính ở châu Á (do các thị trường này đã thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn để phòng ngừa). Ngoài ra, kết quả hoạt động ảm đạm của vụ đánh bắt thứ hai của năm 2019 cũng làm giảm đáng kể lượng khai thác nguyên liệu thô, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vào đầu năm 2020.

Về dầu cá, xuất khẩu của Peru giảm 51% từ 95.910 tấn năm 2019 xuống 46.848 tấn trong nửa đầu năm 2020. Theo truyền thống, Đan Mạch là thị trường tiêu thụ chính của dầu cá Peru, tuy nhiên, trong giai đoạn báo cáo, Bỉ đã thay thế Demark để trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất.

Thị trường

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ bột cá lớn nhất, đã giảm nhập khẩu 27,6% từ 779.597 tấn trong nửa đầu năm 2019 xuống 564.368 tấn trong cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là do hợp đồng tìm nguồn cung ứng từ Peru cùng với nhu cầu đầu vào thức ăn chăn nuôi giảm theo mùa. Nhìn chung, mối nguy được báo cáo giữa hải sản đông lạnh và COVID-19 đã khiến các nhà chức trách Trung Quốc thận trọng hơn trong việc kiểm soát và kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, gần như không có hoạt động đánh bắt cá dọc theo biển Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2020 do lệnh tạm hoãn, khiến nguồn cung nguyên liệu trong nước cho các nhà máy bột cá giảm. Một thực tế đáng nói khác là Trung Quốc đã thực hiện miễn thuế đối với bột cá nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, lĩnh vực menhaden vùng Vịnh đang đóng vai trò ngày càng tăng trong việc cung cấp thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho thế giới (menhaden: loài cá thuộc họ cá trích, sống dọc theo bờ biển phía Đông của Bắc Mỹ, được dùng để làm bột cá). Về dầu cá, Na Uy vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất, đạt 81.844 tấn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá cả

Bắt đầu từ đầu năm 2020, giá đã tiếp tục tăng. Một mặt, đại dịch đã và đang cản trở hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia, tuy nhiên, nhu cầu đang phục hồi ở Trung Quốc và các nền kinh tế khác cũng tiếp tục quay lại tiêu thụ các sản phẩm này.

Dự báo

Năm 2020, tổng sản lượng bột cá và dầu cá giảm nhẹ so với năm 2019. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này thì sản lượng đạt được vẫn được coi là thành công lớn nếu xét đến tác động của đại dịch dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện tại, không có tin tức tiêu cực nào liên quan đến vụ đánh bắt thứ hai sắp tới ở Peru, điều này cũng cho thấy niềm hy vọng tăng lên đối với lĩnh vực này. Peru đã xuất khẩu ít bột cá sang Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch. Có thể đoán trước rằng nhiều chuyến hàng của Peru sẽ cập cảng Trung Quốc cùng với các hoạt động kinh tế được nối lại trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các tác động tiêu cực của COVID-19 đối với hoạt động buôn bán bột cá và dầu cá sẽ giảm. Thứ nhất, chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến hoạt động buôn bán bột cá và dầu cá đã có đủ thời gian và kinh nghiệm hơn để đối phó với đại dịch và chính thức có các kế hoạch thích ứng. Thứ hai, về nhu cầu, Trung Quốc, nước thường tiêu thụ tới 80% sản lượng bột cá của Peru, dường như đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch khi các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bắt đầu bình thường hóa trở lại.

Giá bột cá và dầu cá đã dao động ở mức cao trong vài tháng kể từ năm 2020. Trong ngắn hạn, giá dự kiến sẽ giảm một chút do nguồn cung dồi dào từ Peru. Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch có thể sẽ là yếu tố quyết định trong việc xác định liệu hoạt động kinh tế toàn cầu có bao giờ trở lại bình thường như trước hay không.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác