Sơ bộ tình hình sản xuất, thương mại thủy sản thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019 và "làn sóng thứ hai" tiếp tục xảy ra năm 2020 (16-12-2020)

Theo báo cáo của Bản tin thị trường Globefish (FAO), đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường thủy sản thế giới. Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng thủy sản vẫn vượt qua được khó khăn của giai đoạn này.
Sơ bộ tình hình sản xuất, thương mại thủy sản thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019 và
Ảnh minh họa

Giá tôm toàn cầu đang tăng lên. Giá của bột cá cũng tăng kể từ đầu năm 2020, tuy nhiên, vụ thu hoạch cá cơm từ Peru đang gây áp lực giảm giá. Lĩnh vực cá hồi nuôi khá khả quan mặc dù giá giảm. Thị trường cân bằng đã giúp hạn chế tác động của COVID-19 đối với ngành hàng cá mú, cá tráp. Các nhà sản xuất thủy sản mới nổi đang đặt mục tiêu tăng trưởng thị phần cá rô phi tại thị trường châu Á... Đó là những tín hiệu vui cho các ngành hàng thủy sản trên thế giới. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 cũng gây những tác động xấu. Làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Ngành nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Triển vọng ảm đạm đối với cá đáy khi tác động của COVID-19 ngày càng gia tăng. COVID-19 cũng khiến giá tôm hùm giảm mạnh. Giá cá tra giảm do tác động của đại dịch kéo dài. Đối với ngành cua: Thương mại quốc tế suy giảm, nhưng nhập khẩu của Hoa Kỳ phần lớn không bị ảnh hưởng. Ngành cá ngừ đóng hộp vẫn có nhu cầu tốt trong cuộc khủng hoảng đại dịch; Trái lại, nhu cầu đối với cá ngừ không đóng hộp giảm. Thông tin chi tiết như sau:

COVID-19 làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh nhuyễn thể hai mảnh vỏ

Nhìn chung, việc buôn bán nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong số đó, một số loài có giá thấp đã bắt đầu phục hồi trong nửa cuối của năm 2020. Trái lại, hàu là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngành công nghiệp hai mảnh vỏ đang đứng trước một bước ngoặt, vì có thể lần nữa phải đối mặt với khó khăn. Một số người lo ngại rằng "làn sóng thứ hai" của COVID-19 ở châu Âu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này giảm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và buôn bán nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã thích nghi khá nhanh với sự thay đổi của môi trường. Hiện tại, đang chuẩn bị tốt hơn cho các đợt phong tỏa cuối cùng trên toàn châu Âu. Người mua tập trung vào các sản phẩm thủy sản tiện lợi và hướng tới dịch vụ giao hàng, đặc biệt là đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ tươi sống. Các nhà sản xuất đã quyết định nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ trong thời gian dài hơn và không thả nuôi lại ở các khu vực nuôi trồng thủy sản. So với các nhà sản xuất thủy sản khác, người nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ dường như may mắn hơn, vì không cần cho nhuyễn thể bố mẹ ăn. Sản phẩm nhuyễn thể có thể ở yên trong nước, chờ thị trường phục hồi.

Ngành nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Nhuyễn thể chân đầu (mực ống, mực nang, bạch tuộc) là những món ăn được yêu thích trong thực đơn nhà hàng, nhưng có lẽ ít phổ biến hơn để nấu ăn tại nhà, nhất là ở các nước công nghiệp phương Tây. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, ngành nhuyễn thể chân đầu hoạt động kém hiệu quả. Khi các nhà hàng phải đóng cửa, doanh số bán hàng giảm sút và thương mại quốc tế bị ảnh hưởng. Sau đó, một số nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, dịch vụ ăn uống phục hồi một phần. Tuy nhiên, “làn sóng thứ hai” lại ập đến.

Bức tranh hỗn hợp cho ngành cua

Ngành cua dường như ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 hơn so với các ngành hàng khác trong lĩnh vực thủy sản. Nhu cầu đối với cua có vẻ tốt ở Hoa Kỳ, và việc giao hàng tận nhà ở một mức độ nào đó đang thay thế cho dịch vụ ăn uống. Thương mại quốc tế nói chung bị suy giảm, nhưng nhập khẩu của Hoa Kỳ phần lớn không bị ảnh hưởng.

Buôn bán bột cá đã trở lại đúng hướng

Mùa đánh bắt cá cơm đầu tiên ở khu vực trung tâm phía Bắc Peru kết thúc vào ngày 15 tháng 8 năm 2020 với tổng hạn ngạch được phép là 2,41 triệu tấn. Hạn ngạch đã được thực hiện đầy đủ bất chấp những khó khăn đan xen do đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động đánh bắt cá cơm. Kể từ đầu năm 2020, giá của bột cá tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, vụ thu hoạch từ Peru đã bắt đầu gây áp lực giảm giá.

Triển vọng ảm đạm đối với cá đáy khi tác động của COVID-19 ngày càng gia tăng

Mặc dù nhu cầu đối với đối tượng cá đáy nhìn chung khá ổn định, nhưng dự kiến ​​sẽ yếu đi do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch đang bắt đầu được cảm nhận rõ ràng hơn. Giá dự kiến ​​sẽ giảm khi cả nhu cầu và sức mua đều suy yếu trên nhiều thị trường. Nguồn cung cá đáy dự kiến ​​sẽ giảm, đặc biệt là đối với cá minh thái Alaska.

COVID-19 khiến giá tôm hùm giảm mạnh

Đại dịch COVID-19 đã có một tác động tàn phá đối với ngành công nghiệp tôm hùm. Nhu cầu đã giảm ở các thị trường lớn, một phần do các nhà hàng đóng cửa, và nhu cầu tổng thể giảm do suy thoái bởi tác động của COVID. Kết quả là, giá đã giảm đáng kể trên tất cả các thị trường. Không có sự cứu trợ ngay lập tức trong thời gian tới.

Giá cá tra cũng giảm do tác động của đại dịch kéo dài

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 toàn cầu đối với thị trường thủy sản thế giới đã thúc đẩy xu hướng giảm giá cá tra bắt đầu từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tác động đối với các nhà sản xuất cá tra Việt Nam đã được giảm nhẹ phần nào nhờ thị trường Hoa Kỳ linh hoạt và việc quản lý hiệu quả vi rút corona tại chính đất nước Việt Nam.

Sự lạc quan vẫn tồn tại trong lĩnh vực cá hồi nuôi mặc dù giá giảm

Nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương tiếp tục tăng trưởng đã gây áp lực giảm giá. Doanh số bán lẻ đã tăng lên, tuy nhiên, vẫn không bù đắp được cho sự sụt giảm về nhu cầu đối với dịch vụ thực phẩm. Triển vọng trung hạn tích cực hơn do nguồn cung thắt chặt hơn. Dự báo thị trường cá hồi sẽ phục hồi vào năm 2021.

Thị trường cân bằng đã giúp hạn chế tác động của COVID-19 đối với ngành hàng cá mú, cá tráp

Do tỷ lệ cao doanh thu từ cá mú và cá tráp phụ thuộc vào lĩnh vực nhà hàng nên ngành hàng cá mú, cá tráp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, sẽ chịu ảnh hưởng và tổn thất nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng đã đẩy mức giá tăng lên. Nhờ đó, ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của việc khóa cửa trên diện rộng hiện nay.

Giá tôm toàn cầu đang tăng lên

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu chung đối với tôm vào năm 2020. Trong khi thị trường tôm quốc tế và nội địa có đặc điểm chung là thương mại bán lẻ tăng mạnh, lĩnh vực dịch vụ thực phẩm thì gặp phải những tổn thất lớn. Gần đây, đã có một sự bùng nổ lớn trong ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc gắn liền với lễ hội trung thu vào tháng 10 vừa qua. Điều này có thể dẫn đến việc mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ nhà hàng ở Trung Quốc trong những tháng tới.

Lời khuyên về hạn ngạch của ICES cho năm 2021: Hạn ngạch cá trích tăng, hạn ngạch cá thu giảm

Hội đồng khám phá biển quốc tế (International Council for the Exploration of the Sea - ICES) đã công bố lời khuyên sửa đổi của họ đối với hạn ngạch năm 2021 đối với vùng Đông Bắc Đại Tây Dương, và đề xuất tăng 24% hạn ngạch cá trích và cắt giảm 8% hạn ngạch cá thu. Nhu cầu về cá nổi đông lạnh khá tốt, một phần do đại dịch COVID-19, vì người tiêu dùng đang mua cá đông lạnh để đảm bảo nguồn cung thực phẩm thủy sản trong thời kỳ khó khăn.

Các nhà sản xuất mới nổi đặt mục tiêu tăng thị phần cá rô phi tại thị trường châu Á

Thị trường cá rô phi đã được trang bị tương đối tốt để chống chọi với đại dịch COVID-19 do khả năng đặc thù của loài và sự phù hợp của mặt hàng cá rô phi đối với các hình thức bán lẻ sản phẩm đã chế biến và bảo quản. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, các vấn đề hạn chế lao động do đại dịch và thị trường nội địa phục hồi chậm chạp sẽ khiến sản lượng giảm xuống.

Nhu cầu toàn cầu đối với cá ngừ không đóng hộp giảm dần

Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020, sản lượng khai thác cá ngừ trên toàn thế giới vẫn ở mức thấp đến trung bình, trong khi giá cá ngừ vằn tăng từ 15 đến 20% so với năm 2019. Mặc dù vậy, ngành cá ngừ đóng hộp vẫn có nhu cầu tốt trong cuộc khủng hoảng đại dịch hết sức khó khăn này. Trái lại, nhu cầu đối với cá ngừ không đóng hộp giảm.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác