Đại dương - Thủy sản - Kinh tế biển (phần 2) (27-11-2020)

Ngân hàng Thế giới (World Bank) giúp các quốc gia thúc đẩy quản trị các nguồn tài nguyên biển để tăng cường phát triển các nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững, tái tạo nguồn lợi thủy sản, thiết lập các khu bảo tồn biển, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao kiến ​​thức và năng lực quản lý đại dương.
Đại dương - Thủy sản - Kinh tế biển (phần 2)
Ảnh minh họa

Ngân hàng Thế giới và nhiều đối tác của họ đã áp dụng cách tiếp cận Kinh tế Xanh (Blue Economy) đối với đại dương, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hòa nhập xã hội và duy trì hoặc cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển, đồng thời đảm bảo tính bền vững cho môi trường ở các đại dương và khu vựa ven biển.

Tính đến tháng 3 năm 2020, danh mục đầu tư tổng thể về đại dương của Ngân hàng Thế giới có giá trị lên tới 5,6 tỷ đô la cho các dự án đang hoạt động. Sự tham gia của Ngân hàng vào nền Kinh tế Xanh được hỗ trợ bởi PROBLUE, mục đích là góp phần tác động để các đại dương trở nên khỏe mạnh và hiệu quả, cũng như đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững số 14 (Sustainable Development Goal 14, viết tắt: SDG 14). Theo đó, PROBLUE hoàn toàn phù hợp với mục tiêu kép của Ngân hàng Thế giới là: Chấm dứt tình trạng nghèo khổ cùng cực; Tăng thu nhập và phúc lợi của người nghèo một cách bền vững. Quỹ tín thác mới này tập trung vào bốn chủ đề chính: (1) Khai thác và Nuôi trồng thủy sản: Cải thiện nghề cá bằng cách giải quyết các nguyên nhân cơ bản của việc đánh bắt quá mức (lạm thác) và tăng cường tính bền vững của nuôi trồng thủy sản; (2) Ô nhiễm môi trường biển: Giải quyết các mối đe dọa đối với sức khỏe đại dương do ô nhiễm môi trường biển, bao gồm rác thải và nhựa (từ các nguồn nước hoặc đất liền); (3) Đối với lĩnh vực đại dương: Tăng cường tính bền vững của lĩnh vực liên quan đến đại dương như du lịch, vận tải biển, năng lượng tái tạo ngoài khơi; (4) Quản lý sinh cảnh biển: Xây dựng năng lực của chính phủ trong việc quản lý tài nguyên biển, bao gồm các giải pháp dựa vào thiên nhiên; Đồng thời, huy động tài chính của khu vực tư nhân.

Ở quy mô khu vực, các chương trình được thực hiện ở khu vực đảo Thái Bình Dương, Tây Phi và Tây Nam Ấn Độ Dương; Hỗ trợ tích cực cho quản lý nghề cá, hợp tác xây dựng quản trị nguồn cá di cư ở các khu vực xa hơn và giữa các khu vực tài phán quốc gia; Hỗ trợ kỹ thuật khu vực để chống xói mòn bờ biển ở Tây Phi. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đóng góp vào kiến ​​thức về đại dương và nghề cá thông qua các ấn phẩm như: (1) Biến đổi khí hậu và Nghề cá biển ở Châu Phi: Đánh giá tính dễ bị tổn thương và tăng cường năng lực thích ứng (Climate Change and Marine Fisheries in Africa: Assessing Vulnerability and Strengthening Adaptation Capacity); (2) Thủy sản năm 2030: Triển vọng về Khai thác và Nuôi trồng thủy sản, Thương mại Dịch vụ Thủy sản (Fish to 2030: Prospects for Fisheries and Aquaculture and Trade in Fishing Services Report); (3) Tiến bộ và Thách thức trong Nghề cá Biển Toàn cầu (The Sunken Billions Revisited: Progress and Challenges in Global Marine Fisheries) – là báo cáo tiếp theo của Sự biện minh Kinh tế cho Cải cách Nghề cá (The Sunken Billions: The Economic Justification for Fisheries Reform); (4) Tiềm năng của Kinh tế Xanh 2017 (The Potential of the Blue Economy Report 2017) đã phổ biến lợi ích lâu dài của việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển đối với các quốc đảo đang phát triển và các quốc gia ven biển kém phát triển; (5) Dữ liệu Xanh 2017 (The Little Green Data Book 2017) - Ấn phẩm về dữ liệu môi trường của Ngân hàng Thế giới, đã nêu bật nền Kinh tế Xanh, cung cấp các chỉ số về sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng như đề cập các khu vực liên quan đến biển; (6) Báo cáo về Rác thải 2018 (The 2018 What a Waste 2.0 report) đã thông tin về các xu hướng quản lý chất thải rắn ở cấp độ toàn cầu, khu vực và đô thị; (7) Báo cáo Ô nhiễm biển ở Caribe 2019: Không để lãng phí thời gian hơn nữa (The 2019 Marine Pollution in the Caribbean: Not a Minute to Waste report) đã đánh giá hiện trạng và tác động của ô nhiễm biển và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng phục hồi của khu vực, hướng tới nền Kinh tế Xanh.

Ngân hàng Thế giới đã triệu tập các đối tác và các bên liên quan để huy động đầu tư vào lĩnh vực quản lý đại dương, ủng hộ các cải cách tích cực và đảm bảo rằng các đại dương lành mạnh vẫn nằm trong Chương trình nghị sự phát triển toàn cầu.

Ngọc Thúy (theo Worldbank)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác