Hướng tới nghề cá bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (26-11-2020)

Biến đổi khí hậu khiến công tác quản lý nghề cá bền vững trở nên cần thiết và cấp bách hơn. Tuy nhiên, tác động đầy đủ của biến đổi khí hậu đối với thương mại quốc tế các mặt hàng cá và sản phẩm thủy sản khác vẫn chưa được biết rõ và cần được nghiên cứu thêm. Đặc biệt, cần nghiên cứu sâu hơn mối liên hệ giữa những biến đổi về sự đa dạng, phong phú của nguồn lợi thủy sản/ sự phân bố của nguồn lợi thủy sản/ hệ thống sản xuất khai thác và nuôi trồng thủy sản ở cấp khu vực và quốc gia.
Hướng tới nghề cá bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Ảnh minh họa

Điều được biết là biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng những bất ổn và làm tăng rủi ro - cũng như cơ hội - trong việc cung cấp các sản phẩm từ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản biển và nội đồng. Biến đổi khí hậu và sự gia tăng hấp thụ carbon dioxide trong các đại dương trên thế giới dẫn đến nhiệt độ nước tăng lên; thay đổi dòng hải lưu; băng tan ở Cực Nam; mực nước biển dâng lên; thay đổi lượng mưa, dòng chảy sông suối, mực nước hồ tăng, đảo lộn quy luật tự nhiên về thời tiết, làm tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của bão; axit hóa đại dương. Những tác động này có thể dẫn đến những thay đổi về tổng sản lượng khai thác, thành phần thủy sản đánh bắt được; thay đổi sự phân bố của nguồn lợi thủy sản, nhất là trong các Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zones - EEZ) ở các vùng nhiệt đới, khi các loài thủy sản di chuyển đến các vùng nước mát hơn ở xa bờ. Đặc biệt, những thay đổi này có thể tác động đến những người đánh bắt thủy sản quy mô nhỏ theo phương pháp truyền thống. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng được dự đoán sẽ tác động đến cơ sở hạ tầng liên quan đến hoạt động nghề cá (như: cảng biển, đội tàu) làm tăng thêm chi phí của các hoạt động đánh bắt, chế biến và phân phối thủy sản.

Dự kiến hậu quả do những tác động ​​này gây ra: Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi sự phân bố nguồn lợi thủy sản, thay đổi sản lượng, thay đổi khả năng cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu và dẫn tới sự thay đổi về mô hình thương mại thế giới. Trong khi một số khu vực có thể thu được lợi nhuận từ sự thay đổi nguồn lợi thủy sản, thì ngược lại, những khu vực khác sẽ phải đối mặt với những biến động mạnh về nguồn lợi, do đó có nguy cơ mất tính bền vững của sinh kế và an ninh lương thực. Các biến đổi do khí hậu gây ra đối với các loài thủy sản trong ngành đánh bắt và nuôi trồng đòi hỏi sự thích nghi ở tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị thủy sản, từ người sản xuất, chế biến, tiếp thị, xuất khẩu, nhập khẩu... khi tất cả cùng tìm kiếm và thích ứng với sự thay đổi nguồn cung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới đối với sản phẩm thủy sản.

Nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu

Một mô hình bước đầu đã được phát triển để dự đoán tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động đánh bắt thủy sản. Minh họa sự thay đổi theo vĩ độ đối với các loài thủy sản được chọn làm mục tiêu nghiên cứu đã cho thấy sự thay đổi đáng kể vị trí của nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn nghiên cứu. Các nước nhiệt đới có thể đối mặt với sự sụt giảm tới 40% tiềm năng đánh bắt các loài thủy sản truyền thống và/hoặc có giá trị thương mại. Trái lại, các khu vực vĩ ​​độ cao có thể đạt được mức tăng trưởng từ 30% đến 70% về tiềm năng đánh bắt. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các nước nhiệt đới đang phát triển và các quốc đảo nhỏ phụ thuộc nhiều vào nghề đánh bắt cá để sinh sống, an ninh lương thực trong nước và tìm kiếm lợi nhuận từ xuất khẩu. Các cộng đồng và nền kinh tế dễ bị tổn thương khác, bao gồm nhiều quốc gia ven biển châu Phi đặc biệt phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu trong các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản do khả năng thích ứng thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn lợi tự nhiên.

Một mô hình gần đây hơn được thực hiện vào năm 2012 đã được xây dựng và phát triển để ước tính tác động của biến đổi khí hậu đối với sản lượng khai thác thủy sản. Mô hình có tên Merino đã dự đoán sản lượng tiềm năng từ nguồn cá lớn có giá trị thương mại sẽ tăng 6% vào năm 2050, đáng tiếc là con số tăng trưởng này thấp hơn tốc độ gia tăng dân số dự kiến. Các tác giả đã đề xuất rằng nuôi trồng thủy sản có thể lấp đầy khoảng cách giữa cung và cầu trong tương lai nhưng việc thâm canh như vậy sẽ đòi hỏi những tiến bộ về khoa học công nghệ để đảm bảo rằng sản lượng tăng lên không gây tác động tiêu cực đến môi trường, chẳng hạn bằng cách giảm đáng kể tỷ lệ FIFO – Fish in/ Fish out (tỉ lệ giữa Sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên và Sản lượng thủy sản nuôi trồng). Mô hình Merino đã dự đoán về hạn chế trong tăng trưởng nuôi trồng thủy sản; sự sụt giảm sản lượng khai thác cá cơm ở Mỹ Latinh (do ảnh hưởng của El Niño khó lường hơn và các đợt thời tiết khắc nghiệt gia tăng bởi biến đổi khí hậu). Điều này ​​sẽ góp phần làm tăng giá thủy sản; đồng thời gia tăng giá thức ăn thủy sản khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng.

Một nghiên cứu khác gần đây của Barange và cộng sự (2014) lạc quan khi dự đoán rằng đến năm 2050 nguồn cung thủy sản toàn cầu có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang gia tăng trên toàn thế giới, mặc dù không phải không có tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với các khu vực dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Việc phân phối lại các nguồn lợi thủy sản do sự thay đổi của khí hậu cũng sẽ dẫn đến nhu cầu thay đổi, mô hình thương mại thay đổi, chuyển sản phẩm từ vùng thặng dư sang vùng thâm hụt. Tuy nhiên, có khả năng là các khu vực thâm hụt sẽ thiếu nguồn lực tài chính cần thiết để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu này và sẽ dẫn đến thiệt hại ròng cho một số cộng đồng ngư nghiệp dễ bị tổn thương nhất. Mô hình Barange đã kết hợp những thay đổi về sản lượng thủy sản (do tác động của biến đổi khí hậu) với tính dễ bị tổn thương của cộng đồng dân cư phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản. Kết quả cho thấy các cộng đồng ngư dân Nam Á và Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực thủy sản, một phần do mật độ dân số cao và phụ thuộc vào nguồn lợi tự nhiên để đảm bảo an ninh lương thực. Các cộng đồng ven biển ở Tây Phi cũng có nguy cơ cao mặc dù tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực này được dự báo là không nghiêm trọng, nhưng do những cộng đồng dân cư này ít có khả năng thích ứng với những biến động kinh tế nên dễ bị tổn thương hơn.

Mặc dù các mô hình chung này dự đoán các tác động trên toàn thế giới, nhưng vẫn có các diễn biến khác nhau trên thế giới, tại mỗi khu vực và quốc gia, và sẽ cần có các biện pháp thích ứng khác nhau, đặc biệt đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Do đó, cần phải thực hiện nhiều công việc hơn nữa ở cấp quốc gia và khu vực để những dự báo này trở nên hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, những người phải quyết định cách phân bổ các nguồn tài chính hạn chế để hỗ trợ các cộng đồng ngư dân dễ bị tổn thương có thể thích ứng với biến đổi về nguồn lợi thủy sản do khí hậu gây ra.

Trong tương lai

Việc dự đoán tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn lợi thủy sản và tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị thủy sản đang ở những bước sơ khai. Nguồn lợi thủy sản chắc chắn sẽ có sự thay đổi, trên thế giới sẽ có người được người mất. Việc liên kết các dự đoán ban đầu về sản xuất và cuối cùng là dòng chảy thương mại đòi hỏi các nỗ lực nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là chuyển từ phân tích toàn cầu xuống các cấp thấp hơn là khu vực và quốc gia. Cần thu thập và chia sẻ thêm kinh nghiệm để ngành Thủy sản có thể chuyển đổi mô hình sản xuất và các hoạt động sau thu hoạch phù hợp hơn với biến đổi khí hậu. Cũng cần phải linh hoạt hơn trong việc sử dụng các công cụ quản lý hiện có (được sử dụng bởi chính phủ các nước và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (Regional Fisheries Management Organizations - RFMOs) để tạo điều kiện cho các quốc gia có đủ không gian chính sách thích ứng với những thay đổi về nguồn lợi tự nhiên do tác động của biến đổi khí hậu. Những nghiên cứu này rất cần sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia nhiều ngành, học viện, xã hội, dân sự, chính phủ và các tổ chức liên chính phủ, cùng chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc xây dựng ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác