Cá hồi: Quỹ đạo tăng trưởng đi lên bị chặn lại bởi dịch COVID-19 (20-11-2020)

Mặc dù năm 2019 đánh dấu sự biến động mạnh về giá cá hồi, nhưng số liệu của cả năm vẫn xác nhận 12 tháng vững chắc của ngành hàng này. Tuy nhiên, trong năm 2020, những tác động chưa từng có, trên diện rộng của đại dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại nặng nề cho những người tham gia thị trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Cá hồi: Quỹ đạo tăng trưởng đi lên bị chặn lại bởi dịch COVID-19

Sản xuất cá hồi Đại Tây Dương: Tổng sản lượng cá hồi Đại Tây Dương nuôi trên toàn cầu ước tính đã tăng 7% trong năm 2019, lên khoảng 2,6 triệu tấn. Điều này đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2018. Ba nước đóng góp chính cho sự tăng trưởng này là Na Uy, Chile và Scotland. Na Uy tăng 6,5%, Chile tăng cao hơn, khoảng 10% với năm 2018. Trong khi đó, Scotland đã phục hồi từ một năm kém hiệu quả 2018, đạt mức tăng trưởng 20% vào năm 2019. Canada là nhà sản xuất cá hồi Đại Tây Dương lớn duy nhất có khối lượng thu hoạch giảm khoảng 2%.

Tại Na Uy, giá cá hồi nuôi giảm mạnh trong quý II năm 2020. Các nhà chức trách Na Uy gần đây đã “bật đèn xanh” cho 9 trong số 13 khu sản xuất, đồng nghĩa với việc chấp thuận cho nông dân ở các khu vực sản xuất này có thể tăng công suất lên 6%. Yếu tố chính kìm hãm sự phát triển ở các vùng còn lại là mức độ cao về rận biển, điều này đã đẩy chi phí sản xuất lên cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính của việc thắt chặt biên lợi nhuận ở Na Uy mặc dù giá cao đã kéo dài trong vài năm nay.

Ngành cá hồi Chile tiếp tục gặp khó khăn. Trong quý cuối cùng của năm 2019, ngành công nghiệp cá hồi đã phải đối mặt với một loạt thách thức liên quan đến bất ổn xã hội, bao gồm sự chậm trễ trong chuỗi phân phối, lệnh phong tỏa và nhiều thách thức về dịch vụ hậu cần. Bất chấp những trở ngại này, 697.400 tấn cá hồi Đại Tây Dương đã được thu hoạch trong năm 2019, chiếm 53% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Chile và 73,2% tổng sản lượng cá hồi nuôi.

Năm 2020, sự bùng phát COVID-19 đã ảnh hưởng đến cả sản xuất trong nước và thương mại nước ngoài. Theo khuyến nghị của các nhà chức trách, các công ty sản xuất cá hồi phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn và chống lại sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Các loài cá hồi khác: Nguồn cung cá hồi Na Uy tiếp tục xu hướng đi lên, với sinh khối được báo cáo trong tháng 12 năm 2019 cao hơn khoảng 14% so với tháng 12 năm 2018. Tổng sản lượng ước tính tăng khoảng 24% trong năm 2019. Tại Chile, sản lượng cá hồi coho đạt tổng cộng 176.400 tấn vào năm 2019 (+28,4%). Cá hồi Coho chiếm 13,4% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản và 18,5% tổng sản lượng cá hồi nuôi. Đối với cá hồi vân, sản lượng thu hoạch lũy kế tính đến tháng 12 năm 2019 là 79.500 tấn, cao hơn 10,3% so với năm 2018. Cá hồi chiếm 6% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản và 8,3% tổng sản lượng cá hồi nuôi.

Cá hồi hoang dã: Vào năm 2019, mùa cá hồi hoang dã lớn ở Alaska và bán đảo Kamchatka ở Liên bang Nga đã kết thúc với tổng sản lượng thu hoạch thấp hơn khoảng 13% so với năm 2018 và thấp hơn 4% so với năm 2017. Điều này phần lớn là do sản lượng cá hồi hồng giảm. Vào năm 2020, khu vực Alaska, phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân công lao động theo mùa đến từ ngoài tiểu bang, vì vậy, sẽ phải xem xét tác động kinh tế của việc giảm mạnh hoạt động trong năm 2020 do các hạn chế của COVID-19.

Thị trường: Thị trường cá hồi toàn cầu năm 2019 được đặc trưng bởi sự tăng trưởng ổn định về khối lượng và sự sụt giảm về giá trị do giá giảm mạnh vào giữa năm 2019. Trong ba thị trường lớn nhất, Hoa Kỳ dẫn đầu Liên minh Châu Âu và Nhật Bản về mức tăng trưởng doanh thu nhưng điều này lại được giải thích một phần do đồng đô la Mỹ mạnh. Cá hồi tiếp tục củng cố vị trí là lựa chọn thủy sản hàng đầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ, sau khi vượt qua cá ngừ vào năm 2013. Nói chung, nhu cầu toàn cầu đối với cá hồi Đại Tây Dương, cá hồi coho, cá hồi trout và các loài cá hồi hoang dã vẫn vững chắc trong năm 2019 trên cả thị trường truyền thống và thị trường mới nổi. Trung Quốc, một thị trường đang phát triển nhanh với tiềm năng to lớn, tiếp tục là mục tiêu quan trọng của các nhà xuất khẩu cá hồi.

Thương mại: Nguồn cung tăng trưởng, đồng krone Na Uy suy yếu và nhu cầu tốt là những yếu tố chính thúc đẩy doanh thu xuất khẩu cá hồi Na Uy tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019. Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy (the Norwegian Seafood Council - NSC), xuất khẩu cá hồi trong năm đạt 1,1 triệu tấn, trị giá 72,5 tỷ NOK (tương đương 8,24 tỷ USD). Điều này thể hiện sự gia tăng 6% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với năm 2018. Khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc béo bở của Na Uy đã được cải thiện và ngành công nghiệp sản xuất cá hồi Na Uy đang lạc quan về một hiệp định thương mại tự do trong tương lai. Xuất khẩu của Na Uy sang châu Á nói chung (không bao gồm Nhật Bản) tăng 20% ​​về giá trị và 18% về khối lượng trong năm 2019. Xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, chiếm khoảng 70% doanh thu xuất khẩu cá hồi của Na Uy, tăng 3% về giá trị và 4% về khối lượng.

Tại Chile, báo cáo cho biết sự chậm trễ trong việc công bố số liệu thống kê hàng năm về xuất khẩu cá hồi năm 2019, nhưng xuất khẩu dự kiến ​​sẽ ngang bằng với năm 2018. Thị trường philê cá hồi Đại Tây Dương ở Hoa Kỳ, thị trường cá hồi coho ở Nhật Bản và thị trường cá hồi Đại Tây Dương tươi, nguyên con ở Brazil đều cho thấy sự tăng trưởng ổn định trong năm 2019.

Vào năm 2020, khả năng tiếp cận thị trường Nga đã được cải thiện khi các hạn chế nhập khẩu tạm thời do Cơ quan Giám sát Thú y và Kiểm dịch Liên bang Nga (Rosselkhoznadzor) áp dụng trước đây đối với 4 nhà máy cá hồi Chile đã được dỡ bỏ, chỉ cần đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của Nga. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, tất cả các chuyến hàng cá hồi đến thị trường Trung Quốc đều bị đình chỉ cho đến khi tình hình sức khỏe được kiểm soát. Hiện thị trường Trung Quốc ngày càng có tầm quan trọng đối với các nhà xuất khẩu Chile và Trung Quốc đang đứng thứ 5 với thị phần khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.

Các lô hàng trước đây được vận chuyển đến Trung Quốc hiện đang được chuyển hướng sang các thị trường khác, chẳng hạn như Brazil, Hoa Kỳ và Đông Nam Á. Các chiến lược của các công ty nuôi trồng thủy sản để đối phó với sự thay đổi của môi trường thị trường rất đa dạng, bao gồm đóng băng những con cá lớn hơn và trì hoãn thả cá giống.

Theo Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (the National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), nhập khẩu cá hồi vào Hoa Kỳ trong năm 2019 đạt tổng cộng 426.500 tấn, trị giá 4,3 tỷ USD. Những con số này phản ánh mức tăng 5,82% về khối lượng và 3,76% về giá trị so với năm 2018. Thị phần của Chile trên thị trường Mỹ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019, trong khi thị phần của Canada đang có xu hướng giảm.

Giá cả: Vào năm 2019, giá cá hồi nuôi biến động mạnh. Trong quý 3 năm ngoái, khối lượng lớn cá hồi Na Uy được tung ra thị trường, đã đẩy mức giá xuất khẩu cá tươi theo chỉ số giá cá hồi Nasdaq (the Nasdaq salmon index - NQSALMON) xuống 39 NOK (4,33 USD)/kg, giảm khoảng 40% so với đầu năm. Tuy nhiên, nguồn cung thắt chặt và nhu cầu theo mùa mạnh đã khiến giá tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào cuối năm 2019. Giá cá hồi Chile tương đối ổn định hơn, nhưng giá trung bình xuất khẩu philê tươi sang thị trường Hoa Kỳ trong suốt cả năm thấp hơn một chút so với năm 2018, giá trung bình năm 2019 là 10 USD/kg. Vào năm 2020, mặc dù dự báo tăng trưởng nguồn cung thấp hơn một chút, nhưng giá cá hồi toàn cầu lại giảm do nhu cầu suy yếu bởi tác động mạnh của thị trường vào đợt bùng phát COVID-19.

Dự báo: Năm 2020, tình hình thị trường đã hoàn toàn biến đổi bởi đại dịch COVID-19. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại đều có tác động trực tiếp đến ngành cá hồi. Các công ty cá hồi nói chung dự kiến ​​sẽ giảm sút thu nhập do hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động với công suất giảm. Ngành dịch vụ nhà hàng, thường hấp thụ một lượng lớn cá hồi, thì bị đóng cửa hoàn toàn tại các thị trường quan trọng nhất. Các nhà phân tích ước tính nhu cầu cá hồi toàn cầu giảm ít nhất 15%. Đồng thời, các biện pháp kiểm dịch được áp dụng trên khắp thế giới đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu bán lẻ cá hồi. Người tiêu dùng nội trợ thích lựa chọn các sản phẩm đông lạnh và chế biến sẵn hơn là các mặt hàng hải sản tươi sống, dễ hỏng. Kết quả là, doanh số bán lẻ các loại mặt hàng đông lạnh/ chế biến sẵn đã tăng vọt ngay khi các quy định hạn chế dịch vụ nhà hàng lần đầu tiên được áp dụng, nhưng xu hướng này cũng giảm dần kể từ khi các hộ gia đình tích trữ thực phẩm. Các nhà phân phối trực tuyến cũng đang báo cáo doanh số bán hàng tăng ở nhiều quốc gia do sự quan tâm đến các kênh phân phối thay thế này đã tăng lên.

Trong khi đó, dịch vụ hậu cần trở nên khó khăn đáng kể, làm gia tăng thêm những khó khăn trên thị trường. Những người điều khiển phương tiện đã phải đối mặt với biên giới bị đóng hoặc hạn chế với những chậm trễ trong việc kiểm tra sức khỏe. Việc hủy chuyến bay trên quy mô lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại đối với một số sản phẩm cá hồi cao cấp được vận chuyển bằng đường hàng không, chẳng hạn như cá hồi tươi của Na Uy và Chilê đến Mỹ và Trung Quốc. Vào năm 2020, có rất ít sự cứu trợ, với sự bùng phát COVID-19 ảnh hưởng đến cả sản xuất trong nước và thương mại nước ngoài. Tại Chile, các nhà chức trách đã chỉ định ngành công nghiệp cá hồi là một ngành dịch vụ thiết yếu.

Các tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19 được dự đoán ​​là rất nghiêm trọng. Mặc dù một số thị trường lớn, như Trung Quốc, đã nới lỏng một số hạn chế, hoạt động kinh tế về cơ bản sẽ giảm đáng kể trong ít nhất vài tháng nữa. Mặc dù nhu cầu cá hồi nuôi tăng mạnh vào đầu năm 2020, nhưng tình hình COVID-19 đã tạo ra biến động lớn. Đặc biệt, sẽ mất một thời gian trước khi nhu cầu dịch vụ thực phẩm trở lại mức như trước đại dịch. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng các dự báo đối với thị trường Trung Quốc có thể là dự báo lạc quan quá mức, vì cá hồi mặc dù phổ biến trong các nhà hàng kiểu Nhật nhưng vẫn không phải là món ăn hàng ngày có trong giỏ thực phẩm của người dân Trung Quốc.

Theo số liệu từ Kontali, năm 2020, tăng trưởng tổng sản lượng cá hồi nuôi tại vùng Atlantics dự kiến ​​sẽ giảm 2%. Dự đoán cho Na Uy và Chile lần lượt giảm 2% và 5%, đặc biệt là Na Uy đang phải vật lộn với chi phí sản xuất cao. Mặc dù nguồn cung thắt chặt sẽ hỗ trợ giá ở một mức độ nào đó, nhưng nhu cầu giảm trong một thời gian dài có thể sẽ đẩy giá về gần với mức hòa vốn. Nếu điều này xảy ra, các công ty nuôi trồng cá hồi có thể sẽ thu được lợi nhuận đáng kể và doanh thu xuất khẩu sẽ giảm. Vào cuối tháng 4 năm 2020, giá tại Fish Pool dao động ở mức 50 NOK (4,77 USD)/kg. Đối với lĩnh vực cá hồi hoang dã, ảnh hưởng của COVID-19 có thể còn tác động đáng kể trong vụ khai thác sắp tới, mặc dù chính quyền Alaska vẫn chưa công bố kế hoạch đóng cửa bất kỳ vụ đánh bắt nào.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác