Giá cá tra chạm đáy do COVID-19 đóng cửa các thị trường chính (19-11-2020)

Sau khi đạt đỉnh cao kỷ lục vào năm 2018, phản ứng với nguồn cung mạnh mẽ vào năm 2019 cùng với sự tàn phá kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra vào đầu năm 2020 đã khiến giá cá tra sụt giảm. Các bên liên quan đến ngành các tra của Việt Nam đã kêu gọi nông dân giảm lượng thả nuôi để thắt chặt thị trường.
Giá cá tra chạm đáy do COVID-19 đóng cửa các thị trường chính

Sản xuất: Tại Việt Nam, nhà sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, tổng sản lượng thu hoạch năm 2019 ước tính 1,4 triệu tấn (tăng khoảng 3,5% so với năm trước). Đồng thời, tổng diện tích nuôi trồng cũng tăng 22% lên xấp xỉ 600 ha. Giá tăng cao trong năm 2018, cùng với triển vọng tích cực chung cho thị trường cá tra toàn cầu, là những nguyên nhân chính đằng sau sự gia tăng công suất này. Tuy nhiên, các diễn biến thị trường tiếp theo đã khiến sự lạc quan này biến mất khi đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề cho lợi nhuận của nhà sản xuất và kéo giá quốc tế xuống.

Ngoài việc thị trường chững lại, một loạt các biện pháp phòng chống COVID-19 do các chính phủ thực hiện nhằm làm chậm sự lây lan của virus, bao gồm cả việc đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại, đã cản trở các hoạt động kinh doanh trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất cá tra khác (chủ yếu là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc) phụ thuộc ít hơn vào doanh thu xuất khẩu so với các đối tác Việt Nam. Tuy nhiên, doanh số thị trường nội địa ở các nước này cũng bị ảnh hưởng do các hạn chế kể trên và điều này sẽ dẫn đến các quyết định kinh doanh thận trọng hơn của các nhà sản xuất và những người tham gia ngành khác. Một dự án thí điểm do FAO hỗ trợ Indonesia nhằm giúp nông dân sản xuất thức ăn cho cá tra giá rẻ, được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019, đã cho kết quả khả quan. Sản lượng cá tra của Indonesia đang tăng đều và những người trả lời khảo sát tại sự kiện của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu năm 2019 (the 2019 Global Aquaculture Alliance - GAA) đã ước tính sản lượng năm 2019 đạt 590.000 tấn.

Thương mại và thị trường: Việt Nam xuất khẩu cá tra trị giá ước tính đạt 2,03 tỷ USD trong năm 2019, giảm 10% so với năm 2018. Sự thiếu hụt đáng kể này phản ánh sự sụt giảm mạnh về mặt bằng giá và doanh số bán gần 50% sang thị trường Hoa Kỳ, nơi các nhà xuất khẩu phải đối mặt với các rào cản quy định và thuế chống bán phá giá trong những năm gần đây. Tiêu thụ cá tra ở Hoa Kỳ cũng giảm, cá tra hiện xếp sau tôm, cá hồi, cá ngừ, cá rô phi và cá minh thái Alaska. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu cũng bị đình trệ (mặc dù việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại giữa châu Âu và Việt Nam vào đầu năm 2019 đã tạo cơ sở cho việc mở rộng thị trường châu Âu). Khi doanh số bán hàng sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu giảm, Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường mục tiêu quan trọng đối với ngành công nghiệp cá tra Việt Nam. Trung Quốc, với Đặc khu hành chính Hồng Kông, chiếm 36% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2019, so với 13% của Hoa Kỳ, 12% của Liên minh châu Âu và 11% của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhanh chóng khi các hạn chế ngày càng chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh và quy định về giãn cách xã hội được đưa ra sau đợt bùng phát COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu nới lỏng các hạn chế này vào cuối tháng 3/2020 nhưng các thương nhân ở Việt Nam vẫn báo cáo hoạt động kém sôi nổi và giá yếu vào giữa tháng 4/2020.

Dự báo: Năm 2019, giá cá tra thu hoạch giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, xuống còn 0,76 USD/kg. Giá philê đông lạnh (FOB Hồ Chí Minh) cũng theo xu hướng tương tự, giảm xuống 2,2 USD/kg vào cuối năm 2019. Đầu năm 2020, xu hướng giảm tiếp tục do nhu cầu cạn kiệt từ tất cả các thị trường chính. Kể từ đầu năm 2020, hoạt động ở cả thị trường Mỹ và châu Âu bị giảm sút nghiêm trọng bởi việc đóng cửa hoàn toàn ngành dịch vụ nhà hàng, đóng cửa kinh doanh và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Giá sụt giảm mạnh, nhu cầu giảm về không tại các thị trường lớn, kết hợp với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn COVID-19 tại Việt Nam đã làm giảm đáng kể sự lạc quan trước đây đối với ngành cá tra nuôi. Giá tại nông trại hầu như không ở mức hòa vốn và hầu hết các nhà chế biến chỉ duy trì hoạt động tối thiểu. Các nhà sản xuất rất do dự trong việc dự trữ lượng lớn cá tra do tình hình đã trở nên trầm trọng trên diện rộng và nguyên liệu thô đang bắt đầu cạn kiệt. Doanh thu bán lẻ nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều nhưng nhu cầu dịch vụ ăn uống có thể vẫn rất yếu trong thời gian tới. Nguồn cung thắt chặt có thể được kỳ vọng sẽ làm chậm xu hướng giảm giá cá tra, nhưng sự phục hồi của thị trường cá tra thế giới sẽ là một quá trình lâu dài.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác