Bùng nổ sản xuất cá rô phi ở Ai Cập, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất thức ăn thủy sản (01-09-2020)

Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Ai Cập tăng vọt khiến nhu cầu thức ăn thủy sản tăng đột biến, đẩy chi phí sản xuất lên đáng kể.
Bùng nổ sản xuất cá rô phi ở Ai Cập, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất thức ăn thủy sản
Ảnh minh họa

Đóng góp của nuôi trồng thủy sản trong tổng sản lượng cá của Ai Cập từ năm 2000 - 2015 đã tăng từ 47% năm 2000 lên 78,8% năm 2015, đạt 1,23 triệu tấn.

Alaa Badr, Giám đốc sản phẩm tại Skretting Ai Cập - một chi nhánh của Skretting cho biết, Chính phủ Ai Cập hy vọng sẽ tiếp tục tăng mức tiêu thụ cá bình quân đầu người như một phương tiện cung cấp nguồn protein sản xuất trong nước với giá cả phải chăng cho dân số đang tăng nhanh chóng. Skretting Ai Cập là công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn thức ăn chăn nuôi Nutreco có trụ sở tại Hà Lan và là công ty hàng đầu thế giới về sản xuất, cung cấp thức ăn thủy sản.

Badr cho biết: “Với 900.000 tấn cá rô phi được thu hoạch hàng năm, Ai Cập đã vươn lên trở thành nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản lớn thứ 6 trên thế giới. Sản lượng đạt đỉnh cao bắt đầu vào năm 2005 do số lượng trang trại trải dài dọc theo bờ sông Nile ở Damietta và Rosetta và dự kiến ​​tăng trưởng sẽ tiếp tục vì đây là định hướng của Chính phủ nhằm đáp ứng Tầm nhìn 2030 của Ai Cập”.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sự gia tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Ai Cập chủ yếu là do sự mở rộng đáng kể trong việc áp dụng các công nghệ mới như sử dụng thức ăn ép đùn, hệ thống tuần hoàn nước và cải tiến thực hành quản lý trang trại. Chính sự tăng trưởng về sản lượng nuôi trồng thủy sản của Ai Cập - vốn lớn nhất ở châu Phi và vượt xa các nhà sản xuất như Na Uy và Chilê - đã kích thích nhu cầu lớn về thức ăn cho cá, chủ yếu được đáp ứng bằng cách nhập khẩu khô đậu tương.

Theo USDA: “Ngành công nghiệp thức ăn ước tính rằng, nhu cầu thị trường thức ăn thủy sản của Ai Cập sẽ vượt quá 1,5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020”.

USDA ước tính, thị trường thức ăn thủy sản của Ai Cập sẽ vượt quá 1,5 triệu tấn vào cuối năm nay, với hơn 70 nhà máy thuộc sở hữu tư nhân của nước này, dự kiến ​​sản xuất 90% tổng sản lượng thức ăn. Hiện, 80 - 85% thức ăn bao gồm các sản phẩm dạng viên thông thường, 15 - 20% là thức ăn ép đùn. Và 30 - 40% thức ăn là có bột đậu nành, chứ không phải bột cá đắt tiền hơn, được sản xuất 5 - 22% ở trong nước.

Cũng theo USDA, trong tương lai, Ai Cập sẽ tiếp tục dựa vào đậu nành để sản xuất thức ăn thủy sản. USDA ước tính rằng, vào cuối năm 2020, công suất nghiền đậu nành của Ai Cập sẽ tăng lên 15.000 tấn do nhu cầu thức ăn ngày càng tăng.

Nhu cầu thức ăn thủy sản ngày càng tăng đã tạo cơ hội cho các công ty như Skretting và Aller Aqua, những công ty đã mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có, mở các nhà máy thức ăn mới và tung ra các sản phẩm mới đặc biệt phù hợp với thị trường thức ăn thủy sản của Ai Cập. Skretting thành lập một bộ phận Ai Cập vào năm 2008.

Badr cho biết: “Skretting Ai Cập đã tung ra thị trường các sản phẩm toàn cầu hiện đại dành cho cá rô phi, dựa trên kết quả nghiên cứu, phát triển của Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Skretting. Các sản phẩm dành cho người nuôi cá rô phi hướng đến nâng cao năng suất, giảm tổn thất, tập trung vào công thức thành phần linh hoạt dựa trên khả năng tiêu hóa”.

Theo Badr, khi phát triển sản phẩm Optiline, Skretting đã phân tích cụ thể nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của 4 kích cỡ sống khác nhau của cá rô phi, bao gồm cá 25 - 1.000 gram. Ông nói: “Thức ăn Optiline của Skretting cho cá rô phi cung cấp dinh dưỡng cân bằng hỗ trợ các hệ thống nuôi trồng thủy sản khác nhau”.

Năm ngoái, Skretting đã cho ra mắt Nutra dành cho cá rô phi, một sản phẩm mới cho thị trường Ai Cập với việc phân phối sẽ sớm được mở rộng sang Kenya, Uganda, Cote d’Ivoire và Mali.

Skretting cũng đã giới thiệu Protec cho cá rô phi, mà Badr mô tả là “một chế độ ăn chức năng mới được thiết kế đặc biệt để giúp hỗ trợ cá rô phi và tăng cường khả năng đối phó với các tình huống khó khăn, bao gồm cả mùa hè nóng bức”. Ông nói: “Về cơ bản, Protec cho cá rô phi giúp hỗ trợ khả năng phòng vệ tự nhiên của cá, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tối ưu hóa sự cân bằng giữa cá, vi khuẩn và môi trường”.

Theo Badr, tương lai thị trường nuôi trồng thủy sản của Ai Cập có triển vọng tươi sáng. Điều đó đặc biệt đúng đối với việc sản xuất cá rô phi sông Nile, mà Badr nói “là nền tảng của nghề nuôi cá ở Ai Cập, cho đến nay nước này trở thành nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản lớn nhất ở châu Phi”. Ông cho biết, cá rô phi sông Nile được người nuôi cá Ai Cập ưa chuộng vì khả năng sống cao với phương thức sản xuất mật độ cao, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, khả năng chống lại dịch bệnh và thích ăn tạp.

Badr nói: “Hiện, thị trường cá và hải sản Ai Cập cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng”.

Thu Hiền Theo Seafoodsource

Ý kiến bạn đọc

Tin khác