Nuôi trồng thủy sản thế giới đạt sản lượng kỷ lục gần 115 triệu tấn (25-08-2020)

Theo số liệu thống kê mới nhất của FAO, năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới đã đạt mức cao kỷ lục là 114,5 triệu tấn (xem bảng 1). Tổng sản phẩm được bán ra trên toàn thế giới đạt giá trị lên tới 263,6 tỉ USD. Trong đó, sản lượng động vật nuôi là 82,1 triệu tấn (giá trị đạt 250,1 tỉ USD), 32,4 triệu tấn thực vật dưới nước (tương đương 13,3 tỉ USD) và 26,000 tấn vỏ sò trang sức và ngọc trai (tương đương 179,000 USD).
Nuôi trồng thủy sản thế giới đạt sản lượng kỷ lục gần 115 triệu tấn
Ảnh minh họa

Cá được coi là đối tượng nuôi quan trọng nhất trong nuôi trồng thủy sản thế giới. Năm 2018, sản lượng cá đạt khoảng 54,3 triệu tấn với giá trị 139,7 tỉ USD. Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng cá nuôi trong vùng nước nội địa chiếm phần lớn trong tổng sản lượng, đạt 47 triệu tấn với giá trị 104,3 tỉ USD, trong khi sản lượng nuôi ven biển và nuôi biển chỉ chiếm một phần nhỏ là 7,3 triệu tấn (giá trị đạt 35,4 tỉ USD).

Bảng 1. Thống kê sản lượng nuôi trồng thủy sản từ năm 1990 - 2018

Sản lượng nuôi nhuyễn thể đứng thứ hai đạt 17,7 triệu tấn với giá trị là 34,6 tỉ USD, tiếp đến là động vật giáp xác và nhuyễn thể hai mảnh vỏ với tổng sản lượng đạt khoảng 9,4 triệu tấn (đạt giá trị 69,3 tỉ USD), sản lượng baba khoảng 370.000 tấn với giá trị 3,5 tỉ USD và ếch với sản lượng là 131.300 tấn (giá trị đạt 997 triệu USD).

Toàn thế giới ghi nhận tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng trung bình hàng năm 5,3% trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2018 (xem bảng 2). Số liệu thống kê của FAO cho thấy, vào cuối giai đoạn này có những biến động tăng trưởng nhẹ. Năm 2017, mức tăng chỉ đạt 4% và năm 2018 đạt 3,2%. Lý giải cho sự thay đổi này do sản lượng nuôi của Trung Quốc, nước có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới, sụt giảm. theo số liệu thống kê, năm 2017, Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2,2% và năm 2018 là 1,6% đã tác  tốc độ tăng sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng của những quốc gia còn lại trên toàn thế giới vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 6,7% và 5,5% tương ứng trong hai năm 2017 và 2018.

Tổng sản lượng nuôi trồng thực vật dưới nước toàn thế giới được đánh giá phụ thuộc chủ yếu vào các loài rong biển. Thống kê một lần nữa cho thấy, sản lượng nuôi trồng các đối tượng này có mức tăng không đáng kể trong những năm gần đây. thậm chí còn giảm 0,8% trong năm 2018. Sự thay đổi này được ghi nhận là do đầu ra của các loài rong biển nhiệt đới tăng chậm và sản lượng nuôi trồng đối tượng này ở khu vực Đông Nam Á giảm. Ở chiều ngược lại, sản lượng nuôi trồng rong biển ở vùng nước ôn đới và vùng nước lạnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo nhận định của FAO, ngành nuôi và trồng các loại động vật và thực vật dưới nước cho mục đích trang sức là hoạt động kinh tế lâu đời được phân bố trên khắp thế giới. Các loài cá sấu được nuôi thương mại tại nhiều quốc gia để lấy da và thịt. Nhưng hầu như không có nhiều số liệu thống kê về sản lượng nuôi các đối tượng nêu trên. Nuôi cá sấu chỉ thống kê số liệu theo cá thể chứ không tính bằng khối lượng. Vì vậy, sản lượng nuôi các đối tượng này không được tính trong tổng sản lượng nuôi trồng.

Bảng 2. Thống kê sự tăng trưởng nuôi trồng thủy sản qua các thời kỳ

Số liệu tổng hợp của FAO cho thấy, sau khi có có sự tăng trưởng cao hàng năm về sản lượng nuôi trồng thủy sản ở mức 10,8% và 9,5% tương ứng vào những năm 1980, 1990 của thế kỉ trước, mức tăng trưởng này đã chậm lại trong những thập niên đầu thế kỷ 21. Tăng trưởng trung bình hàng năm trên toàn thế giới là 5,8% trong giai đoạn từ năm 2001 - 2010 và 4,5% vào giai đoạn từ năm 2011 - 2018 (Bảng 2)

Mặc dù có sự tăng trưởng không đáng kể ở mức độ toàn cầu, nhưng tại một số quốc gia vẫn ghi nhận những số liệu tăng trưởng cao trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018 như Inđonêxia (+12.4%), Bănglađét (+9,1%), Ai Cập (+8,4%) và Equađo (+12%).

Nuôi trồng thủy sản thế giới đang phát triển nhanh. Sản lượng thủy sản từ nuôi trồng đã nhanh chóng vượt qua sản lượng khai thác thủy sản, đóng góp tới 46% vào tổng sản lượng thủy sản thế giới trong gia đoạn 2016 – 2018 so với tỷ lệ 25,7% vào năm 2000. Trong số 10 nước có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới, bốn nước đã vượt qua mốc tỷ trọng 50% sản lượng nuôi đóng góp trong tổng sản lượng thủy sản quốc gia như Trung Quốc (75,5%). Ấn Độ (57%), Việt Nam (55,3%) và Bănglađét (56,2%). Sáu nước còn lại có tỷ lệ đóng góp từ sản lượng nuôi dưới 50% như Na Uy (35,2%, Nhật Bản (17%), Mỹ (9%), Nga (3,8$) và Pêru (1,5%).

Châu Á là khu vực đóng góp lớn nhất vào sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu, chiếm tỷ trọng tới 89% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới trong hai thập kỷ qua. Cũng trong giai đoạn này, châu Phi và châu Mỹ đã cải thiện tỷ trong đóng góp vào sản lượng nuôi của thế giới, trong khi châu Âu lại có sự sụt giảm nhẹ tỷ trọng này. Trong số các nước nuôi trồng thủy sản chính của thế giới, Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Việt Nam, Bănglađét và Na Uy tiếp tục duy trì vị trí quan trọng của mình trong tỷ trọng đóng góp vào tổng sản lượng nuôi của khu vực và thế giới.    

Tổng quát lại, nuôi trồng thủy sản đã và đang khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế của rất nhiều quốc gia. Với xu hướng tăng trưởng ổn định, nuôi trồng thủy sản được đặt kì vọng trong việc đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản trên toàn thế giới trong tương lai.

Nam Anh (theo fao.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác