Xuất khẩu thủy sản toàn thế giới đạt 164 tỷ USD (25-08-2020)

Vào năm 2018, ước tính khoảng 67 triệu tấn thủy sản đã được đưa vào các giao dịch quốc tế, tương đương với 38% tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác được trên toàn thế giới. Cũng trong cùng năm đó, 221 vùng quốc gia và lãnh thổ cũng đã có những báo cáo riêng về hoạt động thương mại liên quan đến thủy sản của quốc gia. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu được ghi nhận ở mức kỷ lục vào năm 2018 với tổng giá trị khoảng 164 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu (không tính sản phẩm lâm nghiệp).
Xuất khẩu thủy sản toàn thế giới đạt 164 tỷ USD
Ảnh minh họa

Trong bốn thập kỷ, từ năm 1976 - 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản toàn cầu tăng với tốc độ bình quân hàng năm 8% về số liệu thuần và 4% về giá trị thực (được điều chỉnh do lạm phát). Sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008 – 2009, xu hướng tăng trở lại trong thương mại thủy sản đã chậm lại. Năm 2015, thương mại thủy sản nói riêng và thương mại quốc tế đã giảm sút mạnh, tương ứng là 10 và 13%. Sự trừng phạt thương mại đối với Nga, sụt giảm kinh tế ở Braxin và sự tăng giá của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền khác là một trong số các yếu tố tác động đến thương mại thế giới. Tuy vậy, từ năm 2016, thương mại thủy sản đã có dấu hiệu hồi phục với mức tăng 7%, rồi 9% năm 2017 và 5% năm 2018 do các điều kiện kinh tế được cải thiện tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và giá thủy sản tăng mạnh.

Tuy nhiên, do những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều mặt hàng thủy sản đã được đưa vào hàng rào thuế quan giữa hai nước. Điều này đã tác động đến thương mại thủy sản toàn cầu. Thống kê trong năm 2019 đã cho thấy tổng giá trị thương mại thủy sản chỉ tăng 2% cả về số lượng cũng như giá trị so với năm trước. Trong khi đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 cũng đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động thương mại giữa các nhà xuất nhập khẩu chinh trong năm 2020.

Từ năm 2002, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất và từ năm 2011 là nước nhập khẩu lớn thứ ba thế giới tính theo giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 7% so với năm 2018 (20 tỷ USD so với 21,6 tỷ USD) có thể do tác động từ những tranh cãi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tốp 10 nước xuất, nhập khẩu có tỷ trọng lớn nhất theo giá trị năm 2018

Xuất khẩu (Tỷ trọng giá trị)

Nhập khẩu (Tỷ trọng giá trị)

Quốc gia

Tỷ trọng (%)

Quốc gia

Tỷ trọng (%)

Trung Quốc

14

Mỹ

14

Nauy

7

Nhật Bản

9

Việt Nam

5

Trung Quốc

9

Chi-lê

4

Tây Ban Nha

5

Thái Lan

4

Italia

4

Ấn Độ

4

Pháp

4

Mỹ

4

Đức

4

Hà Lan

4

Hàn Quốc

4

Canađa

3

Thụy Điển

3

Liên bang Nga

3

Hà Lan

3

Nguồn: FAO, 2020

Cũng từ năm 2004, Na Uy đã trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới, đạt 12 tỷ USD năm 2018. Tiếp sau Na Uy, từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ ba. Việt Nam đã duy trì thành công sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây nhờ thúc đẩy kết nối thương mại tại thị trường phát triển nhanh là Trung Quốc, ổn định ngành sản xuất cá tra và phát triển mạnh công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Từ năm 2017, Ấn Độ đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ tư nhờ sự tăng trưởng mạnh sản lượng tôm nuôi. Tuy vậy, sau khi đạt mức kỷ lục 7,2 triệu USD năm 2017, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ năm 2018 đã bị gsutj giảm 3% và giảm hơn 1% năm 2019 (6,8 tỷ USD).

Năm 2018, Chi Lê là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ năm nhưng sang năm 2019 giá trị xuất khẩu của nước này lại giảm 3% đạt mức 6,6 tỷ USD. Thái Lan, nước xuất khẩu lớn thứ năm, đã giảm đáng kể xuất khẩu thủy sản kể từ năm 2012 chủ yếu do sản lượng tôm giảm vì dịch bênh bùng phát, dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu bị giảm mạnh.

Các nước đang phát triển ngày càng đóng góp quan trọng vào thị trường xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng 8,4% năm về giá trị. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của các nước đang phát triển trong thương mại thủy sản thế giới đã tăng từ 38% về giá trị và 39% về khối lượng năm 1976 lên tương ứng 54% tổng giá trị và 60% tổng khối lượng vào năm 2018 do sự tăng trưởng mạnh sản lượng nuôi trồng thủy sản và đầu tư rõ ràng vào phát triển thị trường xuất khẩu. Cũng trong năm 2018, xuất khẩu của các nước đang phát triển đạt 88 tỷ USD, xuất siêu tới 38 tỷ USD.

Về nhập khẩu thủy sản, trong nhiều thập kỷ EU, Mỹ và Nhật Bản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu thủy sản toàn cầu. Năm 2018, trong khi tỷ trọng nhập khẩu của EU ít biến động, chiếm 34%, thì Mỹ và Nhật Bản lại giảm mạnh chỉ chiếm 14% và 9% tổng giá trị nhập khẩu thế giới. Năm 2019, xu hướng này vẫn tiếp tục do nhu cầu tăng nhanh của nhiều nền kinh tế mới nổi, nhất là ở Trung và Đông Nam Á. Mặc dù các nước thuộc EU, Mỹ và Nhật Bản vẫn đang nắm thế độc tôn trong nhập khẩu thủy sản của thế giới, thì vị thế của các nước đang phát triển cả trong tiêu dùng cũng như là sản xuất ngày càng được nâng cao. Đô thị hóa, thu nhập được cải thiện và tầng lớp trung lưu tiêu dùng sản phẩm thủy sản tại các nền kinh tế mới nổi ngày càng nhiều đã làm thay đổi xu thế này. Năm 2018, nhập khẩu thủy sản của các nước đang phát triển đã chiếm tới 31% tổng giá trị và 49% tổng sản lượng toàn cầu so tương ứng với 12% và 19% vào năm 1976. Tuy nhiên, trong khi giá trị nhập khẩu thủy sản trung bình của các nước đang phát triển là 1,6 USD/kg, thì giá trị tương ứng của các nước phát triển là 3,4 USD/kg. Vì vậy, với khối lượng nhập khẩu tương đương của hai nhóm nước này, nhưng các nước phát triển lại chiếm tỷ trọng tới 69% tổng giá trị nhập khẩu năm 2018 và vẫn giữ mức này trong năm 2019.

Năm 2018, hơn 90% khối lượng trong các hoạt động thương sản phẩm thủy sản là các sản phẩm chế biến, trong đó những sản phẩm đông lạnh chiếm tỷ trọng cao nhất. Khoảng 78% khối lượng thủy sản xuất khẩu là những sản phẩm dành cho mục đích tiêu dùng của con người. Trong các đối tượng thủy sản xuất khẩu, nhóm họ cá hồi là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 19% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Mặt hàng quan trọng thứ hai là tôm chiếm 15% tổng giá trị, tiếp đến là nhóm cá đáy (chiếm 10%) và cá ngừ (chiếm 9%). Bột cá và dầu cá chiếm tỷ trọng tương ứng về giá trị là 3 và 1%.

Năm 2018, ngoài 164 tỷ USD xuất khẩu sản phẩm thủy sản, xuất khẩu nhóm sản phẩm thực vật dưới nước đạt 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu rong câu và thực vật khác chiếm tới 63% tổng giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này./.

                                      Nhật Anh (theo the State of World Fisheries and Aquaculture, FAO, 2020)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác