Tiêu thụ thủy hải sản toàn thế giới tăng 3,1% (25-08-2020)

Theo đánh giá hiện trạng khai thác và nuôi trồng thủy sản thế giới của FAO năm 2020, trong giai đoạn từ năm 1961 đến 2017, tổng lượng tiêu thụ thực phẩm từ thủy sản đã tăng bình quân 3,1%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng dân số hàng năm (1,6%) trong cùng thời kỳ và cao hơn mức tiêu thụ các thực phẩm cung cấp protein động vật khác như thịt, bơ, sữa,..
Tiêu thụ thủy hải sản toàn thế giới tăng 3,1%
Ảnh minh họa

Tính theo đầu người, mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản đã tăng từ 9 kg (trọng lượng tươi) năm 1961 lên đến 20,3 kg năm 2017, tăng khoảng 1,5%. Đánh giá sơ bộ năm 2018 cho thấy lượng tiêu thụ cá đầu người tăng nhẹ ở mức 20,5kg/người. Sự tăng trưởng của thị trường tiêu thụ thủy hải sản không chỉ đơn thuần do tăng sản lượng trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, mà còn là kết quả của nhiều yếu tố khác như: sự phát triển của khoa học công nghệ; thu nhập toàn cầu tăng; giảm thất thoát và lãng phí cũng như nhận thức ngày càng tăng về lợi ích của thủy sản đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

Năm 2017, tổng lượng thực phẩm thủy sản tiêu thụ trên toàn thế giới đạt khoảng 153 triệu tấn. Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, vốn là ba nhóm thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất, chiếm tỷ trọng gần một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu vào đầu những năm 1960, chỉ còn chiếm 19% vào năm 2017. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thủy sản tại châu Á đã tăng mạnh, chiếm tới 71% tổng lượng tiêu thụ thủy sản thế giới (năm 1961 chỉ chiếm 48%), riêng Trung Quốc đã chiếm tới 36% tổng lượng tiêu thụ. Tiêu thụ thủy sản tại các nước khu vực châu Mỹ (không kể Mỹ) và châu Phi chiếm tỷ trọng tương ứng 10% và 8%. Sự biến động đáng kể trong tiêu thụ thủy sản ở các thị trường phát triển thời gian qua là do có sự thay đổi trong cơ cấu ngành thủy sản thế giới. Vai trò của các nước châu Á trong sản xuất thủy sản tăng nhanh, nhất là nuôi trồng thủy sản, đô thị hóa và sự gia tăng đáng kể dân số của các nền kinh tế mới nổi với sô cư dân ở tầng lớp trung lưu có thu nhập cao hơn ngày càng tăng trong cơ cấu dân số, nhất là tại châu Á.       

Theo đánh giá của FAO, mặc dù thủy sản chỉ cung cấp khoảng 35 đơn vị calo đầu người mỗi ngày và ở mức cao hơn 100 đơn vị calo đầu người tại những nước ưa chuộng thủy sản hoặc có truyền thống về thủy sản lâu đời, nhất là những nơi thủy sản được xem là nguồn cung cấp chính protein, nhưng trong các bữa ăn bổ dưỡng hàng ngày, thủy sản lại là thực phẩm giàu protein động vật chất lượng cao, cung cấp các axit béo và các vi chất dinh dưỡng cơ bản, cần thiết cho cơ thể con người. Năm 2017, thủy sản chiếm đến 17% tổng protein động vật và 7%  nguồn cung cấp protein từ các loại thực phẩm tiêu thụ trên thế giới. Ngoài ra, theo số liệu thống kê, thực phẩm từ cá đã cung cấp cho khoảng 3,3 tỷ người với gần 20% lượng protein động vật trong chế độ ăn của mỗi người. Tại một số nước như Bănglađét, Campuchia, Ga-na, Gămbia, Inđônêxia, Serỉa Lêon, Sri Lanca và một vài quốc đảo nhỏ đang phát triển, mức đóng góp protein của thực phẩm thủy sản còn cao hơn 50%.

Ở phạm vi khu vực và châu lục, các nước châu Phi tiêu thụ cá thấp nhất, đạt mức tiêu thụ cao nhất là 10,5kg/người vào năm 2014 và giảm xuống còn 9,9kg vào năm 2017. Lượng tiêu thụ cá thấp ở những vùng cận sa mạc Sahara là hệ quả từ một số yếu tố có liên kết với nhau như: tỷ lệ tăng dân số cao hơn mức cung thủy sản, khai thác thủy sản bị đình trệ do áp lực lên nguồn lợi thủy sản trong khi ngành nuôi trồng thủy sản lại kém phát triển.

Ở mức độ toàn cầu, kể từ năm 2016, nuôi trồng thủy sản là nguồn cung cấp thủy sản chính cho tiêu thụ hàng ngày của con người. Năm 2018, nguồn cung từ nuôi trồng thủy sản chiếm 52% lượng thủy sản tiêu thụ trên thế giới và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nuôi trồng thủy sản phát triển, nhất là ngành nuôi tôm, cá hồi, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá rô phi, cá truyền thống (chép, trôi, mè,..) và cá da trơn trong đó có cá tra Việt Nam đã tạo ra mức tăng ổn định trong tiêu thụ thủy sản tính theo đầu người trong những năm gần đây. Nuôi trồng thủy hải sản đã mở rộng nguồn cung thủy sản cho các nước và khu vực không có khả năng khai thác hoặc bị hạn chế về tài nguyên với giá thành rẻ hơn, giúp họ cải thiện nguồn dinh dưỡng và an ninh lương thực. 

Nam Anh (Theo The State of World Fisheriesand Aquaculture 2020, FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác