Giảm phụ thuộc vào nhập khẩu: UAE chuyển sang nuôi trồng thủy sản để tăng cường an ninh lương thực (12-08-2020)

UAE đang chuyển sang nuôi trồng thủy sản như một phần trong nỗ lực mới nhất của họ nhằm cải thiện an ninh lương thực, trong bối cảnh hiện phải nhập khẩu 90% tổng lượng lương thực được tiêu thụ.
Giảm phụ thuộc vào nhập khẩu: UAE chuyển sang nuôi trồng thủy sản để tăng cường an ninh lương thực
Ảnh minh họa

Theo Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản (NTTS) mới nhất của UAE, nước này tiêu thụ 220.000 tấn thủy sản hàng năm, trong đó chỉ có 2% đến từ NTTS. NTTS được hiểu là hoạt động gây giống, nuôi, thu hoạch cá và các sinh vật biển khác từ đại dương.

Được triển khai bởi Bộ trưởng Bộ An ninh Lương thực UAE, Mariam Bint Mohammed Saeed Hareb Almheiri, Hướng dẫn mới này tập trung vào công nghệ và nghiên cứu đóng vai trò như thế nào trong việc tăng sản phẩm biển ở nước này.

Cá được xác định là một trong 18 mặt hàng thực phẩm chiến lược trong Chiến lược An ninh lương thực quốc gia của UAE triển khai trong năm 2018. Để giảm sự phụ thuộc của UAE vào cá nhập khẩu, Hướng dẫn mới nêu bật những tiến bộ trong NTTS và mong muốn thu hút đầu tư bổ sung vào lĩnh vực này.

Một trong các dự án là Trung tâm Nghiên cứu biển Sheikh Khalifa. Giai đoạn đầu của Trung tâm này đã hoàn thành và có công suất sản xuất 20 triệu con giống hàng năm. Trung tâm này đang sử dụng các công nghệ hiện đại như quang sinh học để sản xuất vi tảo. Trung tâm cũng lắp đặt các hệ thống tuần hoàn/tái sử dụng nước từ các bể nuôi cá để giảm tiêu thụ nước và chất thải, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả. Nước biển được bơm vào môi trường nuôi ấp, xử lý và làm sạch. Giai đoạn 2 của dự án hiện đang được triển khai, đó là mở rộng trại giống để sản xuất các giống cá mới với tỷ lệ sống cao và tăng năng lực sản xuất lên 30 triệu con/năm. Ngoài ra, một tổ hợp phòng nghiên cứu biển cũng đang được xây dựng để chuyên sâu về công nghệ sinh học biển, sinh học y tế và công nghệ số.

Bản hướng dẫn viết: “Trung tâm dự kiến ​​nâng cao vai trò và vị thế của UAE trong lĩnh vực nghiên cứu biển quốc tế. Mục đích là thiết lập cho UAE một tiêu chuẩn quốc tế cho các nỗ lực bảo tồn và bền vững môi trường, lương thực, đồng thời là cửa ngõ để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia cũng như chuyên môn địa phương trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu biển. Hơn nữa, đây là điều kiện cho phép UAE thu hút chuyên môn toàn cầu trong các lĩnh vực được chọn, đặc biệt là trong nền kinh tế xanh”.

Một dự án khác là Trung tâm Nghiên cứu biển và NTTS Abu Al Abyad (AMSC) có thể sản xuất 3 triệu con giống hàng năm cho các trang trại nuôi hiện nay, với kế hoạch sản xuất thêm 2 triệu con giống để phóng sinh vào biển, tăng nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Để đưa NTTS trở thành ngành phát triển sôi động và bền vững tại nước này, Trung tâm hiện đang trong quá trình thiết lập phòng thí nghiệm phát hiện bệnh, giúp giảm thiệt hại gây ra bởi dịch bệnh.

Hướng dẫn cũng liệt kê top các thủy sản biển có tiềm năng trong ngành NTTS của UAE, về cả cung và cầu, bao gồm cá cobia, cá mú, cá tráp và cá ngừ.

Đến nay, Chính phủ UAE đã đầu tư hơn 54 triệu USD để phát triển trại sản xuất giống và cơ sở nuôi cá. UAE hy vọng với những nỗ lực này có thể giúp đất nước đảm bảo an ninh lương thực cho các thế hệ hiện tại và tương lai. UAE xếp thứ 21 trong bảng xếp hạng toàn cầu về Chỉ số An ninh Lương thực.

Bộ trưởng An ninh Lương thực UAE Almheiri cho biết: “Là một phần trong nỗ lực của UAE để giành vị trí đầu tiên vào năm 2051 theo Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu, chúng ta thể mong đợi ngành nuôi trồng thủy sản UAE sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới. Nuôi trồng thủy sản sẽ phải tuân theo các biện pháp sáng tạo của liên bang được thiết kế để tăng cường hoạt động và sản lượng NTTS, cũng như các sáng kiến ​​thực chất của chính phủ để tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”.

Thu Hiền  (Theo Food Navigator Asia)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác