Thị trường cua, ghẹ trên thế giới: Nguồn cung khan hiếm (23-12-2019)

Trữ lượng cua tại biển Bering không tăng như mong đợi. Nguồn cung không đủ do nhu cầu tăng cao và giá cũng tăng lên.
Thị trường cua, ghẹ trên thế giới: Nguồn cung khan hiếm
Ảnh minh họa

Các nguồn cung

Theo Hội đồng Quản lý Nghề cá Bắc Thái Bình Dương (NPFMC), trữ lượng cua tuyết (snow crab) tại biển Bering tăng nhưng tốc độ thấp hơn dự kiến. Hạn ngạch mới cho năm 2020 đã được quy định bởi Cục Nghề cá Alaska vào giữa tháng 10. Hạn ngạch này tăng so với năm 2019.

Tổng sản lượng được phép khai thác cua da (tanner crab) giảm trong những năm gần đây, từ 1.134 tấn năm 2017 xuống 1.089 tấn năm 2018.

Hiện nguồn cung cua xanh (blue crab) tại vịnh Chesapeake giảm và giá tăng cao. Nhưng nguồn cung cua xanh được dự báo là sẽ tăng trong tương lai. Do biến đổi khí hậu diễn ra tại Chesapeake khiến nhiệt độ nước tăng cao. Vào mùa đông, thời gian mà nhiệt độ nước thấp dưới 50 độ F ngày càng rút ngắn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho loài cua này sinh sản. Vì những khi nhiệt độ nước thấp dưới 50 độ F, cua xanh sẽ chuyển sang trạng thái ngừng hoạt động, bỏ ăn. Nếu thời gian ở chế độ ngừng hoạt động rút ngắn lại (hoặc biến mất hoàn toàn) thì cua xanh sẽ sinh sôi mạnh mẽ ở khu vực này. Vì cua xanh là loài săn mồi ăn tạp nên trữ lượng cá và các loài giáp xác khác ở Chesapeake có nguy cơ giảm.

Thương mại

Nhập khẩu cua ghẹ các loại trên thị trường thế giới tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Tổng lượng nhập khẩu đã tăng từ 186.200 tấn lên 190.800 tấn (tăng 2,5%). Nhập khẩu của Hàn Quốc tăng mạnh nhất (31,3%) lên 27.000 tấn. Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất với 60.200 tấn, chiếm 31,6% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu.

Trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu cua ghẹ của Mỹ tăng nhẹ (1,2%) lên 60.200 tấn, chủ yếu từ các nguồn cung Canada và Nga.

Cua là mặt hàng mà Mỹ đã áp thuế trừng phạt đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ còn cảnh báo là đang có kế hoạch nâng mức thuế từ 10% lên 30%.

Nga là nhà cung cấp chính mặt hàng cua, ghẹ cho Trung Quốc và Hàn Quốc, đã giảm nhẹ khối lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2019, đạt 28.800 tấn so với 30.500 tấn cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu chính mặt hàng cua của Nga là Hàn Quốc, và Hàn Quốc cũng là thị trường nhập khẩu chính mặt hàng cua của Trung Quốc.

Xuất khẩu cua của Trung Quốc giảm 15,8% xuống còn 25.900 tấn trong nửa đầu năm nay, chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc (chiếm 50%).

Năm 2018, Na Uy đã xuất khẩu gần 2.000 tấn cua huỳnh đế (king crab), chủ yếu là dưới dạng cua sống, trị giá 575 triệu NOK (tương đương với 64 triệu USD). Thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cua huỳnh đế tươi của Na Uy giảm không đáng kể (1%) đạt 495 tấn, trị giá 142,6 triệu NOK, so với 501 tấn cùng kỳ năm 2018, trị giá 132,8 triệu NOK. Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2019, Na Uy còn xuất khẩu 330 tấn cua huỳnh đế đông lạnh và 1.218 tấn cua tuyết đông lạnh.

Về giá cả

Giá cua huỳnh đế xuất khẩu từ Na Uy đạt kỷ lục trong tháng 8/2019. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 20% trong 6 tháng đầu năm 2019, nhưng giá trị xuất khẩu chỉ giảm 13%. Giá cua huỳnh đế ở Mỹ và Nhật Bản cũng tăng trong nửa đầu năm nay, tuy nhiên có xu hướng giảm trong nửa cuối năm.

Dự báo

Nga có kế hoạch thay mới đội tàu khai thác cua thông qua hệ thống đấu giá. Theo Luật Thủy sản của Nga, Cơ quan Ngư nghiệp Liên bang Rosrybolovstvo phải bán đấu giá 50% hạn ngạch khai thác cua của nước này từ năm 2019 đến 2020. Các công ty giành được hạn ngạch trong cuộc đấu giá sẽ phải đóng mới các tàu khai thác cua trong vòng 5 năm sau khi nhận được hạn ngạch. Dự kiến 31 tàu mới sẽ được đóng cho ngư trường Viễn Đông và 10 tàu cho ngư trường phía Bắc. Giá của hạn ngạch là gần 2 tỷ USD.

Nguồn cung cua huỳnh đế và cua tuyết vẫn thấp trong khi nhu cầu cua tăng trên toàn thế giới. Với sự đổi mới đội tàu khai thác cua của Nga, nguồn cung có thể được cải thiện trong 5 năm tới với điều kiện các hoạt động khai thác thủy sản được quản lý bền vững. Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chững do cuộc chiến thương mại. Trung Quốc hiện đang mua cua từ một số nhà cung cấp khác ngoài Mỹ; giá cua huỳnh đế đang cao và vẫn được dự đoán là còn tiếp tục tăng. Các nước châu Á khác, nhất là Hàn Quốc, sẽ nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng cua, ghẹ ở phía Bắc trong thời gian tới.

Ngọc Thúy (Theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác