WCPFC ban hành CMM 2018-04 về bảo tồn và quản lý rùa biển (12-03-2019)

CMM 2018-04 là biện pháp bảo tồn và quản lý rùa biển được Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) ban hành vào ngày 14/12/2018. Đây là kết quả của Hội nghị thường niên lần thứ 15 của WCPFC tổ chức tại Honolulu, Hawaii, Mỹ từ ngày 09-14/12/2018.
WCPFC ban hành CMM 2018-04 về bảo tồn và quản lý rùa biển

CMM 2018-04 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 và thay thế CMM 2008-03 về bảo tồn và quản lý rùa biển do WCPFC ban hành vào tháng 12/2008. Nội dung trích lược CMM 2018-04 như sau:

  1. Các quốc gia thành viên, các vùng lãnh thổ và các quốc gia chưa phải là thành viên nhưng có hợp tác với WCPFC (gọi tắt là CCMs) sẽ thực hiện theo Hướng dẫn của FAO để giảm tỷ lệ tử vong của rùa biển trong các hoạt động khai thác và bảo đảm xử lý an toàn tất cả rùa biển bị đánh bắt để cải thiện khả năng sống sót của chúng.
  2. CCMs phải báo cáo với WCPFC ở Phần 2 của báo cáo hàng năm về tiến trình thực hiện biện pháp này bao gồm các thông tin được thu thập về tương tác với rùa biển trong nghề cá được quản lý theo Công ước.
  3. Toàn bộ dữ liệu được thu thập theo Chương trình giám sát khu vực của WCPFC (ROP) về tương tác của rùa biển phải được báo cáo theo thỏa thuận theo các quy định thu thập dữ liệu liệu khác của WCPFC.
  4. CCMs phải yêu cầu ngư dân trên tàu cá chú ý đến các loài rùa biển do WCPFC quản lý để đưa lên tàu; nếu có thể, thực hiện các kỹ thuật xử lý hồi sức cho các cá thể rùa biển bị hôn mê hoặc bị yếu trước khi thả chúng trở lại biển. CCMs phải bảo đảm rằng ngư dân nhận thức và sử dụng các kỹ thuật xử lý giảm thiểu thích hợp được mô tả trong tài liệu hướng dẫn của WCPFC.
  5. CCMs có đội tàu lưới vây khai thác các loài do WCPFC quản lý phải:
    1. Bảo đảm rằng người vận hành các tàu lưới vây này trong khi khai thác ở vùng biển Công ước:
      1. Thực hiện các biện pháp có thể để tránh vây phải rùa biển, trường hợp có rùa bị vây hoặc bị mắc lưới hãy thực hiện các biện pháp có thể để giải thoát an toàn rùa biển.
      2. Thực hiện các biện pháp có thể để giải thoát toàn bộ rùa biển bị quấn vào thiết bị dụ cá (FADs) hoặc các loại ngư cụ khai thác khác.
      3. Dừng vây lưới ngay khi phát hiện có rùa biển bị vây trong lưới để rùa tự thoát ra ngoài; tiếp tục vây lưới sau khi tháo gỡ các cá thể rùa bị vướng vào lưới mà không làm chúng bị thương; thực hiện các biện pháp có thể để hồi sức cho rùa biển trước khi thả chúng trở lại biển.
      4. Mang theo và sử dụng các loại vợt lưới để xử lý giải thoát rùa khi thích hợp.
    2. Yêu cầu thuyền trưởng tàu lưới vây ghi chép toàn bộ sự cố liên quan đến rùa biển trong quá trình khai thác và báo cáo các sự cố đó cho các cơ quan thích hợp của CCM.
    3. Cung cấp các kết quả báo cáo theo đoạn 5(b) cho WCPFC trong báo cáo hàng năm về dữ liệu khoa học của họ được cung cấp cho WCPFC.
    4. Cung cấp cho WCPFC các kết quả nghiên cứu liên quan đến phát triển cải tiến các bản vẽ thiết kế các loại FAD để giảm vướng mắc cho rùa biển và thực hiện các biện pháp khuyến khích sử dụng các bản vẽ thiết kế thành công.
  6. CCMs có đội tàu câu vàng khai thác các loài thuộc danh mục quản lý của WCPFC phải bảo đảm rằng người vận hành các tàu này mang theo và sử dụng máy cắt dây câu và máy móc câu để xử lý và giải thoát kịp thời rùa biển bị đánh bắt hoặc bị vướng theo tài liệu hướng dẫn của WCPFC. CCMs cũng phải bảo đảm rằng những người vận hành các tàu này, khi thích hợp, được yêu cầu mang theo và sử dụng các loại vợt lưới theo tài liệu hướng dẫn của WCPFC.
  7. CCMs có đội tàu câu vàng khai thác ở vùng biển nông có độ sâu dưới 100m phải:
    1. Bảo đảm rằng những người vận hành các tàu này trong khi ở vùng biển Công ước được yêu cầu sử dụng hoặc thực hiện tối thiểu một trong ba phương pháp sau để giảm thiểu việc đánh bắt rùa biển:
      1. Chỉ sử dụng lưỡi câu vòng cỡ lớn, loại lưỡi câu thường có dạng hình tròn hoặc bầu dục, được thiết kế và chế tạo sao cho phần mũi nhọn quặp trở lại vuông góc với phần chuôi lưỡi câu. Các lưỡi câu này có phần mũi lệch phẳng so với phần chuôi một góc không quá 10 độ.
      2. Chỉ sử dụng cá có vảy để làm mồi câu.
      3. Sử dụng bất kỳ biện pháp, kế hoạch giảm thiểu hoặc hoạt động đã được Ủy ban khoa học (SC) và Ủy ban kỹ thuật và tuân thủ (TCC) của WCPFC xem xét và được WCPFC phê duyệt để có thể giảm tỷ lệ tương tác (số lượng quan sát được trên mỗi lưỡi câu) của rùa biển trong nghề câu vàng ở vùng biển nông có độ sâu dưới 100m.
  8. Những yêu cầu ở đoạn 7(a) không cần áp dụng cho nghề câu vàng ở vùng biển nông có độ sâu dưới 100m đã được SC xem xét dựa trên thông tin được CCM có liên quan cung cấp, có tỷ lệ tương tác tối thiểu của rùa biển được quan sát trong giai đoạn ba năm và có mức quan sát bao phủ ít nhất 10% trong từng năm.
  9. Với mục đích thực hiện các biện pháp tại đoạn (7) này, thiết lập và thực thi các định nghĩa thực hành cho riêng nghề câu vàng ở vùng biển nông có độ sâu dưới 100m, cho lưỡi câu vòng lớn và bất kỳ biện pháp theo đoạn 7(a)(iii) hoặc được WCPFC thông qua theo đoạn 12 bảo đảm rằng các biện pháp càng có hiệu lực càng tốt và báo cáo các định nghĩa này cho WCPFC trong Phần 2 của báo cáo hàng năm.
  10. Quy định cho các tàu câu vàng ghi chép toàn bộ sự cố liên quan đến rùa biển trong các hoạt động đánh bắt và báo cáo các sự cố này cho các cơ quan thích hợp của CCM.
  11. Cung cấp các kết quả báo cáo theo đoạn 7(d) trong báo cáo về dữ liệu khoa học sẽ được cung cấp cho WCPFC.
  12. CCMs có nghề câu vàng ngoài nghề câu vàng theo đoạn (7) được kêu gọi:
    1. Thực hiện các thử nghiệm nghiên cứu lưỡi câu vòng và các phương pháp giảm thiểu khác trong nghề câu vàng.
    2. Báo cáo các kết quả thử nghiệm cho SC và TCC ít nhất 60 ngày trước các cuộc họp thường niên của SC và TCC.
  13. SC và TCC sẽ xem xét thông tin được CCMs báo cáo theo đúng biện pháp này. Khi cần thiết, SC và TCC sẽ xây dựng một bộ dữ liệu cập nhật các biện pháp giảm thiểu, các thông số kỹ thuật cho các biện pháp giảm thiểu hoặc các khuyến nghị ứng dụng và cung cấp cho WCPFC để WCPFC cân nhắc và xem xét.
  14. Biện pháp này ủy quyền cho Ban thư ký bắt buộc các nguồn lực có sẵn cho Quỹ, yêu cầu đặc biệt sẽ được sử dụng để hỗ trợ các thành viên và vùng lãnh thổ đang phát triển trong việc thực hiện hướng dẫn của FAO để giảm tỷ lệ tử vong của rùa biển. Các quỹ này có thể được sử dụng để đào tạo và khuyến khích ngư dân áp dụng các phương pháp và công nghệ phù hợp để giảm sự tương tác với rùa biển và giảm thiểu tác động bất lợi của họ.
  15. WCPFC kêu gọi CCMs đóng góp cho Quỹ yêu cầu đặc biệt để hỗ trợ cho các thành viên đủ điều kiện trong sự nỗ lực thực hiện biện pháp này hoặc cung cấp hỗ trợ đó thông qua thỏa thuận song phương.
  16. Biện pháp này sẽ được WCPFC đánh giá vào năm 2021 để xem xét mở rộng phạm vi bao gồm các biện pháp giảm thiểu đối với nghề câu vàng biển sâu dựa vào báo cáo tư vấn của SC và TCC và các thông tin do CCMs cung cấp theo biện pháp này.
  17. Không có gì trong biện pháp này làm phương hại đến chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, kể cả đối với các hoạt động đánh bắt truyền thống và quyền của ngư dân đánh bắt thủ công truyền thống, áp dụng các biện pháp thay thế cho mục đích thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý rùa biển, bao gồm mọi kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và quản lý rùa biển trong các khu vực thuộc thẩm quyền quốc gia.

 BVH (Nguồn: CMM 2018-04, WCPFC)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác