Việc không tuân thủ lệnh của EU về kháng sinh có thể ảnh hưởng đến ngành tôm Ấn Độ (26-09-2017)

Ấn Độ, nước sản xuất tôm lớn thứ hai trên thế giới và nước xuất khẩu tôm lớn nhất, với thu hoạch hơn 416.000 tấn năm 2016, đang gặp rắc rối với Liên minh châu Âu (EU) vì không tuân thủ các quy tắc của EU (Chỉ thị của Hội đồng số 96/23/EC) về sự hiện diện của dư lượng kháng sinh trong các lô hàng tôm xuất khẩu.
Việc không tuân thủ lệnh của EU về kháng sinh có thể ảnh hưởng đến ngành tôm Ấn Độ
Ảnh minh họa

Các thử nghiệm do các phòng thí nghiệm kiểm soát chính thức của EU tiến hành cho thấy mức độ tuân thủ của các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản từ Ấn Độ dành cho người tiêu dùng là không thể chấp nhận, đặc biệt đối với sự tồn tại dư lượng chloramphenicol, tetracycline, oxytetracycline, chlortetracycline và các chất chuyển hóa của nitrofurans.

EU đã và đang thảo luận với Ấn Độ trong 10 năm qua về tôm nhiễm khuẩn và các loại thủy sản nhiễm khuẩn khác, nhưng cuối cùng đã hết kiên nhẫn và công bố kiểm tra các thủ tục kiểm soát tiền xuất khẩu của nước này vào cuối tháng 11. Nếu kết quả được cho thấy là không đạt yêu cầu, lệnh cấm nhập khẩu là một khả năng thực sự trong năm mới.

Một lựa chọn khác là EU sẽ tăng kiểm tra tới 100% lượng hàng nhập khẩu, điều này sẽ gây gánh nặng tài chính cho các nhà nhập khẩu.

Trong khối EU, Anh và Hà Lan đều nhập hơn 1/3 tổng lượng tôm nhập khẩu của mình từ Ấn Độ, Pháp và Đan Mạch 12%, Tây Ban Nha và Ý 5%.

Ben Wheeley, người phụ trách về cá, thủy sản và nguồn cung toàn cầu cho M & J Seafood, một bộ phận của Tập đoàn Brakes, đang lo ngại về ảnh hưởng của một lệnh cấm tiềm năng.

Ông cho biết: “Nó sẽ làm cho tình hình vốn đã khó khăn trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta đã thấy những ảnh hưởng này ngay bây giờ, với các nhà cung cấp Ấn Độ không muốn xuất khẩu sang EU do chi phí bổ sung cho kiểm tra trước khi xuất khẩu và nguy cơ bị từ chối tại cảng nhập cảnh vào EU. Những nhà nhập khẩu thường mua từ Ấn Độ đang chuyển sang các nguồn khác như Việt Nam và Thái Lan, điều này đang gây sức ép lên giá”.

Bắt đầu thử nghiệm bắt buộc đối với thủy sản xuất khẩu Ấn Độ

Năm 2010, EU yêu cầu Ấn Độ thực hiện kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với 100% tổng lượng hàng xuất sang Liên minh châu Âu và đặt mức kiểm tra tại cảng nhập cảnh ở mức 10%. Năm ngoái, do không hài lòng rằng các khuyến cáo từ cuộc kiểm tra năm 2014 đã không được các nhà chức trách Ấn Độ giải quyết một cách thỏa đáng, đặc biệt là kiểm soát chính thức việc sử dụng thuốc thú y và theo dõi các trang trại nuôi trồng thủy sản, EU đã tăng mức kiểm tra đến 50%. Động thái này cũng nhằm phản ứng với sự gia tăng số lượng các lô hàng cho kết quả dương tính đối với các chất bị cấm.

Trong 12 tháng qua, EU đã báo cáo 13 trường hợp cảnh báo nhanh về tôm nhập khẩu của Ấn Độ có chứa furazolidone, nitrofurazone và chloramphenicol hoặc lượng oxytetracycline cực kỳ cao mặc dù tỷ lệ kiểm soát là 100% ở Ấn Độ. Điều thú vị là tôm có giá trị gia tăng dường như có nồng độ kháng sinh thấp hơn tôm nguyên con, điều này cho thấy đầu và vỏ tôm có thể có nồng độ kháng sinh cao hơn phần đuôi.

Tương tự, vào tháng 5 năm 2016, Ấn Độ đã ghi nhận số lượng tôm xuất khẩu bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ từ chối cao nhất trong 15 năm do sự hiện diện của nitrofuran và chloramphenicol.

Để phản ứng lại động thái quyết liệt của EU, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) đã tăng cường thông điệp của mình cho các nhà sản xuất tôm của nước này ngừng sử dụng kháng sinh bất hợp pháp và yêu cầu ngành này bắt đầu kiểm tra nội bộ các sản phẩm về lượng tồn dư kháng sinh. Số lượng các đợt kiểm tra các cơ sở chế biến, phòng thí nghiệm, trang trại và các nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng tăng lên, tuy nhiên nhiệm vụ này rất khó khăn. Chẳng hạn, có hơn 50.000 trang trại nuôi tôm cần kiểm soát và kiểm tra, nhiều trong số đó đang hoạt động trên cơ sở tự cung tự cấp.

Theo báo cáo của The Hindu, Bộ trưởng Bộ Y tế, Dược phẩm và Phúc lợi gia đình, Kamineni Srinivas đã tập hợp một nhóm hành động đặc biệt để điều chỉnh việc sử dụng kháng sinh và các thuốc khác trong nuôi tôm bao gồm các quan chức hàng đầu của Cục Quản lý Thuốc, Cục Y tế, Dược phẩm và Phúc lợi gia đình, MPEDA và Cục Thủy sản.

Bộ trưởng tin rằng các phòng thí nghiệm trái phép và các điểm bán hàng đã hướng dẫn sai lệch cho nông dân khiến họ sử dụng kháng sinh không đúng và sai liều. Cũng có vấn đề tôm tích tụ các chất kháng sinh từ nước sử dụng cho nuôi trồng thủy sản.

Tăng cường sức khoẻ tôm

Người nuôi tôm sử dụng kháng sinh để tăng sức khỏe và khả năng sống của tôm, và trong những điều kiện không được giám sát, chúng là một chất thay thế dễ dàng và rẻ tiền để đầu tư cho môi trường vệ sinh tốt hơn.

Hai loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi nhất trong nuôi tôm là chloramphenicol và nitrofuran, và đây là những loại được xác định phổ biến nhất trong các lô hàng.

Theo một bản tóm tắt chính sách năm 2016 về sử dụng kháng sinh và quản lý chất thải trong nuôi trồng thuỷ sản do Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) chuẩn bị tại New Delhi, Ấn Độ, các cuốn cẩm nang của các cán bộ thuỷ sản trong suốt quá trình tập huấn khuyến cáo sử dụng furazolidone, terramycin và chloramphenicol để phòng ngừa và điều trị bệnh. Việc sử dụng chúng như chất kích thích tăng trưởng cũng được đề xuất, đặc biệt là vào mùa đông khi tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Tuy nhiên, furazolidone và chloramphenicol bị cấm sử dụng trong nuôi nước lợ.

 

Các công ty thức ăn thủy sản địa phương thúc đẩy các loại thức ăn hỗn hợp có chứa kháng sinh để cải thiện sự tăng trưởng và trọng lượng cơ thể ở cá, và nông dân có thể bị cám dỗ để sử dụng chúng như thức ăn nuôi tôm nếu giá cả phù hợp.

Các cuộc kiểm tra gần đây tại Bangladesh và Ấn Độ đã ghi nhận việc sử dụng kháng sinh thú y dùng cho gia cầm hoặc gia súc, nhưng không dành riêng cho thủy sản. Theo số liệu của CSE, các liều dùng khác nhau giữa các trang trại và dựa trên truyền miệng hoặc phỏng đoán, không có thời điểm ngừng thích hợp trước khi thu hoạch.

Sử dụng kháng sinh được dán nhãn sử dụng ở người cũng được tìm thấy, với những người nuôi tôm tin rằng nếu nó có hiệu quả với con người, nó sẽ hiệu quả với cá và tôm.

Các nhà nhập khẩu Anh lo ngại

Ivan Bartolo, cố vấn pháp lý tại Seafish, cơ quan thủy sản của Anh, đã bắt đầu theo dõi tình hình vào tháng 7 năm nay khi tin đồn từ các nhà nhập khẩu lo lắng về tương lai cung cấp tôm của Ấn Độ. Thông qua việc kiểm tra tình hình với Ghislain Maréchal, người chịu trách nhiệm về các mối quan hệ với Ấn Độ tại DG Santé - Tổng cục Sức khoẻ và An toàn Thực phẩm ở Brussels - Bartolo nhận ra rằng có lý do để lo ngại.

Ông đã tổ chức một cuộc họp với các nhà nhập khẩu Anh với Sarvesh Rai, cố vấn cho phái đoàn Ấn Độ đến EU, tại đây các nhà nhập khẩu đã bày tỏ sự quan tâm của họ. Ngoài ra, Liên đoàn Thực phẩm Đông lạnh Anh đã biểu thị những lo ngại của họ trong một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.

Bartolo cho biết: “Tất cả chúng tôi đều được đảm bảo rằng các nhà chức trách Ấn Độ tin rằng việc tiếp tục cung cấp là điều vô cùng quan trọng và đang nỗ lực để thắt chặt công tác kiểm soát trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, các tác động của thị trường đối với việc cấm nhập khẩu tôm sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cả nguồn cung và giá cả, đặc biệt ở Anh”.

Patrick J. Wood, một người kỳ cựu trong ngành tôm, tin rằng những vấn đề hiện nay sẽ dẫn đến việc tăng cường các tiêu chuẩn cho các chương trình chứng nhận độc lập như Chứng nhận Thực tiễn nuôi trồng thuỷ sản tốt nhất của Liên minh nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu, mặc dù ông lo ngại phần lớn nông dân quy mô nhỏ không có phương tiện để đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn.

Wood cũng cho thấy rằng Ấn Độ không có khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng khiến đất nước này có thể trở thành một nền tảng thử nghiệm thích hợp cho công nghệ blockchain.

Blockchain là một công cụ để duy trì sổ sách minh bạch có thể xác minh các giao dịch, bao gồm cả các tài khoản tài chính, với sự tham gia tối thiểu của bên thứ ba. Nó đã trở thành đồng nghĩa với Bitcoin, nhưng tiềm năng của nó mở rộng tốt hơn loại tiền này. Lợi thế chính của Blockchain là nó giải quyết vấn đề niềm tin bằng cách làm cho mọi giao dịch minh bạch và công khai. Tờ The Economist miêu tả nó như là “chuỗi tuyệt vời giúp chắc chắn về mọi thứ”.

Wood cho biết: “Các quy định và truy xuất nguồn gốc từ trang trại sẽ có ích. Sau đó, đơn vị xử lý có thể buộc người nuôi ngừng sử dụng kháng sinh hoặc ngừng kinh doanh với họ. Một danh sách đen cũng là một ý tưởng hay, đặc biệt nếu nó quay trở lại với các nhà sản xuất thức ăn, với việc MPEDA thu hồi giấy phép của những người bị phát hiện không tuân thủ.

Ông nói thêm: “Ấn Độ cần nỗ lực phối hợp để khắc phục vấn đề kháng sinh trong nuôi tôm. Nếu không, tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với danh tiếng xấu và mất thị phần. Ở Ấn Độ, việc gian lận không may là một thực tế được chấp nhận, và điều đó sẽ rất khó thay đổi”

HNN (Theo GAA)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác