Tổng quan thương mại thủy sản thế giới (01-04-2016)

Thương mại thủy sản (TMTS) đóng vai trò quan trọng trong ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Bên cạnh việc tạo ra việc làm và cung cấp nguồn prôtêin động vật, TMTS còn góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thủy sản và các sản phẩm thủy sản là phân khúc được giao dịch thương mại nhiều nhất trong ngành lương thực thế giới, với khoảng 78% các sản phẩm thủy sản được giao dịch toàn cầu. Năm 2014, TMTS chiếm hơn 9% tổng xuất khẩu (XK) nông nghiệp (không tính các sản phẩm lâm nghiệp) và 1% giá trị thương mại toàn thế giới.
Tổng quan thương mại thủy sản thế giới

Đánh giá chung

Trong vài thập kỷ gần đây, TMTS thế giới tăng trưởng đáng kể do sản lượng thủy sản tăng, nhu cầu tiêu dùng thủy sản ngày càng cao và sự mở rộng thương mại hóa toàn cầu. Thủy sản có thể được sản xuất tại nước này, sau đó được chế biến ở nước khác và được tiêu thụ ở nước khác nữa. 

Nhu cầu tiêu dùng thủy sản ngày càng cao, các chính sách tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa hệ thống thực phẩm cũng như sự cải thiện về vận tải và dịch vụ hậu cần, công nghệ đã thúc đẩy TMTS thế giới phát triển toàn diện. Các cải tiến trong chế biến, đóng gói, vận chuyển cũng như các thay đổi trong khâu phân phối và thị trường đã làm thay đổi đáng kể phương thức chế biến, tiêu thụ và phân phối sản phẩm thủy sản đến tay người tiêu dùng. Tất cả các yếu tố này đã hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất thủy sản, từ việc tiêu thụ trong một nước tiến tới thị trường toàn cầu. Năm 2014, hơn 200 nước đã tham gia xuất nhập khẩu thủy sản và các sản phẩm thủy sản.

Trong giai đoạn 1976 - 2014, tổng khối lượng TMTS và các sản phẩm thủy sản thế giới đã tăng hơn 245% và riêng thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người tăng 515%. Giá trị TMTS thế giới tăng từ 8 tỷ USD năm 1976 lên 148 tỷ USD năm 2014, bình quân tăng trưởng 8%/năm (theo danh nghĩa) và 4,6%/năm (theo thực tế).

Xuất nhập khẩu

Từ 1995 đến 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản (XKTS) thế giới tăng gần 4 lần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng diễn ra không đồng đều, với mức tăng khá khiêm tốn cho đến cuối những năm 1990, sau đó tăng mạnh trong giai đoạn 2002 - 2008. Các thị trường mới nổi là động lực chính cho sự tăng trưởng này.  

Sau khi giảm vào năm 2009 do suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008, tốc độ tăng trưởng TMTS thế giới mạnh trở lại trong các năm 2010 - 2011, sau đó từ 2012 - 2014 lại tăng ở mức vừa phải. Trong giai đoạn 2012 - 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 1% về giá trị và 2,4% về khối lượng. Năm 2015, mức tăng trưởng chậm lại ở các nước đang phát triển và phục hồi nhẹ ở các nước phát triển. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc giảm tốc độ tăng trưởng TMTS thế giới bao gồm sự suy thoái kinh tế ở các nước đang phát triển, sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các nước phát triển, các căng thẳng về địa chính trị, mức tăng trưởng đầu tư toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng của USD bị suy yếu, tỷ giá hối đoái bấp bênh…

 

Từ năm 2012, Trung Quốc là nước sản xuất thủy sản chính, đồng thời là nước XKTS lớn nhất tuy chỉ chiếm 1% trong tổng TMTS thế giới. Bên cạnh đó, nhập khẩu thủy sản (NKTS) của Trung Quốc ngày càng tăng, đứng thứ 3 trên thế giới từ năm 2011. NK của nước này tăng trưởng một phần do thiếu nguyên liệu để tái chế và một phần phản ánh mức tiêu dùng nội địa ngày càng tăng. Tuy nhiên, tốc độ TMTS của nước này năm 2015 giảm, với giá trị XKTS giảm 6% (tính theo USD) hoặc 4% (tính theo nhân dân tệ) và NKTS giảm nhẹ (tính theo USD) nhưng lại tăng 2% (tính theo nhân dân tệ). Như vậy, mức giảm này là do đồng USD tăng giá và sự suy yếu của ngành chế biến nước này.

NaUy, nước XKTS lớn thứ 2 thế giới, cung cấp các sản phẩm thủy sản đa dạng như cá hồi, cá nổi nhỏ và cá thịt trắng truyền thống. Giá trị XK cá hồi và cá tuyết của nước này năm 2015 tăng kỷ lục 8% (tính theo đồng curon), nhưng giảm 16% (tính theo USD).

Năm 2014, Việt Nam trở thành nước XK lớn thứ 3 thế giới, trong khi XKTS của Thái Lan giảm 14% (tính theo USD) và 10% (tính theo đồng bạt năm 2015) do khối lượng và giá tôm giảm, giá cá ngừ giảm.

EU, Mỹ và Nhật Bản là ba thị trường phụ thuộc nhiều vào NKTS phục vụ tiêu dùng nội địa. Năm 2014, NKTS của ba thị trường này chiếm 63% về giá trị và 59% về khối lượng trong tổng NKTS thế giới. Cho đến nay, EU là thị trường NKTS lớn nhất, với giá trị NK năm 2014 ước tính 54 tỷ USD (28 tỷ USD nếu không tính giá trị NK nội khối), tăng 6% so với năm 2013.

Trong những năm gần đây, NKTS của Nhật Bản giảm do sự đồng yên suy yếu làm cho giá thủy sản NK trở nên đắt hơn. NKTS năm 2015 của nước này đạt 13,5 tỷ USD, giảm 9% (tính theo USD) nhưng tăng 4% (tính theo đồng yên). Trong khi đó, NKTS của Mỹ đạt 18,8 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2014.

Các nước Mỹ Latinh, vùng Caribê và các nước đang phát triển ở Châu Á vẫn là những khu vực có XKTS ròng. Về giá trị, Châu Mỹ XK ròng từ năm 1985 (trừ năm 2011). Tuy nhiên, Châu Phi lại NK ròng về khối lượng, cho thấy giá trị NKTS của châu lục này thấp (chủ yếu NK cá nổi nhỏ). Châu Âu và Bắc Mỹ là những khu vực có thâm hụt TMTS.

Trong 10 năm qua, giao dịch TMTS giữa các khu vực có xu hướng tăng. Trong tổng giá trị XKTS năm 2014, có 78% từ các nước phát triển XK sang các nước phát triển khác. Tuy nhiên, trong ba thập kỷ gần đây, tỷ trọng XKTS từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển đã tăng. TMTS giữa các nước đang phát triển chiếm 40% giá trị trong tổng XKTS năm 2014.

Một trong những đặc điểm thay đổi chính của TMTS thế giới những năm gần đây là thị phần TMTS của các nước đang phát triển ngày càng tăng, trong khi thị phần của các nước phát triển giảm. Tỷ trọng giá trị XKTS của các nước đang phát triển trong tổng TMTS thế giới tăng từ 37% năm 1976 lên 54% năm 2014. Giá trị XKTS năm 2014 của các nước đang phát triển đạt 80 tỷ USD và thặng dư TMTS đạt 42 tỷ USD.

Triển vọng

Thủy sản và các sản phẩm thủy sản vẫn tiếp tục là mặt hàng được trao đổi nhiều do mức tiêu thụ ngày càng tăng, các chính sách tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa hệ thống thực phẩm.     

            Dự báo năm 2025, TMTS cho nhu cầu tiêu dùng của người sẽ vượt quá 46 triệu tấn. Trong thập kỷ tới, các nước đang phát triển sẽ dẫn đầu về XKTS, đặc biệt là các nước Châu Á sẽ chiếm khoảng 60% khối lượng XKTS thế giới năm 2025. Trung Quốc, Việt Nam và Na Uy sẽ là những nước XKTS hàng đầu. Trong khi đó, Nhật Bản, EU và Bắc Mỹ sẽ tăng khối lượng NKTS do kinh tế phục hồi và nhu cầu tiêu dùng tăng. Các nước phát triển sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều  vào nguồn cung bên ngoài để đáp ứng tiêu dùng nội địa, do vậy NKTS của các nước này sẽ tăng 20%.

Mặc dù các nước phát triển sẽ tiếp tục dẫn đầu về NKTS cho tiêu dùng, song tỷ trọng NKTS của các nước này trong tổng NKTS thế giới sẽ giảm từ 54% trong năm 2013 - 2015 xuống 53% vào năm 2025. Các nước đang phát triển sẽ tăng NK nguyên liệu chế biến để tái xuất và phục vụ tiêu dùng nội địa ngày càng tăng. NKTS dự báo sẽ tăng ở một vài nước Châu Á như Inđônêxia, Philippin và Việt Nam, cũng như ở Braxin và một số nước ở khu vực Cận Đông và Châu Phi.

Giáng Hương (tổng hợp theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác