Triển vọng sản lượng các loài cá có vảy nuôi toàn cầu: Nhịp độ tăng trưởng chậm (21-11-2016)

Đây là bản tóm tắt một số những phát hiện từ cuộc điều tra của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) về các loài cá có vảy và vẹm. Một bài thuyết trình về các ước tính sản lượng mà đồng tác giả là Ragnar Nystoyl, Ragnar Tveteras và Darryl Jory, gần đây đã được trình bày tại hội nghị GOAL năm 2016 tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Triển vọng sản lượng các loài cá có vảy nuôi toàn cầu: Nhịp độ tăng trưởng chậm
Ảnh minh họa

Các ước tính dựa trên một cuộc điều tra toàn cầu do GAA thực hiện, điều phối bởi Jory, và các ước tính từ Kontali. Các số liệu về sản lượng cho đến năm 2014 chủ yếu là dựa trên cơ sở dữ liệu Fishstat của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO). Hội đồng Thủy sản Na Uy và Cục Nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NMFS) đã cung cấp dữ liệu về giá của một số loài thủy sản.

Cá rô phi

Cá rô phi, loài cá có tính địa lý đa dạng nhất trong tất cả các loài cá nuôi, đã tiếp tục có sự tăng trưởng sản lượng theo thời gian, như thể hiện trong hình 1. Dự kiến ​​sản lượng cá rô phi sẽ đạt mức 5,6 triệu tấn trong năm 2016, tăng 4% so với năm 2015. Năm tới, dự kiến sản lượng ​​sẽ tăng 4,5% lên 5,8 triệu tấn. Mức tăng trưởng này vẫn còn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2007-2016 là 9,5%.

Khi chúng ta nhìn vào giá nhập khẩu cá rô phi philê đông lạnh của Mỹ (giá đại diện), chúng ta thấy rằng giá thực tế là từ 4-5 USD/kg từ năm 2008. Năm ngoái, mức giá này giảm xuống còn 4,5 USD/kg, và có mức trung bình là 4,14 USD/kg trong 7 tháng đầu năm nay. Sự gia tăng đáng kể sản lượng từ năm 2008 đã không khiến giá cả thị trường giảm thấp hơn, điều này chỉ ra rằng nhu cầu cá rô phi cũng đã dịch chuyển cùng với nguồn cung.

Trung Quốc là nước sản xuất cá rô phi hàng đầu, tiếp đến là Indonesia và Ai Cập. Năm nay, ước tính trung bình từ các nguồn số liệu cho thấy sản lượng cá rô phi của Trung Quốc là 1,7 triệu tấn, Indonesia là gần 1,1 triệu tấn, và Ai Cập là 700.000 tấn. Đối với tất cả các nước này, sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng trong năm tới. Phạm vi của các ước tính này từ các nguồn khác nhau cho thấy sản lượng cá rô phi Trung Quốc trong năm 2016 là từ khoảng 1,2-2 triệu tấn, với mức trung bình là 1,7 triệu tấn. Trong năm 2017, sản lượng cá rô phi Trung Quốc là từ 1,3-2,1 triệu tấn, với mức trung bình là 1,8 triệu tấn.

Hình 1: Sản lượng cá rô phi nuôi toàn cầu giai đoạn 1990-2018 với giá nhập khẩu cá philê đông lạnh của Mỹ

Cá tra

Sản lượng cá tra đã giảm trên toàn cầu kể từ năm 2013 (hình 2). Việt Nam vẫn chiếm khoảng 50% sản lượng các nước trong báo cáo này. Tổng sản lượng từ những quốc gia được báo cáo là khoảng 2,2 triệu tấn trong năm 2016, tăng từ 2,1 triệu tấn năm 2011. Khi lấy số trung bình các nguồn số liệu, ước tính sản lượng cá tra Việt Nam năm 2016 là 1,18 triệu tấn. Sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng nhẹ trong năm 2017 lên 1,25 triệu tấn.

Hình 2: Sản lượng cá tra tại một số nước giai đoạn 2014-2018

Giá nhập khẩu của Mỹ và EU đã giảm kể từ năm 2007. Tuy nhiên, sau năm 2013, mức giảm đã được hạn chế. Trong nửa đầu năm nay, giá vào khoảng 2,9 USD/kg tại Mỹ và hơn 2USD/kg tại EU.

Cá da trơn

Chúng tôi vẫn đang gặp khó khăn với dữ liệu về cá da trơn. Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh là một trong những nhà sản xuất cá da trơn lớn nhất (hình 3). Tổng sản lượng cá da trơn ở những nước này đạt mức 4,4 triệu tấn trong năm 2016, cao hơn một chút so với năm trước. Sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng lên mức khoảng 4,7 triệu tấn trong năm tới.

Hình 3: Tổng sản lượng cá da trơn nuôi giai đoạn 2003-2018

Cá hồi

Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương trên toàn cầu được kỳ vọng sẽ đạt 2,17 triệu tấn trong năm 2016, giảm 6% so với năm 2015. Giá năm 2016 tăng so với năm 2015, lên gần 10 USD/kg đối với phi lê cá hồi Chile xuất khẩu, và gần 7 USD/kg đối với cá hồi nguyên con vào EU. Các mức giá này cung cấp lợi nhuận tốt cho các nhà sản xuất cá hồi. Năm tới, sản lượng toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng nhẹ.

Các nhà sản xuất chính cá hồi nuôi Đại Tây Dương, Na Uy, được ước tính có sản lượng 1,2 triệu tấn vào năm 2016, thấp hơn một chút so với năm ngoái. Chile đã trải qua một sự suy giảm sản lượng đáng kể, từ 590.000 tấn trong năm 2015 xuống ước tính khoảng 470.000 tấn trong năm nay.

Sản lượng cá hồi bạc (Coho salmon) năm nay giảm xuống còn 147.000 tấn, năm 2015là 162.000 tấn. Sản lượng năm kế tiếp dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm. Kể từ năm 2000, sản lượng cá hồi bạc đã trải qua biến động đáng kể, dao động từ 100.000-180.000 tấn.

Sản lượng cá hồi vân cỡ lớn tại các vùng biển dường như ổn định ở mức khoảng 240.000 tấn trong năm nay và ở mức tương tự cho năm tới, giảm từ khoảng 256.000 tấn năm 2015, và cũng dưới các mức đỉnh của năm 2012. Giá tăng so với mức giá trung bình năm ngoái, ở mức từ 5-6 USD/kg, nhưng vẫn còn thấp hơn mức đỉnh là 7 USD/kg.

Sản lượng cá hồi nhỏ, chủ yếu nuôi trong nước ngọt, vẫn có xu hướng đi lên. Sản lượng năm nay tăng 3% lên khoảng 620.000 tấn. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu. Năm 2017, sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng hơn nữa, khoảng 3% lên đến 640.000 tấn.

Hình 4: Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương nuôi toàn cầu giai đoạn 1990-2017, với giá nhập khẩu thực tế cá hồi tươi nguyên con của EU27 và giá nhập khẩu thực tế cá hồi phi lê tươi của Mỹ

Cá biển

Sản lượng cá chẽm và cá tráp ở Địa Trung Hải năm nay được ước tính giảm 3% xuống còn khoảng 300.000 tấn (hình 5). Năm tới, sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng gần 10% lên khoảng 330.000 tấn. Giá đã không tạo sự khuyến khích phát triển thêm sản xuất, vì giá giữ mức ổn định từ năm 2004 và đã giảm từ các mức của năm 2011. Giá từ đầu năm 2016 đến nay là khoảng 6-7 USD/kg.

Hình 5: Sản lượng cá chẽm và cá tráp biển nuôi ở Địa Trung Hải (1990-2017), với giá nhập khẩu thực tế tại Ý

Sản lượng cá giò của các nước được nêu ở đây - Trung Quốc, Đài Loan, Panama và Việt Nam - được ước tính là 44.000 tấn trong năm 2016, mức tăng trưởng khiêm tốn so với năm trước, xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong năm tới. Kể từ năm 2010, sản lượng dao động quanh mức từ 40 đến 50.000 tấn.

Tổng sản lượng cá toàn cầu bao gồm cả những loài thuộc họ cá chép

Tổng sản lượng các loài và các nước được khảo sát được thể hiện trong hình 6. Theo FAO, trong năm 2014, sản lượng các nước được khảo sát chiếm 39 triệu tấn trong tổng số gần 50 triệu tấn được sản xuất. Sản lượng đã tăng từ 19 triệu tấn năm 2003 lên mức dự kiến ​​42 triệu tấn vào năm 2016.

Về tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng gấp đôi trong một thập kỷ đòi hỏi tăng trưởng hàng năm là 7,2%. Trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng khoảng 0%, nhưng sau đó đã tăng đến 5% vào năm 2015, nó được ước tính vào khoảng 4,2% trong năm 2016 và được dự kiến ​​sẽ đạt gần 5% vào năm 2017.

Hình 6: Ước tính sản lượng các loài cá có vảy (bao gồm các loài thuộc họ cá chép) giai đoạn 2003-2017.

Tổng sản lượng cá có vảy không bao gồm những loài thuộc họ cá chép

Hình 7 cho thấy ước tính sản lượng cá có vảy toàn cầu không bao gồm các loài thuộc họ cá chép. Trong năm 2014, điều tra cho thấy sản lượng những loài cá còn lại chiếm 14 triệu tấn trong tổng số 50 triệu tấn được sản xuất trên toàn cầu (theo FAO). Sản lượng của các loài này đã tăng từ 5,1 triệu tấn năm 2002 lên 15 triệu tấn năm 2016.

Có thể thấy tốc độ tăng trưởng là không ổn định. Cho đến năm 2012, hầu hết các năm có tốc độ tăng trưởng trên 7,2 %, đó là tốc độ cần thiết để đạt được mức tăng gấp đôi trong một thập kỷ. Nhưng từ năm 2012, dữ liệu cho thấy một xu hướng xuống dốc, với mức tăng trưởng hàng năm giảm. Trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng hàng năm được ước tính ở mức 2,4%. Trong năm 2016, mức tăng trưởng được dự kiến ​​sẽ chỉ đạt 1,4%, và vào năm 2017, mức tăng trưởng được dự kiến ​​sẽ phục hồi vào khoảng 5%.

Hình 7: Ước tính sản lượng các loài cá có vảy (không bao gồm các loài thuộc họ cá chép) giai đoạn 2003-2017

Trong hình 8, các loài được sắp xếp theo tỷ lệ tăng trưởng hàng năm từ năm 2006 đến năm 2016. Chúng ta thấy rằng tất cả các loài từ cá tra tại Việt Nam đến các loài cá da trơn có sản lượng tăng gấp đôi. Các loài còn lại ước tính tốc độ tăng trưởng hàng năm không đạt gấp đôi trong khoảng thời gian điều tra.

Khi chúng ta xem xét các nhóm loài lớn hơn và tổng sản lượng của các loài này trong hình 9, chúng ta cũng nhận thấy một bức tranh hỗn hợp. Sản lượng các loài cá biển đã không thể tăng gấp đôi, với tốc độ tăng trưởng khoảng 40% từ năm 2006 đến năm 2016. Sản lượng loài di cư giữa nước biển và nước ngọt) Diadromous tăng 67%. Sản lượng các loài nước ngọt không tính các loài thuộc họ cá chép tăng 158%. Nếu bao gồm các loài thuộc họ cá chép, ngành cá nước ngọt đã không thể tăng gấp đôi sản lượng, nhưng sản lượng cũng tăng 86%.

Hình 8: Ước tính tỷ lệ % tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2006-2016

Tổng tỷ suất tăng trưởng bao gồm các loài thuộc họ cá chép là 83%. Khi loại trừ các loài thuộc họ cá chép, chúng ta thấy một sự phát triển ấn tượng hơn, với mức tăng 116%. Nhưng hầu hết sự tăng trưởng diễn ra trong nửa đầu của giai đoạn 10 năm qua.

Hình 9: Ước tính tỷ lệ % tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2006-2016

HNN (theo Global Aquaculture Advocate)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác