Thương mại thủy sản và quản lý nghề cá hướng đến phát triển bền vững (09-11-2016)

Thủy sản là một trong những ngành hàng thực phẩm được kinh doanh nhiều trên thị trường thế giới với hơn một nửa lượng thủy sản xuất khẩu đến từ các nước đang phát triển. Để đạt được sự phát triển bền vững toàn cầu, các nước đang xây dựng các chính sách, thể chế và quản lý trên cơ sở đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Thương mại thủy sản và quản lý nghề cá hướng đến phát triển bền vững
Ảnh minh họa

Thương mại thủy sản đóng vai trò chính trong ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản như tạo việc làm, cung cấp thực phẩm, tạo thu nhập và đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng như an toàn dinh dưỡng và thực phẩm. Các sản phẩm từ cá và thủy sản khác là những mặt hàng được kinh doanh nhiều nhất trong ngành thực phẩm thế giới, với khoảng 78% tổng lượng hàng thực phẩm được trao đổi, thương mại quốc tế.

Đối với nhiều quốc gia và khu vực ven biển và cửa sông, xuất khẩu các sản phẩm cá và thủy sản là vấn đề thiết yếu cho nền kinh tế của họ, chiếm hơn 40% tổng giá trị các mặt hàng thương mại ở một số quốc đảo, chiếm hơn 9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của toàn cầu và 1% giá trị thương mại hàng hóa thế giới. Thương mại các sản phẩm cá và thủy sản được mở rộng đáng kể trong vài thập kỷ gần đây, do sản lượng thủy sản gia tăng và nhu cầu tiêu thụ cao, nghề cá hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa tăng mạnh.

Trung Quốc là nước sản xuất thủy sản chính, đồng thời là nước xuất khẩu cá và các sản phẩm thủy sản lớn nhất thế giới. Nhưng Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu chính do họ nhập sản phẩm chế biến từ các nước khác và gia tăng lượng tiêu thụ các loài thủy sản không có trong nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm mức tăng được duy trì, năm 2015 thương mại thủy sản của Trung Quốc đã chậm lại do ngành chế biến giảm sút. Nauy là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 trên thế giới (giá trị xuất khẩu được ghi nhận năm 2015). Năm 2014, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 trên thế giới, vượt Thái Lan – xuất khẩu thủy sản của quốc gia này  bị giảm sút đáng kể từ năm 2013, chủ yếu là do sản lượng tôm giảm vì dịch bệnh. Năm 2014 và 2015, Liên minh Châu Âu (EU) vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá, tiếp theo là Mỹ và Nhật Bản.

Các nền kinh tế đang phát triển, có mức xuất khẩu thủy sản chiếm 37% thương mại thế giới năm 1976, hiện có thị phần gia tăng đến 54% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản và 60% khối lượng (mặt hàng tươi sống) vào năm 2014. Thương mại thủy sản là một nguồn thu nhập ngoại tệ quan trọng đối với nhiều quốc gia đang phát triển cùng với vai trò quan trọng trong việc tạo thu nhập, việc làm, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản của các nước đang phát triển đạt 80 tỷ USD và doanh thu xuất khẩu ròng (giá trị xuất khẩu trừ giá trị nhập khẩu) đạt 42 tỷ USD, cao hơn các mặt hàng nông nghiệp chủ lực khác (như: thịt, thuốc lá, gạo và đường).     

Việc quản lý nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), và Thỏa thuận Paris  của Hội nghị giữa các bên tham gia (COP21) Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu. 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 mục tiêu tương ứng cụ thể tạo nên một khung hướng dẫn các hoạt động phát triển của các chính phủ, các cơ quan quốc tế, tổ chức dân sự và các tổ chức khác trong 15 năm tới với mục tiêu đầy tham vọng là xóa hết cảnh đói nghèo. An toàn thực phẩm và dinh dưỡng, sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên là những đặc điểm nổi bật trong các mục tiêu phát triển bền vững, áp dụng cho tất cả các nước và hợp nhất 3 khía cạnh phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường). Ngoài ra, Thỏa thuận Paris còn thừa nhận biến đổi khí hậu là một mối đe dọa chính đối với an ninh lương thực toàn cầu, phát triển bền vững và xóa nghèo. Do đó, việc quản lý cần đảm bảo rằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản phải thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng phục hồi các hệ thống sản xuất thực phẩm.  

Sáng kiến Phát triển Xanh của FAO giúp các nước trong việc phát triển và thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu mới về nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, sinh kế và hệ thống thực phẩm, và tăng trưởng kinh tế từ các dịch vụ sinh thái thủy sinh. Sáng kiến này thúc đẩy việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử Nghề cá có trách nhiệm (gọi tắt là Bộ Quy tắc) và phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để quản lý nghề cá và nuôi trồng thủy sản (EAF/EAA). Phản ánh các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt nhằm vào các cộng động ven biển phụ thuộc vào nghề khai thác hải sản - nơi mà các hệ sinh thái đang chịu ảnh hưởng từ sự ô nhiễm,  suy giảm sinh cảnh, khai thác quá mức và các hoạt động gây hại khác. 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác quản lý hệ sinh thái thủy sinh để giải quyết  vấn đề sử dụng diện tích mặt nước và nguồn tài nguyên ngày càng gia tăng. Cần phải phối hợp nhiều hoạt động đang thực hiện ở một khu vực nhất định, nhận dạng các tác động tích lũy và kết hợp hài hòa các mục tiêu bền vững và các khung pháp lý. Điều này đòi hỏi phải bổ sung thêm một tầng quản trị để xử lý sự phối hợp giữa các ngành để đảm bảo đạt được các mục tiêu bền vững chung về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong khi vẫn đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 20 năm qua, Bộ Quy tắc đã trở thành tài liệu tham khảo toàn cầu cho sự phát triển bền vững nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Mặc dù được thực hiện chưa đầy đủ và có sự miễn cưỡng của các bên liên quan nhưng đã đạt được những bước phát triển to lớn về 6 chương chính của Bộ Quy tắc sau khi được thông qua. Đã có sự tiến bộ đáng chú ý trong việc giám sát hiện trạng trữ lượng cá, biên soạn số liệu thống kê về sản lượng và cường lực khai thác, đã áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để quản lý nghề cá (EAF). Việc kiểm soát các hoạt động khai thác trong phạm vi các vùng đặc quyền kinh tế (EEZs) hiện nay được xem là mạnh hơn nhiều (nhưng ít hơn và yếu hơn ở các vùng biển nằm ngoài vùng tài phán của các quốc gia (ABNJ)). Các bước được tiến hành để chống tình trạng khai thác trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), kiểm soát năng suất khai thác và thực hiện kế hoạch bảo tồn cá mập và chim biển. Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là quan trọng bậc nhất và quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết thất thoát sau thu hoạch, các vấn đề về sản phẩm phụ, chế biến và kinh doanh bất hợp pháp. Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm có sự phát triển đáng kể, một số quốc gia hiện đang có quy trình đánh giá tác động môi trường của các hoạt động nuôi trồng thủy sản, quy trình giám sát các hoạt động và giảm thiểu tác động có hại của việc du nhập các loài ngoại lai.   

Các Hướng dẫn Tự nguyện cho việc bảo vệ nghề cá quy mô nhỏ bền vững trong bối cảnh an toàn thực phẩm và giảm nghèo (gọi tắt là Hướng dẫn SSF) được tán thành năm 2014, thể hiện sự nhất trí toàn cầu về các nguyên tắc và hướng dẫn phát triển và quản lý nghề cá quy mô nhỏ theo hướng an ninh lương thực và dinh dưỡng. Các hướng dẫn nhằm góp phần và nâng cao sự phát triển hợp lý và các điều kiện kinh tế - xã hội của các cộng đồng khai thác quy mô nhỏ cùng với việc quản lý nghề cá bền vững và có trách nhiệm.  

Nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản mong muốn thúc đẩy việc quản lý nguồn lợi bền vững và thưởng cho những sản phẩm thủy sản có nguồn gốc hợp lý bằng sự ưu tiên tiếp cận thị trường. Cuối cùng là xây dựng các biện pháp dựa trên thị trường, được biết đến như là nhãn sinh thái (ecolabel). Số lượng các hệ thống chứng nhận tự nguyện gia tăng mạnh và đã thu hút được các thị trường nhập khẩu lớn kể từ khi nhãn sinh thái hải sản đầu tiên xuất hiện vào năm 1999. Các hệ thống này có thể đưa ra những khuyến khích hiệu quả cho việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy tính bền vững.  

Các Hội đồng thủy sản khu vực (RFBs) đóng vai trò then chốt trong việc quản lý nghề cá chung. Có khoảng 50 RFBs trên toàn thế giới, hầu hết các hội đồng này chỉ tư vấn cho các thành viên. Tuy nhiên, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs), một tập hợp con quan trọng của RFBs, được trao quyền và khả năng cho các thành viên chấp nhận kết hợp các biện pháp quản lý và bảo tồn dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất. Tình trạng hiện nay của nhiều nguồn lợi hải sản chung dẫn đến sự chỉ trích của một số RFBs, theo đó dẫn đến những tranh cãi về việc làm thế nào để củng cố và cải tổ các RFBs. Tổng kết việc thực hiện của RFBs và xem xét lại các văn kiện liên minh của họ thường sẽ làm cho việc thực hiện được tốt hơn. Tuy vậy, RFBs chỉ có thể hiệu quả khi các chính quyền thành viên cho phép và việc thực hiện của RFBs phụ thuộc trực tiếp vào sự tham gia, cam kết và ý chí chính trị của các thành viên.

Hiệp định của FAO đối với các quốc gia có cảng về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (PSMA) có hiệu lực và đi vào thực hiện được coi là sự thúc đẩy tiến bộ trong cuộc chiến chống lại tình trạng khai thác trái phép. Thêm vào đó, việc áp dụng trên phạm vi toàn cầu các hướng dẫn tự nguyện của FAO năm 2014 về việc tàu khai thác hải sản treo cờ quốc gia sẽ là phần bổ sung quan trọng vào PSMA thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các trách nhiệm treo cờ quốc gia. Ngoài ra, tiếp cận thị trường và biện pháp thương mại (như: truy xuất nguồn gốc, thông tin ghi chép về sản lượng và các hệ thống dán nhãn sinh thái) đều rất cần thiết.  

Sự cộng tác có thể rất hiệu quả trong việc cải thiện tính bền vững của nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tập trung vào nghề khai thác cá ngừ và nghề cá xa bờ, và nhấn mạnh đến việc xây dựng các hiệp hội quan trọng, đẩy mạnh sự hợp tác toàn cầu và khu vực về các vấn đề ABNJ, Chương trình Đại dương chung ABNJ nhằm thúc đẩy việc quản lý hiệu quả và bền vững nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng biển nằm ngoài vùng tài phán của các quốc gia (ABNJ) để đạt được các mục tiêu toàn cầu mà thế giới đã thỏa thuận. Chương trình ABNJ 5 năm có tính chất đổi mới, được bắt đầu năm 2014, do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ và FAO điều phối với sự phối hợp chặt chẽ với 3 tổ chức thực hiện GEF và nhiều đối tác khác.

Bên cạnh đó, một sáng kiến hợp tác khác là chương trình Tiến bộ trong Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (GAAP) do FAO thành lập. Chương trình này nhằm nhóm họp các bên tham gia lại để chuyển các nguồn lực về mặt kỹ thuật, thể chế và tài chính một cách thực tế và hiệu quả để hỗ trợ cho các sáng kiến về nuôi trồng thủy sản cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, GAAP cố gắng xúc tiến và phát triển các đối tác chiến lược, và dùng đối tác để tập hợp nguồn lực cho xây dựng và thực hiện các dự án ở nhiều cấp độ khác nhau.

Vũ Hậu (Theo: http://www.fao.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác