Cần ứng dụng công nghệ lồng nuôi tiên tiến để hạn chế rủi ro trong nuôi biển (17-04-2022)

Sáng ngày16/4, tại Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, Đoàn làm việc của Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên để kiểm tra và bàn giải pháp phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Cần ứng dụng công nghệ lồng nuôi tiên tiến để hạn chế rủi ro trong nuôi biển

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, đại diện một số doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản, cung cấp trang thiết bị, công nghệ tiên tiến trong nuôi biển cùng các ngư dân.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản ông Trần Đình Luân và ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189 km với trên 21.000 ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông…rất thuận lợi cho việc phát triển thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Đặc biệt, tỉnh này có hàng ngàn ha vùng biển mở gần bờ và xa bờ có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển công nghiệp.

 Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên, đến năm 2025 diện tích nuôi trồng thủy sản lồng, bè được quy hoạch là 1.000ha thuộc các khu vực đầm, vịnh thuộc TX Sông Cầu và 650ha vùng biển hở thuộc huyện Tuy An đủ điều kiện để phát triển nuôi biển công nghiệp. Với tổng số lồng bè nuôi theo quy hoạch là 49.000 lồng (TX Sông Cầu: 32.900 lồng, huyện Tuy An: 16.100 lồng), rong biển 208ha, ốc hương 170ha, sò huyết 150ha. Năm 2021, tổng số lồng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 96.110 lồng, trong đó tôm hùm thịt hơn 63.180 lồng, tôm hùm ương khoảng 29.635 lồng, cá biển hơn 3.150 lồng…

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay về hạ tầng cơ sở nuôi thủy sản lồng bè ở Phú Yên còn đơn giản, sức chống chịu bão, gió của lồng bè kém nên chỉ nuôi được trong các đầm vịnh. Hình thức nuôi có quy mô nhỏ nên thị trường hạn chế, không xuất khẩu chính ngạch được, giá bán thấp, không ổn định. Một trong những tồn tại hiện nay là các địa phương chưa hoàn thành giao mặt nước nên chưa thực hiện được các thủ tục hành chính như thủ tục đăng ký nuôi lồng bè, nuôi đối tượng chủ lực… Phú Yên là tỉnh nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới khá cao, do đó việc phát triển nuôi biển xa bờ gặp nhiều trở ngại; hầu hết đất ven biển đã được ưu tiên phát triển du lịch nên diện tích nuôi trồng thủy sản cũng giảm nhiều.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tri Phương cho biết, để ngành hàng nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, bền vững, góp phần tăng trưởng ngành thủy sản nói riêng, kinh tế biển nói chung; Trung ương sớm nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp vùng biển mở. 

Tại buổi làm việc, các đại biểu và ngư dân được nghe giới thiệu về Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ở Việt Nam cũng như của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giới thiệu công nghệ sản xuất hệ thống lồng, bè, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển bằng vật liệu mới HDPE và đề xuất các giải pháp để chuyển đổi từ vật liệu truyền thống; thực trạng và các giải pháp phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…

 Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng và khó dự báo do tính thất thường. Quỹ đạo bão đã dịch chuyển dần xuống phía Nam và bão với cường độ lớn (trên cấp 12) diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây. Các đợt nóng, lạnh sẽ tăng cường và mực nước biển sẽ dâng thêm tại các vùng biển của Việt Nam. Thời gian qua một số tỉnh miền Trung trong đó có tỉnh Phú Yên đã chịu ảnh hưởng lớn từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, lũ và gần đây nhất là gió giật và mưa đã gây thiệt hại đối với lĩnh vực nuôi biển.

Để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đưa nghề phát triển nuôi biển phát triển bền vững chống chọi tốt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đề nghị tỉnh Phú Yên cần lựa chọn những giải pháp phù hợp để phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và nuôi biển theo hướng bền vững. Ngoài công nghệ nuôi tiên tiến, ngư dân nuôi biển cần đầu tư hệ thống lồng, bè, trang thiết bị phục vụ nuôi biển bằng vật liệu mới như vật liệu HDPE để chống chịu được gió bão, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương, hỗ trợ ngư dân, bàn những giải pháp để phát triển nuôi biển bền vững hơn…

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác