Những mục tiêu, định hướng tổng thể về quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản trong giai đoạn mới (27-10-2021)

Ngày 27/10/2021, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hội thảo tập trung bàn các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản để đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng hội nhập, hiệu quả và bền vững.
Những mục tiêu, định hướng tổng thể về quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản trong giai đoạn mới

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản cùng với các Bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông… cùng dự có các điểm cầu trực tuyến là đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước và phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội thảo.

Thủy sản Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn, ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước với quy mô ngày càng mở rộng, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra giá trị sản xuất lớn, đã tạo việc làm cho khoảng 552 nghìn lao động trực tiếp trên biển và khoảng 4 triệu lao động dịch vụ nghề cá. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản giai đoạn 2010 – 2020 tổng số tàu cá của cả nước đã giảm từ 128.449 chiếc xuống còn 94.572 chiếc; tổng sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 2,41 triệu tấn năm 2010 lên 3,86 triệu tấn năm 2020, gấp 1,6 lần. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác đạt 3,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản còn gặp không ít những thách thức, khó khăn trong phát triển. Nguồn lợi thủy sản suy giảm, cơ cấu ngành nghề khai thác chưa phù hợp, công nghệ khai thác còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất thiếu và yếu… Hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đang xuống cấp, ô nhiễm, khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn xung đột phát triển với các ngành kinh tế khác như: du lịch, giao thông…

Trước những yêu cầu, thách thức đặt ra trong tình hình mới, để đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy sản thực hiện hai quy hoạch đó là Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Đây là hai quy hoạch rất quan trọng liên kết chặt chẽ với nhau và mang tính chiến lược, là mục tiêu định hướng đưa ngành Thủy sản phát triển bền vững, phù hợp với hội nhập quốc tế.

Cụ thể, Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản lần này đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đưa diện tích vùng ven biển, ven đảo được bảo vệ, bảo tồn đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia theo mục tiêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Còn đối đối với khu vực nội địa, mục tiêu sẽ đạt 3-4% diện tích mặt nước vùng nội địa là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 4-5% diện tích mặt nước vùng nội địa là khu vực cấm khai thác thủy sản.

Dự thảo quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đưa tổng số tàu cá giảm xuống còn 86.300 chiếc, tổng sản lượng khai thác thủy sản giảm xuống còn 2,8 triệu tấn, cùng với đó sẽ cơ cấu lại ngành nghề khai thác.

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã trình bày về định hướng quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần này là: tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đó chú trọng thiết lập các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản, quản lý nghề cá dựa vào quản lý cộng đồng… làm cơ sở để tái tạo, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn lợi thủy sản… Quy hoạch khai thác thủy sản theo hướng giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tăng giá trị chuyển đổi tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, ngư trường; phát triển khai thác xa bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý…

Tại Dự thảo Quy hoạch lần này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã xác định 10 dự án tổng thể ưu tiên đầu tư, dự kiến tổng nhu cầu vốn cho quy hoạch dự kiến là 15.000 tỷ đồng (phân bổ theo hai giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030). Trong đó ngân sách Trung ương 11.225 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Các dự án đều hướng tới mục tiêu phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; mở rộng hệ thống các khu bảo tồn biển; phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển bị suy thoái; nghiên cứu xác định đường di cư của một số loài thuỷ sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; xây dựng dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác thuỷ sản phục vụ thương mại và xuất khẩu…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu thống nhất với đánh giá của Bộ Nông nghiệp & PTNT; đề xuất Bộ Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, xây dựng quy hoạch chi tiết để thành lập khu bảo tồn biển; bổ sung danh mục thả rạn nhân tạo đối với các vùng biển; bổ sung dự án ưu tiên điều tra nguồn lợi hải sản ven bờ, qua đó, hỗ trợ địa phương xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và tuyến lộng.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu cần bổ sung thêm số lượng trung tâm nghề cá lớn tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; có hướng dẫn về đồng quản lý trong khai thác thủy sản...

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Diện tích bảo tồn biển chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa kiểm soát được số lượng tàu cá phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; việc khai thác quá mức bằng các ngư cụ có tính hủy diệt; tác động của biến đổi khí hậu,…đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh.

Chính vì vậy, hai nội dung xuyên suốt trong Dự thảo là khai thác và bảo tồn phải gắn kết chặt chẽ với nhau. Từ những định hướng và giải pháp, hệ thống các dự án trong Dự thảo Quy hoạch, căn cứ vào tình hình thực tế, cần nghiên cứu kỹ để có bản Dự thảo thật sự hoàn chỉnh và sát thực tiễn. Đây chính là hành lang pháp lý để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như khai thác thủy sản….

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị các địa phương, các cơ quan Bộ, ngành trung ương nghiên cứu chi tiết các nội dung trong Dự thảo để kịp thời đóng góp, phản hồi hoàn thiện dự thảo một cách có hiệu quả cao nhất.

Đề nghị Tổng cục Thủy sản  tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Bộ, ngành tiếp thu, điều chỉnh các nội dung để phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và định hướng phát triển tổng thể chung của ngành Thủy sản.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác