Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 (13-03-2020)

Ngày 12/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) - cho biết, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong nước, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTTP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU EVFTA, sản lượng thủy sản được kỳ vọng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, Bộ NN&PTNT chú trọng thị trường trong nước và tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, trong đó, đặc biệt chú trong 5 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Song song với đó, Bộ đẩy mạnh các giải pháp ứng phó tốt với thiên tai, hạn mặn; Tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, tổ chức lại nền sản xuất bằng nhiều giải pháp khác nhau; Tuyên truyền cho người dân về sản phẩm Việt Nam luôn an toàn... Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường…

Tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch.

Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước (ưu tiên thị trường nội địa) thông qua hệ thống kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân. Tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân). Phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành nông nghiệp là ngành rất đặc thù, tạo ra khối lượng lương thực thực phẩm đáp ứng cho nhu cầu con người. Nếu sức sản xuất không tốt, không huy động được tổng lực trong bối cảnh dịch Covid-19 thì vấn đề cân đối lương thực thực phẩm rất khó khăn. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 41 tỷ USD/năm, việc cắt đứt nguồn cung luân chuyển do tác động dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp nào không có khả năng ứng biến sẽ mất đầu ra thị trường. Xu hướng sau dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh, nếu không chuẩn bị trước ngành nông nghiệp sẽ không nắm được cơ hội thị trường.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các sở ngành, địa phương cùng với việc khắc phục khó khăn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để có đủ lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước trong mọi trường hợp, cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi dịch bệnh Covid- 19 đi xuống có đà đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác