Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm (18-11-2021)

Tác động của COVID-19 đã khiến sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới lần đầu tiên giảm sau rất nhiều thập kỷ.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm

Đại dịch toàn cầu COVID-19 tồn tại trong suốt năm 2020 ở hầu hết các quốc gia trên thế giới bất chấp việc các quốc gia đã áp dụng một loạt các biện pháp ngăn chặn. Những nền kinh tế lớn trên thế giới đã trải qua những đợt tăng vọt về số ca nhiễm bệnh, điều này đã kéo tăng trưởng đi xuống và các doanh nghiệp liên tục trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại. Đối với ngành thủy sản toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã làm tăng thêm sự bất ổn trên thị trường, gia tăng những thách thức hoạt động liên quan đến các lệnh phong tỏa, đồng thời đẩy giá thủy sản và doanh thu giảm xuống. Tuy nhiên, môi trường bình thường mới đang thúc đẩy sự đổi mới trong toàn bộ chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp tập trung nỗ lực phát triển các dòng sản phẩm mới, đổi mới phương pháp tiếp thị và kênh bán hàng để thích nghi với hoàn cảnh bình thường mới.

Các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản đã áp dụng các phương pháp tiếp cận thận trọng trong việc thả giống để giảm nguy cơ rủi ro đến từ đại dịch COVID-19 và giảm thiểu thiệt hại tài chính trong bối cảnh giá cả suy yếu. Điều này đã dẫn đến sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu ước tính giảm 1,3% vào năm 2020. Mặc dù con số chính xác vẫn chưa được xác nhận, nhưng nó sẽ đánh dấu sự khác biệt rõ rệt so với tốc độ tăng trưởng ổn định 4-5% được quan sát thấy trong những năm vừa qua, đồng thời lần đầu tiên đánh dấu sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu hàng năm  trong khoảng 60 năm qua. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tác động cũng như sự phản ứng của các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản thay đổi đáng kể tùy theo đối tượng nuôi trồng, do những sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng, độ dài chu kỳ sản xuất và yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Cũng cần phải khẳng định rằng, đối với một số loài nuôi trồng thủy sản, những gián đoạn trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất có thể mất một thời gian để bộc lộ rõ ảnh hưởng của nó tới nguồn cung trên thị trường.

Năm 2020, COVID-19 hạn chế việc di chuyển của người dân cũng như hạn chế việc tụ tập đông người, kết hợp với sự không chắc chắn của thị trường, đã làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và thời gian tác động đến hoạt động đánh bắt còn phụ thuộc nhiều vào khu vực triển khai hoạt động khai thác thủy sản. Ước tính gần đây nhất cho thấy tổng sản lượng khai thác tự nhiên đã giảm nhẹ ở mức 0,7%. Các tàu khai thác các loài cá nổi nhỏ và cá đáy ở ngoài Na Uy và Liên bang Nga đã không gặp mấy gián đoạn, trong khi phần lớn các đội tàu ở Địa Trung Hải bị nằm tại cảng do hậu quả của đại dịch. Đối với nghề cá phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực lao động theo mùa, chẳng hạn như nghề khai thác cá hồi Bắc Thái Bình Dương, nguồn lao động sẵn có đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hạn chế đi lại. 

Trong năm ngoái, bất chấp việc nới lỏng các hạn chế trong thời gian ngắn ở một số quốc gia, phần lớn lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (HORECA) đã bị đóng cửa hoặc công suất hoạt động giảm mạnh ở hầu hết các thị trường thủy sản lớn. Đồng thời, chi phí tăng lên, cùng với sự chậm trễ của hầu hết các quy trình sau sản xuất và tại các điểm kiểm tra đã hạn chế hoạt động thương mại thủy sản quốc tế. Điều này đã dẫn đến giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản toàn cầu giảm 5,8% xuống còn 152,2 tỷ USD, theo sau mức giảm 2,5% cùng kỳ năm ngoái, khi căng thẳng địa chính trị tập trung vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến các thị trường. Trong khi đó, khối lượng giao dịch ước tính giảm 3,2% vào năm 2020, trong khi tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm là 19,8 kg/người. Sự sụt giảm thương mại được ghi nhận trên tất cả các khu vực trên thế giới, bao gồm tất cả các nhà cung cấp lớn và các thị trường chính, phản ánh quy mô tác động mang tính chất toàn cầu của đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc vào cuối năm đã khiến một số nhà cung cấp quốc tế thiếu hụt doanh thu, trong đó có ngành cá tra của Việt Nam.

Những hạn chế về công suất hoạt động của các nhà hàng, chợ cá và siêu thị, dù là toàn bộ hay một phần, đều tạo ra động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tìm kiếm các kênh phân phối thay thế. Đồng thời, mối quan tâm về sức khỏe cùng với nhu cầu cắt giảm chi phí hậu cần đã thúc đẩy sự phát triển mạng lưới phân phối nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các trung gian. Giao hàng thủy sản không tiếp xúc và các dịch vụ kỹ thuật số kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, vốn đã được phát triển trước khi xảy ra đại dịch, nay có sự gia tăng nhanh chóng về mức độ phổ biến. Tương tự như vậy, sự chuyển dịch sang các sản phẩm giá trị gia tăng hướng tới sự tiện lợi và nấu ăn tại nhà đã được đẩy mạnh. Những bổ sung mới này cho thị trường thủy sản toàn cầu sẽ tồn tại sau khi cuộc khủng hoảng hiện tại lắng xuống, thúc đẩy nhu cầu và mang lại những hướng đi mới để tiếp tục đổi mới hơn nữa. Nếu chương trình triển khai vắc xin được tiến hành mà không bị trì hoãn quá nhiều trong năm 2021, thì việc mở cửa trở lại của dịch vụ thực phẩm cùng với lĩnh vực bán lẻ được hồi sinh sẽ dẫn đến mức tăng lợi nhuận ròng tiềm năng trong tổng cầu khi quá trình phục hồi tiếp tục. 

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác