Thị trường tự cân bằng đã làm giảm tác động của dịch COVID-19 đối với ngành hàng cá mú, cá tráp (12-01-2021)

Doanh thu cá mú và cá tráp vốn phụ thuộc vào lĩnh vực nhà hàng nên đã bị sụt giảm nghiêm trọng bởi đại dịch, ngành hàng này là một trong những ngành hàng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng đã đẩy giá tăng lên, ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của việc phong tỏa trên diện rộng như hiện nay.
Thị trường tự cân bằng đã làm giảm tác động của dịch COVID-19 đối với ngành hàng cá mú, cá tráp

Sản xuất

Một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Kontali đã ước tính tổng sản lượng sụt giảm trong năm 2020 là 6,3% với tổng mức giảm rơi vào khoảng 30.000 tấn. Nguồn cung dự kiến ​​sẽ giảm do lượng cá giống thả nuôi đối với cả hai loài này ở các nước sản xuất chính là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều giảm mạnh so với năm trước. Giá thấp liên tục kể từ năm 2018, thiếu khả năng cạnh tranh về giá đối với hàng xuất khẩu của Hy Lạp và môi trường kinh tế xấu đi ở Thổ Nhĩ Kỳ là những yếu tố góp phần làm đảo ngược xu hướng sản xuất tăng trong nhiều năm qua. Ngành công nghiệp mong manh của Hy Lạp đã thận trọng hơn trong việc mở rộng sản xuất so với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, thay vào đó họ tập trung vào việc hợp nhất.

Ngoài sự sụt giảm sản lượng ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nông dân Tây Ban Nha đã phải chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão Gloria hồi đầu năm, điều này sẽ khiến thu hoạch của Tây Ban Nha giảm khoảng 40%. Trong số các nhà sản xuất quy mô nhỏ hơn thì thu hoạch của Croatia rõ ràng là tốt trong năm 2020 sau một nỗ lực phối hợp để mở rộng ngành công nghiệp ở quốc gia này. Tất cả nông dân đã báo cáo chi phí hậu cần tăng do các hạn chế gây ra bởi COVID-19, ảnh hưởng đến việc vận chuyển, điều này đặc biệt khó khăn đối với các nhà sản xuất có quy mô nhỏ.

Thương mại và thị trường

Các tác động của COVID-19 đã khiến các nhà hàng đóng cửa trên khắp lục địa và hậu quả rất trầm trọng ở các trung tâm du lịch xung quanh Địa Trung Hải, hoạt động thương mại tại các thị trường này bị suy giảm nghiêm trọng. Đối với cá mú và cá tráp, là những loài thủy sản nhà hàng, phổ biến theo mùa, thì đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào tổng cầu, dẫn đến doanh số bán hàng ước tính giảm từ 20% đến 30%. Trên thị trường tiêu thụ cá mú, cá tráp, tác động này sẽ là lớn hơn đối với cá có kích cỡ lớn (trên 600g trở lên), cũng là loại cá có giá cao nhất. Đối với các thị trường xuất khẩu xa hơn (như Hoa Kỳ, vốn trước đây là nguồn cầu mới rất quan trọng), chi phí hậu cần tăng vọt khiến khối lượng xuất khẩu giảm xuống đáng kể trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, tại Tây Ban Nha thì nguồn cung lại giảm đáng kể do các thất thoát cá gây ra bởi cơn bão Gloria. Nhưng điều này vô tình lại trở thành lớp đệm chống lại những tác động thị trường tồi tệ nhất do đại dịch Covid-19 gây ra. Khối lượng cá mú, cá tráp dư thừa từ các nước sản xuất (đặc biệt là Hy Lạp) hiện có thể được chuyển sang thị trường Tây Ban Nha để bù đắp cho sự thiếu hụt ở thị trường Tây Ban Nha. Việc điều chỉnh cung-cầu nhanh chóng để tận dụng nhu cầu bán lẻ tăng lên và lịch thu hoạch vụ nuôi bị trì hoãn đã giúp giá tăng.

Giá cả

Nguồn cung thắt chặt hơn vào năm 2020 khiến giá của cả cá mú và cá tráp đều tăng so với năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch đối với nhu cầu của khối doanh nghiệp Khách sạn-Nhà hàng HORECA (Hotellerie-Restaurant-Café). Trong sáu tháng đầu năm 2020, trung bình giá xuất khẩu cá mú tươi nguyên con từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lần lượt là 3,76 EUR/kg (tăng 7%) và 4,90 EUR/kg (tăng 8%). Trong khi đó, xuất khẩu cá tráp tươi nguyên con của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trung bình là 3,70 EUR/kg (tăng 11%) và 4,88 EUR/kg (tăng 6%).

Dự báo

Nhìn chung, cuối năm 2020 vừa qua là giai đoạn yếu kém đối với ngành hàng cá mú và cá tráp, giá đã giảm trong quý 4 của năm 2020. Mặc dù ảnh hưởng của COVID-19 trên thị trường có phần ít nghiêm trọng hơn dự kiến, nhưng chắc chắn lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với sự không chắc chắn, chi phí hậu cần cao và dư thừa sản lượng chưa thu hoạch. Việc thu hoạch bị trì hoãn cũng có nghĩa là sản lượng thu hoạch sẽ tăng lên vào thời điểm mà nhu cầu thị trường đối với cá cỡ lớn lại rất yếu. Do đó, các công ty nuôi trồng thủy sản cá mú và cá tráp có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực tài chính khi họ phải tính toán để điều chỉnh các chiến lược tiếp thị và thành phần sản phẩm của mình cho phù hợp với bối cảnh thị trường mới. Tuy nhiên, nếu nhìn theo mặt tích cực thì nguồn cung thắt chặt dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục trong năm 2021 và giá có thể tăng hơn nữa nếu khu vực khách sạn-nhà hàng HORECA cho thấy sự phục hồi đáng kể trong năm nay.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác