Cục Thủy sản tổ chức tập huấn về nuôi biển công nghiệp (01-08-2024)
Trong thời gian từ ngày 25-26/7/2024 và ngày 29-30/7/2024, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của Liên đoàn Giới chủ NaUy, Cục Thuỷ sản phối hợp với Chi nhánh Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp tập huấn kiến thức chung về nuôi biển công nghiệp chocác học viên là cán bộ ngành thủy sản các tỉnh ven biển Việt Nam.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại Hội nghị
Đây là chương trình tập huấn đầu tiên về nuôi biển công nghiệp nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nuôi biển Việt Nam tập trung vào các nội dung chính như nhận diện bối cảnh phát triển kinh tế biển và nuôi biển công nghiệp, cập nhật xu hướng công nghệ và quản trị cơ sở nuôi biển công nghiệp trên thế giới cũng như tại Việt nam hiện nay. Ngoài ra, chương trình còn xác định phạm vi và mức độ ứng dụng bộ tiêu chuẩn năng lực, chương trình và tài liệu đào tạo nuôi biển công nghiệp.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để ngành nuôi biển phát bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi cũng như đóng góp chung vào phát triển kinh tế đất nước, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải đào tạo một cách bài bản nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi biển. Thông qua chương trình tập huấn, Cục Thủy sản sẽ phối hợp cùng Tổng cục Dạy nghề xây dựng bộ tài liệu dành cho đào tạo tại các trường nghề thủy sản trong cả nước, hướng đến mục tiêu đa số các hộ gia đình và doanh nghiệp nuôi biển phải được tập huấn và cấp chứng chỉ nuôi biển công nghiệp. Qua chương trình tập huấn, học viên được trang bị kiến thức về lợi ích kinh tế và tính bền vững của nuôi biển công nghiệp; tìm hiểu về mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE (lồng nhựa được làm từ vật liệu có độ bền cao, chống thấm tốt, thân thiện với môi trường) đang được đưa vào áp dụng thí điểm hiện nay tại một số vùng nuôi biển trong nước; những vấn đề còn bất cập cần được tháo gỡ như chất lượng con giống nuôi, cách thức quản lý và quy trình nuôi biển, việc sơ chế sản phẩm...
Tham quan nhà máy sản xuất thức ăn cho cá biển Skretting
|
Ngoài ra, các học viên được tham quan, học tập thực địa tại vùng biển nuôi trồng thủy sản bằng lồng sử dụng vật liệu HDPE công nghệ cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Australis Việt Nam tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh của tỉnh Khánh Hòa và thăm nhà máy sản xuất thức ăn cá biển Skretting - Tập đoàn hàng đầu thế giới về thức ăn thủy sản chất lượng cao - một mắt xích thiết yếu trong chuỗi sản xuất thực phẩm.
Mô hình lồng HDPE được thí điểm tại vùng biển hở của tỉnh Khánh Hòa
|
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt ngày 4/10/2021. Mục tiêu Đề án nhằm phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.
Theo đó, cả nước phấn đấu đến năm 2025, ngành công nghiệp nuôi biển đạt diện tích 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn và đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ đô la Mỹ. Đến năm 2045, đưa ngành công nghiệp nuôi biển của Việt Nam đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại, công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.
Hạnh Luyến (Phòng Nuôi trồng thủy sản)