Kết quả nổi bật của ngành hàng nghêu trong hành trình phát triển theo ASC (17-11-2023)

Nghêu là một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc… Khi nghề nuôi nghêu được phát triển, đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.
Kết quả nổi bật của ngành hàng nghêu trong hành trình phát triển theo ASC

Trong những năm qua, tại Việt Nam, ngành hàng nghêu đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, các vùng nuôi nghêu của Việt Nam (tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Trà Vinh) đã lần lượt chiếm các vị trí số 1 - 2 - 3 trên thế giới đạt được chứng nhận quốc tế ASC. Và mới đây, ngày 07/11/2023, vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông (tại tỉnh Tiền Giang) cũng đã vinh dự giành được vị trí số 4 trên thế giới - đạt được Chứng nhận quốc tế ASC cho sản phẩm nghêu trắng Meretrix Lyrata.

Trước đó, tỉnh Tiền Giang đã xác định: Nghêu là đối tượng nuôi chủ lực mang lại giá trị kinh tế lớn cho ngư dân vùng ven biển Gò Công Đông, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân (nhất là ngư dân nghèo thiếu đất sản xuất). Ngày 30-31/8/2023, vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) tiến hành đánh giá và ngày 07/11/2023 được cấp Chứng nhận ASC.

Đây là kết quả của sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành huyện Gò Công Đông và sự nỗ lực của tập thể Ban Quản lý Cồn Bãi – đã không ngừng cố gắng, thực hiện đúng các tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn ASC; cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Tổ chức OXFAM.

Như vậy là, ASC – chứng nhận quốc tế; mang ý nghĩa to lớn về mặt môi trường, cộng đồng và xã hội, đã giúp ngành nghêu Việt Nam một lần nữa khẳng định thương hiệu, nâng cao vị thế Nghêu Việt trên trường quốc tế.

Quá trình hình thành và phát triển Liên kết chuỗi nghêu (ngao) theo ASC

Tại Nam Định, ngao được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để nâng cao giá trị và thương hiệu, ngành nuôi ngao cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến có được các chứng nhận quốc tế và đa dạng hóa sản phẩm.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đã quyết định tích cực phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam triển khai Dự án “Chuỗi giá trị ngao theo ASC”. Kết quả là, năm 2020, “Vùng nuôi liên kết của Công ty Lenger Việt Nam” đã vinh dự giành được Chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho sản phẩm ngao trắng Meretrix Lyrata.

Thành quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần định danh sản phẩm nghêu/ngao Việt Nam vươn tầm quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu, nó được ví như “Visa Vip” để sản phẩm nghêu/ngao Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, giúp thương hiệu nghêu/ngao Việt Nam bay cao, bay xa trong bầu trời hội nhập.

Ở Việt Nam, nghề nuôi nghêu/ngao Meretrix Lyrata có nguồn gốc từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã được nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển. Trong những năm qua, đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ về diện tích và sản lượng nuôi cũng như mức độ thâm canh, vươn lên trở thành một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc… 

Kết quả khảo sát đánh giá của ICAFIS cho thấy: Chứng nhận ASC được nhiều nhà thu mua ngao/nghêu ưa chuộng, chọn đặt hàng cho các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc.

Tại Ninh Bình, năm 2022, sau 15 năm hình thành và phát triển, vùng nuôi ngao huyện Kim Sơn tiếp tục trở thành vùng nuôi ngao thứ 2 trên thế giới đạt được Chứng nhận ASC. Ngày 29/11/2022, Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ công bố Chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao nguyên liệu huyện Kim Sơn – tỉnh Ninh Bình.

Có được kết quả này là nhờ sự kết nối của Trung tâm ICAFIS và hỗ trợ tư vấn của Trung tâm RECERD, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Thanh Hóa (HASUVIMEX) và các hộ nuôi ngao/nghêu huyện Kim Sơn triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Ninh Bình”. Ngày 14/9/2022, vùng nuôi liên kết HASUVIMEX ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã vinh dự trở thành vùng nuôi ngao thứ hai trên thế giới đạt Chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata; mở ra cơ hội đưa sản phẩm ngao của Kim Sơn xuất khẩu vào các thị trường mới và các thị trường khó tính trên thế giới.

Tại Trà Vinh, ngày 15/3/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Trung tâm ICAFIS tổ chức lễ trao chứng nhận ASC cho nghề nuôi nghêu tỉnh Trà Vinh - Vùng nghêu thứ 3 tại Việt Nam và thứ 3 trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Đây là kết quả nỗ lực của các bên, sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn tỉnh Trà Vinh, đặt biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh.

Đây cũng là vinh dự to lớn đối với ngành nghêu Việt Nam vì ASC là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Chứng nhận ASC mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hợp tác xã và các hộ nuôi nghêu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; giúp mở rộng thị trường, thu hút nhiều doanh nghiệp đến mua hàng; từ đó, người nuôi nghêu có thể chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Tiền Giang vươn xa cùng thương hiệu Nghêu Việt

Ngày 15/11/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đã phối hợp với Trung tâm ICAFIS, Tổ chức OXFAM Việt Nam và UBND huyện Gò Công Đông tổ chức “Lễ trao Chứng nhận ASC và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu theo Chứng nhận ASC tại tỉnh Tiền Giang”; qua đó kết hợp giới thiệu vùng nguyên liệu nghêu sạch cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước và quốc tế.

Đến dự Lễ trao Chứng nhận ASC, bà Trần Thị Bé Bảy (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang) cho biết, Sở đã xác định sự cần thiết của việc xây dựng nhãn hiệu “Nghêu Gò Công Đông” vì đây là vùng phát triển mạnh ngành hàng này thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi nhận được Chứng nhận ASC (vào ngày 07/11/2023), tỉnh Tiền Giang đã lên kế hoạch quảng bá thương hiệu “Nghêu Gò Công Đông”.

Về phía đại diện của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, đã thể hiện sự vui mừng và vinh dự khi chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành Nghêu Việt. Có được 4 vùng nuôi đạt Chứng nhận ASC, nghêu Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong công cuộc chinh phục EU, Mỹ, Nhật (là các thị trường khó tính trên thế giới, luôn đòi hỏi khắt khe về những tiêu chuẩn phát triển bền vững). Đối với ngành hàng thủy sản nói chung và ngành nghêu nói riêng thì các chứng nhận quốc tế như MSC/ASC hết sức quan trọng, chính là giấy thông hành giúp các địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Oxfam mong chờ những chỉ đạo tiếp theo của huyện của tỉnh, để phát triển và nhân rộng ra những vùng nuôi khác, giúp gia tăng diện tích nuôi nghêu đạt được Chứng nhận ASC, thúc đẩy nghề nghêu tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã có bài phát biểu về việc “Áp dụng chứng nhận ASC nâng cao giá trị cho nghề nghêu”. Sau đó, các đại biểu đến tham dự “Lễ trao Chứng nhận ASC và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu theo Chứng nhận ASC tại tỉnh Tiền Giang” đã tích cực đóng góp ý kiến về vai trò của Chứng nhận ASC trong phát triển bền vững nghề nghêu tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang); nhu cầu tiêu thụ nghêu tại các thị trường; lợi ích của việc tuân thủ Chứng nhận ASC trong sản xuất nghêu tại tỉnh Tiền Giang…

Nghêu trắng Meretrix Lyrata với hương vị thơm ngon – Lợi thế cạnh tranh vượt trội

Theo ICAFIS, nghêu trắng Meretrix Lyrata là loài hết sức đặc biệt trong số hơn 10 loài nghêu/ngao phổ biến trên thế giới. Meretrix Lyrata cho sản lượng lớn, tăng trưởng vượt bậc, đã đạt sản lượng kỷ lục vào năm 2022. Mặt khác, nghêu có vỏ cứng (đẹp) và khó vỡ, rất thuận lợi cho việc vận chuyển - chế biến - xuất khẩu. Trong khi một số loài vẫn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên thì Việt Nam đã chủ động sản xuất được giống Meretrix Lyrata, sinh trưởng phát triển tốt. Hơn nữa, đối tượng nghêu có thể đa dạng hóa chủng loại sản phẩm (chế biến soup, xào, nấu… và tỉnh Tiền Giang hiện đã sản xuất cả mắm nghêu); nhờ vậy đã nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng Nghêu Việt.

Theo dõi 3 năm qua, Trung tâm ICAFIS nhận thấy (i) Yêu cầu của thị trường thủy sản thế giới đối với Chứng nhận ASC đang tăng lên. (ii) Tại Việt Nam, hai công ty HASUVIMEX (Thanh Hóa) và Lenger (Nam Định) đang muốn mở rộng nguồn cung cấp nguyên liệu nghêu sạch để thu mua, chế biến, xuất khẩu. (iii) Hiện trên thế giới, mặt hàng nghêu hấp nguyên vỏ (với lượng thịt nhiều, hương vị thơm ngon) được các nhà nhập khẩu rất ưa chuộng. ICAFIS đang cân nhắc việc thu mua nghêu sạch có kích cỡ (size) đáp ứng được phân khúc thị trường giá trị cao. Hy vọng rằng trong thời gian tới, Nghêu Việt tiếp tục vươn cao vươn xa hơn nữa, khẳng định thương hiệu NGHÊU SẠCH - VIỆT NAM.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác