Tham dự Hội nghị có ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản; các Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản; Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và thủy sản; đại diện lãnh đạo cơ quan được giao quản lý nhà nước về thủy sản địa phương đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thành lập Chi cục Thủy sản/Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; đại diện lãnh đạo Cục Kiểm ngư.
Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Trần Đình Luân đã định hướng, chia sẻ một số nội dung trong lĩnh vực quản lý về thủy sản. Các tháng cuối năm 2023, ngành Thủy sản dự báo đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần có các giải pháp chủ động trong chỉ đạo, điều hành phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản đã trình bày báo cáo tóm tắt về công tác quản lý tàu cá từ đầu năm 2023 đến nay, những kết quả đã đạt được và những tồn tại hạn chế; ông Vũ Duyên Hải - Trưởng phòng Khai thác thủy sản báo cáo triển khai hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm thủy sản điện tử và công tác phòng chống thiên tai; ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản báo cáo công tác quản lý giống, thức ăn thủy sản; ông Ngô Thế Anh - Phó trưởng phòng, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản báo cáo kết quả nuôi trồng thủy sản 07 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng năm 2023.
Về khai thác thủy sản
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 8 năm 2023 số tàu cá trên toàn quốc là 86.130 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6 – <12 mét là 38.196 chiếc, chiếm 44,3%; tàu cá có chiều dài từ 12 - 15 mét là 18.220 chiếc, chiếm 21,2%; tàu cá có chiều dài từ 15 - < 24 mét là 29.126 chiếc, chiếm 31,5%; tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên là 2.588 chiếc .
Tổng số tàu cá đã đăng ký, nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishsbase) là 71.706 chiếc, còn 14.424 chiếc chưa đăng ký, chiếm 16,7 %. Trong đó, tàu có chiều dài từ 6 – <12 mét đã đăng ký, nhập liệu 26.835 chiếc, còn 11.361 chưa đăng ký, chiếm 29,7 %; tàu có chiều dài từ 12 - 15 mét đã đăng ký, nhập liệu 15.383 chiếc, còn 2.837 chưa đăng ký, chiếm 15,6 %; tàu từ 15 trở lên đã đăng ký, nhập liệu 29.488 chiếc, còn 226 chiếc chưa đăng ký, chiếm 0,76 %.
Việc tồn tại trên cũng một phần do công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, quyết liệt, ý thức chấp hành của người dân chưa cao, thiếu hồ sơ, thủ tục để đăng ký tàu, giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu, hồ sơ xuất xưởng và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đăng kiểm tàu từ 12 mét),.. Vì vậy, thời gian tới cần rà soát, thống kê, phân loại tàu cá; tham mưu phương án, xử lý các vướng mắc, kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm,... Đồng thời, cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2023 như rà soát hạn ngạch và cấp giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật vào cơ sở dữ liệu thủy sản; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và đảm bảo công tác phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản.
Về nuôi trồng thủy sản
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 07 tháng đầu năm 2023 là 1,16 triệu ha, tương đương cùng kỳ 2022; 9,2 triệu m3 lồng nuôi biển, đạt 89,9% kế hoạch năm 2023. Trong đó, tôm nước lợ có diện tích nuôi lớn nhất là 705 nghìn ha.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản là 2,85 triệu tấn, đạt 47,18% so với kế hoạch (5,37triệu tấn). Trong đó, tôm nước lợ là 552,3 nghìn tấn, đạt 104,0% so với cùng kỳ năm 2022; cá tra là 900,5 nghìn tấn, 100,4% so với cùng kỳ năm 2022; nuôi biển là 329 nghìn tấn, đạt 49% kế hoạch. Giá trị kế hoạch xuất khẩu ước đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tôm nước lợ đạt 1,69 tỷ USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ; cá tra ước đạt gần 1 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ.
Chỉ tiêu cần đạt các tháng cuối năm 2023: Diện tích nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục duy trì ổn định, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi là 2,8 triệu tấn. Trong đó, nuôi biển 470 nghìn tấn ( bao gồm: tôm hùm 1,25 nghìn tấn; nhuyễn thể 278 nghìn tấn; thủy sản khác 165,75 nghìn tấn); nước lợ 830 nghìn tấn (cá 40 nghìn tấn; tôm nước lợ 477 nghìn tấn; nuôi hốn hợp, khác 313 nghìn tấn); nước ngọt 1,5 triệu tấn (cá tra 719,5 nghìn tấn; rô phi 120 nghìn tấn; nuôi hỗn hợp, thủy sản khác 660,5 nghìn tấn).
Giải pháp chính trong các tháng cuối năm 2023: (1) Đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu: Cần nắm tình hình về khả năng sản xuất cung ứng tại địa phương và các cơ sở nuôi; nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu (VASEP, doanh nghiệp); quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh cần dự báo sớm, giảm thiệt hại; duy trì ổn định nuôi đối tượng chủ lực, phát triển nuôi đối tượng có giá trị kinh tế: nuôi biển (xa bờ, loài có sản lượng cao… gắn với tạo sinh kế, bảo vệ môi trường), hồ chứa, nhuyễn thể, cả các đối tượng truyền thống, đặc hữu có giá trị kinh tế; (2) Hạ giá thành trong nuôi trồng thuỷ sản: Cải tiến công nghệ, kỹ thuật nuôi như nâng tỷ lệ sống, giảm FCR; tổ chức liên kết sản xuất, giảm khâu trung gian; (3) Quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm: thực hiện đăng ký nuôi trông thủy sản chủ lực, thủy sản nuôi lồng bè; quản lý an toàn thực phẩm (sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm), truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thuỷ sản.
Quản lý giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: Qua rà soát, hiện nay cả nước có 2.065 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm; 2675 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Cục Thủy sản đã kiểm tra duy trì điều kiện 17/17 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống. Tại các địa phương đã kiểm tra, cấp 1.163 cơ sở tôm (55,3%); cấp giấy chứng nhận 2,43% cơ sở cá tra, chủ yếu sản xuất (Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang); sản xuất giống (tôm 70 tỷ, cá tra 1,5 tỷ con).
 |
Đối với cơ sở dữ liệu thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường là 1.641 TK; cập nhật thông tin 35.780 sản phẩm (33.029 mã sản phẩm trong nước và 2.751 mã sản phẩm nhập khẩu). Sản xuất trong nước là 17.129 sản phẩm thức ăn; 14.085 sản phẩm xử lý môi trường; 1.815 sản phẩm sử dụng cho cả 2 mục đích. Sản phẩm nhập khẩu là 2183 sản phẩm thức ăn; 472 sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; 96 sản phẩm sử dụng cho cả 2 mục đích. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất là 118 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; 625 cơ sở có vốn đầu tư trong nước (743 cơ sở).
Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường thực hiện các quy định của Luật Thuỷ sản 2017 và văn bản hướng dẫn; kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, cơ sở sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra xử lý cơ sở về chất lượng giống thuỷ sản, cơ sở sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường, các tổ chức chứng nhận, xử lý theo quy định; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở nhỏ lẻ thành tổ hợp tác, hợp tác xã…
Tại Hội nghị giao ban, Phó Cục trưởng Nhữ Văn Cẩn và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục; đại diện một số Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản có ý kiến phát biểu, thảo luận nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm về lĩnh vực thủy sản trong các tháng cuối năm 2023.
Phát biểu kết luận, ông Trần Đình Luân Cục trưởng Cục Thủy sản đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đã đạt được từ đầu năm 2023 cho đến nay. Tuy nhiên, ông cho rằng, nhiệm vụ chính trị trong những tháng cuối năm 2023 hết sức nặng nề, còn nhiều việc cần phải chủ động thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Do vậy, Cục trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần phải tập trung, quyết tâm, bám việc, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nêu trên để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Thanh Thủy