Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu (25-02-2023)

Sáng 25/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá kết quả năm 2022 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp (ảnh VGP/Nhật Bắc)

Quyết liệt triển khai

Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là Hội nghị quan trọng để thảo luận về những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với đó nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới; Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước - về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến.

2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Nhiều bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra của năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu như đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật phục vụ chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng.

Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại hạn chế, khó khăn thách thức cần khắc phục trong thời gian tới như: Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi năm 2023 chưa được ban hành. Đến nay mới có 6/30 bộ, ngành và 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023…

Phó Chánh văn phòng Đặng Duy Hiển báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số (ảnh: Hải Đăng)

Phó Chánh văn phòng Đặng Duy Hiển báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số (ảnh: Hải Đăng)

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đạt kết quả khả quan

Trước đó, ngày 20/2/2023 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví quá trình chuyển đổi như việc sở hữu cùng lúc 3 ngôi nhà: Ngôi nhà truyền thống là phương pháp ghi chép thủ công; ngôi nhà công nghệ thông tin là sử dụng các phần mềm để quản lý thủ tục hành chính; và ngôi nhà thứ ba là chuyển đổi số.

Bộ trưởng nói: “Nhiều lúc mình chạy tới chạy lui rồi tới lúc không biết mình phải ở ngôi nhà nào. Khi dọn đồ từ ngôi nhà thứ nhất sang ngôi nhà thứ hai chưa hết, chúng ta lại phải nghĩ đến ngôi nhà mới. Thành thử, sự lúng túng là điều khó tránh".

Bộ trưởng nhân đó nhắc đến khái niệm “cái bẫy” khi chuyển đổi số, bởi đặc thù của ngành nông nghiệp, người dân chưa có thói quen ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Do đó, nếu không có chiến lược và “ra đề bài” một cách cụ thể khi chuyển đổi, cán bộ hoạch định sẽ không biết bắt đầu từ đâu, thậm chí lãng phí nguồn lực.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá hạ tầng của Bộ và ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập, khó tích hợp và đồng bộ sớm theo định hướng của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Để khắc phục, cần sớm tổ chức hội nghị toàn ngành về chuyển đổi số, đồng thời triển khai kế hoạch hoạt động này một cách thường xuyên, định kỳ và có kinh phí chi hàng năm.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT 3 nhiệm vụ: (1) Triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; (2) Triển khai hình thành cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng; (3) Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản.  Tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ liên quan tới chuyển đổi số của các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT là 53/77, đạt khoảng 70%. Trong 7 bộ chỉ tiêu đặt ra năm 2022, Bộ NN&PTNT đạt 3/7 chỉ tiêu, số còn lại mới dừng ở mức cơ bản.

Nổi bật là phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nông minh giai đoạn 2021 - 2025; Phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; Trình Chính phủ Đề án Chuyển đổi số ngành NN&PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung ngành NN&PTNT.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cho biết, thời gian qua công tác chuyển đổi số đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ; Thành viên Ban Chỉ đạo tích cực tham mưu, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình. Một số đơn vị luôn tiên phong, làm tốt chuyển đổi số như: Vụ Kế hoạch, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ Thực vật, Tổng cục Phòng chống thiên tai…

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá hạ tầng của Bộ và ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập (ảnh: Hải Đăng)

Chuyển đổi số tiếp tục có sự chuyển động mạnh mẽ từ cả phía Bộ và các Sở NN&PTNT, nhiều tỉnh, thành phố đã phê duyệt và ban hành đề án, kế hoạch chuyển đổi số của địa phương. Năm 2022 đã nhận thức đúng đắn và hành động cụ thể để thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Đại dịch COVID-19 những tháng đầu năm diễn biến phức tạp, nhiều thời gian phải giãn cách, làm việc online ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ. Một số thành viên Ban Chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm thường xuyên vì thế nhiệm vụ triển khai tại đơn vị còn chậm. Nhiều đơn vị thuộc Bộ chậm nâng cấp hạ tầng, thiết bị điện tử; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và dự án đầu tư công còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo thời gian đạt các chỉ tiêu về cải cách hành chính.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Năm 2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được giao 7 nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là Dự án “Xây dựng Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN&PTNT” có kinh phí 300 tỷ đồng.

Tham mưu vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu quan điểm, chuyển đổi số phải bắt đầu từ nghiệp vụ và kết thúc ở nghiệp vụ. Ông cũng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số chỉ là một phương thức mới để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước tốt hơn”.

Với dự án 300 tỷ đồng, Thứ trưởng Dũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để có thể sử dụng kinh phí một cách tối ưu. Dựa trên kinh nghiệm công nghệ sẵn có, ông đề xuất Bộ NN&PTNT phân định rõ hạng mục nào sẽ đầu tư lâu dài, hạng mục nào sẽ đi thuê để giảm thiểu chi phí.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: "Chuyển đổi số chỉ là một phương thức mới để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tốt hơn" (ảnh: Hải Đăng)

Cái gì phổ biến, thay đổi nhanh, chẳng hạn như hạ tầng kỹ thuật thì chúng ta nên ưu tiên thuê đơn vị thứ ba. Còn cái gì là giá trị cốt lõi, thay đổi chậm như cơ sở dữ liệu ngành thì Bộ cân nhắc đầu tư, cả về công nghệ lẫn nhân lực để sử dụng lâu dài”, ông Dũng góp ý.

Thủy lợi là một trong số những ngành tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong đề xuất việc tiếp cận trong chuyển đổi số nông nghiệp phải gắn với chuỗi giá trị ngành hàng.

Cách tiếp cận trong chuyển đổi số nông nghiệp phải gắn với chuỗi giá trị ngành hàng. Đề xuất xây dựng một kiến trúc tổng thể cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, có đến đâu làm đến đó không thể làm hết cùng một lúc. Chuỗi giá trị của 2 ngành hàng là chăn nuôi và nông nghiệp là hai ngành hàng lớn chúng ta làm thử nghiệm một lĩnh vực để đánh giá. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung như: Phục vụ cho nông nghiệp, thủy lợi, phòng, chống thiên tai như khí hậu, thời tiết hay hệ thống công trình thủy lợi hay nguồn nước... những số liệu này tất cả các ngành đều phải dùng, vì vậy, kiến trúc cơ sở dữ liệu xây dựng sau này phải như thế nào để đồng bộ các ngành với nhau”, ông Nguyễn Tùng Phong nêu rõ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tái khẳng định, dư địa của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp còn rất nhiều. Từ đó, ông giao các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT tham vấn Bộ Thông tin và Truyền thông và rà soát lại hạ tầng. Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm về chuyển đổi số được giao cho Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp. Văn phòng Bộ sẽ tập trung cho công tác cải cách hành chính.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nhắc lại khẩu hiệu “Lấy con người làm trung tâm trong chuyển đổi số” và giao Vụ Tài chính nghiên cứu dành một khoản kinh phí cố định để đào tạo lại cho cán bộ ngành nông nghiệp về nhận thức, kiến thức chuyển đổi số, thay vì thuê chuyên gia. 

Bộ trưởng đồng thời kêu gọi cán bộ, nhân viên ngành nông nghiệp hình thành dần văn hóa, nếp nghĩ chuyển đổi số, biến đó thành hành động để ứng xử khác trước đây. Đó có thể là tích hợp dữ liệu về kho chung, sử dụng, lưu trữ dữ liệu trên đám mây, xây đắp, làm giàu thêm dữ liệu, thay vì cát cứ dữ liệu và suy nghĩ kiểu “cắt khúc”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng ghi nhận và đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai chương trình hợp tác giữa hai Bộ về chuyển đổi số. Ông đề nghị hai bên phải đồng hành từ đầu, để thống nhất tư tưởng xuyên suốt.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác