Thủy sản Việt Nam: nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương (11-01-2023)

Sáng 11/01/2023, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức “Diễn đàn thường niên về Rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng chủ trì là Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định.
Thủy sản Việt Nam: nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Hai năm trước (ngày 05/02/2021), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản, giai đoạn 2020-2030” với mục tiêu: Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành Thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn. “Diễn đàn thường niên về Rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản” do Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức, với sự đồng hành của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam đã “cam kết tự nguyện cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động thủy sản đến năm 2030”.

Đây là hoạt động thường niên mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản thực hiện tại Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS nêu trên. Tại diễn đàn, Tổng cục Thủy sản mong muốn các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng điểm lại các hoạt động, kết quả chính của các dự án, hoạt động về rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản đã thực hiện năm 2022 (trong khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản; giám sát rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển và hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức...); cập nhật thông tin một số dự án dự kiến triển khai thời gian tới. Diễn đàn đã đưa ra thảo luận một số chính sách được kiến nghị từ kết quả triển khai một số mô hình thí điểm nhằm giảm rác thải nhựa/ khuyến khích thu gom rác nhựa từ hoạt động thủy sản, trước hết là hoạt động giảm nhựa tại các cảng cá, tàu cá: “Quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện phụ lục V công ước Marpol – Đà Nẵng, 2022”, “Thu gom rác thải bằng tàu đánh cá lưới kéo – Phú Yên, 2022”, “Cơ chế khuyến khích thu đổi tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản, Đà Nẵng, Kiên Giang, Phú Yên, 2023”.

Tại “Diễn đàn thường niên về Rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản”, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, hội, hiệp hội, tổ chức hoạt động về môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác... cùng thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, quan điểm, kinh nghiệm quốc tế và địa phương về giảm rác thải nhựa ngành Thủy sản; từ đó hình thành cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất, kiến nghị các chính sách có thể áp dụng trên cả nước, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ ngành Thủy sản. Thành công của Diễn đàn thường niên Rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản năm 2023 là động lực quan trọng để ngành Thủy sản tiếp tục triển khai các hoạt động tham vấn, truyền thông, tạo cơ sở cho việc tìm kiếm những sáng kiến mới liên quan đến bảo vệ môi trường biển, giảm rác thải nhựa trong các hoạt động thủy sản.

Nhân rộng mô hình thu gom rác thải nhựa

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân khẳng định việc thay đổi nhận thức - hành vi là việc không dễ dàng, cần nhiều thời gian và sự nỗ lực chung của lãnh đạo các cấp và cộng đồng dân cư địa phương. Hiện tỉnh Nam Định đang sử dụng “bẫy rác” (công cụ thu gom rác trên sông) nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra biển. Theo Tổng cục trưởng Trần Đình Luân thì mô hình này nên được nhân rộng để phát huy tối đa hiệu quả loại công cụ thu gom rác thải nhựa tiên tiến này.

“Bẫy rác” được đặt ở vùng nước ven bờ sông; là sáng kiến về giải pháp công nghệ nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” do Tổ chức Bảo tồn đại dương (Hoa Kỳ) tài trợ và cố vấn kỹ thuật. Dự án do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) chủ trì phối hợp với tỉnh Nam Định triển khai thực hiện. Việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt công cụ thu gom rác trôi nổi trên sông (bẫy rác) do Trung tâm MCD và Sở Tài Nguyên và Môi trường Nam Định chủ trì, với sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước, các cán bộ và cộng đồng địa phương, đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan, đồng thời được sự thẩm định chuyên môn và cho phép thực hiện của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

“Bẫy rác” đã được nghiên cứu cẩn trọng, cải tiến và điều chỉnh phù hợp với địa điểm lắp đặt, góp phần mở rộng thêm chuỗi công cụ hữu ích trong tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại và xử lý rác thải khu vực sông biển. Quá trình triển khai các bẫy rác đã thu nhận được những kinh nghiệm quý báu và ghi nhận kết quả vận hành tốt, góp phần tăng cường hiệu quả thu gom rác thải ven sông, giảm thiểu rác thải trôi nổi từ sông ra biển và nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý rác thải rắn.

Thực tế cho thấy công cụ thu gom rác thải trên sông đầy sáng tạo này đã trở nên hữu ích và đang được nhân rộng ở các điểm khác nhau để giải quyết ô nhiễm từ rác thải trên khu vực sông Hồng, Việt Nam. Hy vọng mạng lưới bẫy rác sẽ tiếp tục được mở rộng trên sông Hồng và các sông nhánh, góp phần ngăn rác thải nhựa ra biển, tăng cường kiến thức khoa học về chủ đề quan trọng này. Trong thời gian tới, Trung tâm MCD sẽ tiếp tục cùng các chuyên gia giám sát vận hành bẫy rác đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và các quy định liên quan, đồng thời tiến tới triển khai bẫy rác tại các điểm khác theo đề xuất của địa phương, hình thành một mạng lưới bẫy rác trên các dòng chảy khu vực hạ lưu sông Hồng, đóng góp cho việc giảm thiểu rác thải nhựa ra biển ở Nam Định nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

 

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác