Bạch tuộc
Sản lượng bạch tuộc toàn cầu có xu hướng giảm trong vài năm lại đây và điều này dường như vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Hạn ngạch bị cắt giảm, do đó, nguồn cung dự kiến sẽ trở nên thắt chặt hơn nữa. Tuy nhiên, nhu cầu cũng đã suy yếu, có thể là do lạm phát toàn cầu và do hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ đã giảm trong đại dịch COVID-19. Giá bạch tuộc giảm nhẹ nhưng dự kiến giá có thể sẽ phục hồi.
Hạn ngạch thấp hơn ở Maroc và hoạt động đánh bắt chậm ở các khu vực khác đã dẫn đến giá bạch tuộc tăng cao và nguồn cung khan hiếm. Mùa đánh bắt bạch tuộc của Maroc đã kết thúc vào ngày 15/9/2023 và sẽ không tiếp tục cho đến giữa tháng 12 năm nay. Trong mùa hè, do vụ khai thác mùa hè bắt đầu nên giá bạch tuộc ở Maroc giảm. Mùa bạch tuộc Mexico bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 nhưng sản lượng khai thác tính đến nay khá thất vọng.
Thị trường bạch tuộc bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19. Hầu hết các nhà chế biến và cung cấp bạch tuộc ở châu Âu đều có doanh số sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, với việc dần dần mở cửa trở lại lĩnh vực dịch vụ thực phẩm vào năm 2021, hoạt động kinh doanh đã hồi phục trở lại. Nhu cầu bạch tuộc tại thị trường châu Âu suy yếu bất thường trong mùa hè năm 2023. Thông thường, những tháng hè là mùa cao điểm, nhưng năm nay, người tiêu dùng đã hạn chế chi tiêu vì giá thực phẩm tăng cao và hầu hết mọi chi tiêu khác cũng tăng bất thường. Do nhu cầu yếu trong những tháng hè nên giá bạch tuộc chịu áp lực, giảm mạnh.
Trong nửa đầu năm 2023, Nhật Bản đã nhập khẩu bạch tuộc nhiều hơn 15,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượng nhập khẩu lên tới 20.837 tấn. Các nhà cung cấp lớn nhất là Mauritania với 6.679 tấn (tăng 241,8%), Trung Quốc với 5.005 tấn và Việt Nam với 3.920 tấn. Nhập khẩu từ Maroc giảm 42,9%, từ 5.136 tấn trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 2.934 tấn vào năm 2023.
Nhập khẩu bạch tuộc vào Hàn Quốc giảm nhẹ trong giai đoạn này, từ 32.713 tấn năm 2022 xuống 31.102 tấn năm 2023 (-5%). Thương mại bạch tuộc Hàn Quốc cũng chứng kiến một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp. Thái Lan đã tăng xuất khẩu thêm 67,8%, từ 830 tấn vào năm 2022 lên 1.393 tấn vào năm 2023. Nhà cung cấp lớn nhất là Trung Quốc đã tăng xuất khẩu sang Hàn Quốc thêm 7,2% lên 14.558 tấn, và do đó chiếm 46,8% tổng lượng bạch tuộc nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Trong năm qua, các nhà chế biến bạch tuộc đã chứng kiến giá nguyên liệu thô tăng đáng kể, nhưng vào tháng 7 năm 2023, giá bắt đầu giảm do nguồn cung tốt từ Maroc và nhu cầu chậm hơn từ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm ở châu Âu. Giá bạch tuộc xuất khẩu của Maroc giảm từ quý 1/2022 cho đến đầu tháng 2/2023 thì đột ngột tăng vọt. Kể từ đó, giá hầu như luôn giữ ở vị trí cao, mặc dù thỉnh thoảng cũng có xảy ra tăng/giảm.
Mực ống
Mùa mực Loligo ở Quần đảo Falkland (Malvinas) bị rút ngắn. Vụ mùa bắt đầu vào cuối tháng 7 nhưng đã kết thúc vào cuối tháng 8 vì sản lượng đánh bắt ít hơn đáng kể. Do đó, mực Loligo trên thị trường ít hơn rất nhiều so với dự đoán của FAO. Hơn nữa, sẽ không có hoạt động đánh bắt mực Loligo quanh Quần đảo Falkland (Malvinas) trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2023 đến tháng 2 năm 2024, và do đó giá dự kiến sẽ tăng lên.
Nhiệt độ đại dương ấm hơn ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Mỹ đang gây ra sự bùng nổ về số lượng mực ống (Doryteuthis opalescens) trên thị trường thủy sản. Mực ống được phân bổ rộng khắp từ Alaska đến Mexico và diễn ra hoạt động sinh sản trong suốt các tháng (từ tháng 4 đến tháng 11) ở ngoài khơi bờ biển California. Không rõ tổng sinh khối của loài mực này là bao nhiêu.
Trong mùa vụ 2022 – 2023, tổng cộng 51.121 tấn mực ống đã được cập cảng, trị giá 67,3 triệu USD. Mùa mực diễn ra từ ngày 1 tháng 4 năm trước đến ngày 31 tháng 3 năm sau. Lượng cập cảng lớn nhất là vào các tháng mùa thu và đầu mùa đông.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã công bố những thông tin về hiệu suất đánh bắt năm 2022 và các con số này nói lên một câu chuyện rất đáng thất vọng. Sản lượng đánh bắt mực Nhật Bản Todarodes pacificus giảm xuống mức thấp kỷ lục 29.700 tấn, thấp hơn 95,6% so với mức cao kỷ lục vào năm 1968. Giá mực trong năm 2022 đã tăng 40%, đạt mức cao kỷ lục mới là 5,69 USD/kg.
Thương mại
Trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc tăng đáng kể: Từ 168.134 tấn năm 2022 lên 255.194 tấn năm 2023 (+52%). Nhưng đã có một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp: Peru tăng gần gấp 10 lần, từ 10.961 tấn trong sáu tháng đầu năm 2022 lên 107.279 tấn trong nửa đầu năm 2023. Mặt khác, nguồn cung mực ống và mực nang sang Trung Quốc từ Việt Nam giảm 44% (giảm từ 12.957 tấn xuống còn 7.244 tấn). Các lô hàng nhập khẩu từ Mỹ thì tăng 39,5% lên 30.811 tấn và từ Tây Ban Nha cũng tăng (+78%) từ 6.712 tấn vào năm 2022 lên 11.955 tấn vào năm 2023.
Trái với hoạt động nhập khẩu tăng mạnh, xuất khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc đã giảm 16% trong 6 tháng đầu năm 2023. Tất cả các điểm đến chính đều thể hiện mức giảm. Các thị trường lớn nhất nhập khẩu mực ống và mực nang từ Trung Quốc gồm có Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Những con số thể hiện tốc độ tăng trưởng giảm cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ mực ở thị trường nội địa Trung Quốc đang tăng lên.
Trong nửa đầu năm 2023, thực tế nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản cũng giống như cùng kỳ năm 2022: đạt khoảng 77.500 tấn. Các nhà cung cấp chính là Trung Quốc (45.264 tấn, chiếm 58% tổng lượng nhập khẩu mực của Nhật Bản), Peru (13.273 tấn, chiếm 17%) và Chile (3.132 tấn, chiếm 4%).
Nhập khẩu mực ống và mực nang của Hàn Quốc tăng 23% trong giai đoạn này lên 90.100 tấn. Các nhà cung cấp lớn nhất là Peru (chiếm 44%), Trung Quốc (34%) và Chile (5%).
Nhập khẩu mực ống và mực nang của Tây Ban Nha tăng khiêm tốn 7% trong nửa đầu năm 2023 (nhưng có một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp). Tổng lượng nhập khẩu đạt154.499 tấn, trong đó Peru cung cấp 38.636 tấn, Quần đảo Falkland (Malvinas) 32.091 tấn và Maroc 25.478 tấn. Xuất khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc giảm lần lượt -22,7% và -21%.
Nhập khẩu mực ống và mực nang vào Mỹ giảm 32,6% trong giai đoạn này xuống còn 30.232 tấn. Tất cả các nhà cung cấp chính đều ghi nhận lượng hàng xuất khẩu giảm: Trung Quốc -51%, Argentina -21% và Ấn Độ -49%.
Dự báo
Sản lượng bạch tuộc toàn cầu tiếp tục giảm, do đó, nguồn cung cũng sẽ thắt chặt hơn vào năm 2024. Tuy nhiên, nhu cầu cũng suy yếu, có thể là do lạm phát toàn cầu và do hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ lễ đã giảm trong đại dịch COVID-19. Giá bạch tuộc cũng giảm một chút nhưng dự kiến sẽ phục hồi cùng với nhu cầu tăng lên.
Sản lượng khai thác mực ở Nam Mỹ ngày càng tăng, ngoại trừ Argentina, nơi sản lượng khai thác năm 2023 thấp hơn các năm trước. Đầu năm 2023, hoạt động khai thác không như ý đối với các đội tàu Argentina nhưng dường như tình hình sẽ được cải thiện vào cuối năm nay.
Hoạt động thương mại mực ống đang phát triển và thị phần mực ống ngày càng tăng trong tổng khối lượng mực được nhập khẩu vào Trung Quốc. Nhập khẩu vào châu Âu hơi chậm và nhập khẩu mực của Mỹ đang giảm đáng kể. Nhập khẩu mực của Hàn Quốc trái lại, đang trên đà tăng trở lại sau dịch Covid-19, trong khi nhập khẩu bạch tuộc của quốc gia này giảm, chủ yếu do nguồn cung thắt chặt.
Ngọc Thúy (theo FAO)