Tháng 10/2023 giá ngừ vằn giảm còn 1.700 USD/tấn sau một năm duy trì mức giá cao – Phần 2, hết (13-11-2023)

Về thương mại cá ngừ đóng hộp, kể từ quý 4 năm 2022, nhu cầu tiêu dùng cá ngừ chế biến sẵn và đóng hộp vẫn yếu trên toàn thế giới khiến thương mại quốc tế sụt giảm. So với quý 1 năm 2023 thì mức độ sụt giảm tiếp tục tăng lên trong quý tiếp theo. Trong 6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào vẫn rất cao.
Tháng 10/2023 giá ngừ vằn giảm còn 1.700 USD/tấn sau một năm duy trì mức giá cao – Phần 2, hết
Ảnh minh họa

Xuất khẩu

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ chế biến suy yếu từ Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc, Philippines nhưng tăng từ Tây Ban Nha, Indonesia. Tại Thái Lan, tốc độ giảm xuất khẩu vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 ở mức -15% so với mức giảm -10% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023. Trong số 10 thị trường hàng đầu, xuất khẩu sang Mỹ, Libya, Úc, các Tiểu vương quốc Ả Rập, Canada, Israel và Ai Cập đều giảm.

Xuất khẩu từ Ecuador, Trung Quốc và Philippines cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu thăn cá ngừ hấp từ các nhà đóng gói cá ngừ ở châu Âu và Thái Lan giảm.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu của Tây Ban Nha là kết quả của việc nguồn cung sang Ý và Bồ Đào Nha tăng lần lượt 23% và 41%. Indonesia bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh và Bắc Ireland bằng việc tăng 43,6% doanh số bán hàng sang các thị trường Trung Đông và Bắc Phi (the Middle East and North Africa - MENA).

Nhập khẩu

Trong ba quý đầu năm 2023, do nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng chưa thực sự phục hồi nên thương mại cá ngừ đóng hộp và chế biến sẵn vẫn yếu trên toàn thế giới.

Bắc và Nam Mỹ

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và chế biến tại Mỹ ổn định trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023 nhưng bắt đầu giảm xuống dưới mức của năm 2022 kể từ tháng 4 năm 2023. So với năm 2022, nhập khẩu trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023 thấp hơn 5,7% do nguồn cung từ hầu hết các quốc gia đều giảm.

Tại Canada, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp giảm 7,22% xuống 15.230 tấn trong giai đoạn này. Xu hướng nhập khẩu đã diễn ra trái chiều ở Nam Mỹ khi nhập khẩu giảm ở Colombia, Argentina và Mexico nhưng tăng ở Chile và Peru, làm đảo lộn tổng xuất khẩu từ Ecuador.

Châu Âu

Trong năm 2023, tại thị trường rộng lớn của Liên minh Châu Âu, nhu cầu về nguyên liệu thô sơ chế (thăn cá ngừ hấp chín) và các sản phẩm ăn liền đã suy yếu. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, nhập khẩu nhóm sản phẩm HS 160414 tại Liên minh Châu Âu đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 346.250 tấn; trong đó chiếm 26,7% là thăn cá hấp (cooked frozen loins). Trong số 5 thị trường hàng đầu (Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Vương quốc Hà Lan), nhập khẩu ở Tây Ban Nha và Đức mỗi nước đều giảm 8,7%. Ba nhà cung cấp cá ngừ chế biến và đóng hộp hàng đầu tại châu Âu là Tây Ban Nha, Ecuador và Trung Quốc chiếm 52,8% thị phần trong tổng nhập khẩu của châu Âu.

So với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu thăn cá ngừ hấp tại Liên minh Châu Âu đã giảm 7,3% (92.610 tấn), dẫn đến xuất khẩu cá ngừ chế biến từ Trung Quốc, Ecuador, Philippines, Papua New Guinea và Việt Nam suy yếu.

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng giảm 9,6% xuống 43.320 tấn. Thị trường Thụy Sĩ mua ít hơn 15,2% ở mức 4.496 tấn. Trong một động thái tích cực, nhập khẩu của Ukraine tăng 92% lên 1.325 tấn. Xuất khẩu sản phẩm cuối cùng từ Thái Lan sang Liên bang Nga cũng tăng 58% (đạt 3.730 tấn).

MENA, Châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác

Quý 2 năm 2023, nhu cầu cá ngừ đóng hộp bước vào giai đoạn suy yếu tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), nơi Thái Lan và Indonesia là các nhà cung cấp chính. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, tổng lượng xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan tới 14 thị trường MENA giảm 27% xuống còn 72.500 tấn do nhập khẩu ở Libya, Ai Cập, Yemen, Jordan và Lebanon giảm. Ngược lại, thị trường MENA thì xuất khẩu của Indonesia tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 15.000 tấn.

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, tại khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương, nhập khẩu tăng ở Nhật Bản và New Zealand nhưng giảm ở Úc. Cũng trong giai đoạn này, nhu cầu bán lẻ cá ngừ đóng hộp vẫn ở mức thấp tại các thị trường Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Đặc khu hành chính Hồng Kông khiến nhập khẩu sụt giảm. Tuy nhiên, nhu cầu đã cải thiện trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (HORECA) nhờ sự hỗ trợ của hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã cải thiện.

Giá cả

Sau khi duy trì ở mức giá cao trong suốt 9 tháng đầu năm 2023, đến giữa tháng 10, giá cá ngừ vằn đông lạnh từ Tây Thái Bình Dương đến Thái Lan sụt giảm xuống còn 1.700 USD/tấn. Giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng tại Đông Thái Bình Dương (EPO) cũng đã điều chỉnh xuống mức thấp hơn, lần lượt là 1.850 USD/tấn và 2.100 USD/tấn khi xuất sang Manta, Ecuador. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng cá ngừ đóng hộp của Tây Ban Nha, giá cá ngừ vằn tăng lên 1.800 EUR/tấn do sản lượng đánh bắt kém ở Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Dự báo

Với việc chấm dứt hoạt động đánh bắt cá ngừ vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, sản lượng đánh bắt cá ngừ có thể sẽ được cải thiện ở Tây và Trung Thái Bình Dương trong những tháng cuối năm 2023 với một số điều chỉnh về giá xuất khẩu tới các nhà máy đóng hộp ở Đông Nam Á. Sản lượng đánh bắt ở Đông Thái Bình Dương sẽ vẫn duy trì theo mô hình cũ ít nhất là đến hết tuần đầu tiên của tháng 11. ‘Veda’ thứ hai đã bắt đầu từ ngày 9 tháng 11 khi có tới 60% các đội tàu ở Đông Thái Bình Dương quyết định ngừng khai thác cá.

Giá cá ngừ vằn giảm xuống còn 1.700 USD/tấn sẽ khuyến khích các nhà máy đóng hộp cá ngừ nhập khẩu nguyên liệu ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, FAO đã dự đoán, cho đến năm 2024 thì khách hàng tiêu thụ sản phẩm cuối cùng tại các thị trường thủy sản trên thế giới khó có thể được hưởng lợi từ sự điều chỉnh giảm giá này và nhu cầu cá ngừ đóng hộp có thể không được cải thiện trên thị trường toàn cầu.

Với việc mùa lạnh đang đến gần, dự kiến tiêu thụ cá ngừ sashimi sẽ được cải thiện ở Nhật Bản; thời gian tiêu thụ cao điểm sẽ là từ ngày 30 tháng 12 đến ngày 3 tháng 1 khi Shogatsu, Tết Nguyên Đán được tổ chức tại quốc gia này.

Nhu cầu tiêu dùng cá ngừ sashimi tăng mạnh ở Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc trong dịp lễ hội trung thu vào đầu tháng 10 vừa qua. Mô hình này cũng dự kiến sẽ lặp lại trong dịp đón Tết Dương lịch sắp tới vào tháng 12/tháng 1 và Tết Nguyên đán vào tháng 2 năm 2024.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác