Tháng 10/2023 giá ngừ vằn giảm còn 1.700 USD/tấn sau một năm duy trì mức giá cao – Phần 1 (13-11-2023)

Trong suốt thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, nhu cầu cá ngừ đông lạnh (đối với cả hai loại - nguyên con và sơ chế) từ các nhà máy đồ hộp ở Đông Nam Á và Châu Âu đều suy giảm, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu cao và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cuối cùng đối với các mặt hàng cá ngừ đóng hộp và sản phẩm khác làm từ cá ngừ giảm. Giá cá ngừ vằn đã giảm xuống còn 1.700 USD/tấn vào tháng 10/2023 cùng với sản lượng khai thác ở Thái Bình Dương được cải thiện.
Tháng 10/2023 giá ngừ vằn giảm còn 1.700 USD/tấn sau một năm duy trì mức giá cao – Phần 1
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Kể từ tháng 9 năm 2023, mô hình sản xuất đã thay đổi ở các vùng đánh bắt chính. Sản lượng cá ngừ được cải thiện ở Tây và Trung Thái Bình Dương (the Western and Central Pacific Ocean  - WCPO) sau khi FAD thực hiện việc ngừng đánh bắt trong các tháng - từ tháng 7 đến tháng 9. Nhìn chung, so với cùng kỳ năm trước thì sản lượng đánh bắt đã tốt hơn trong thời gian FAD đóng cửa.

Tại Đông Thái Bình Dương, sản lượng khai thác cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng được cải thiện khi IATTC ‘veda’ 72 ngày đầu tiên đã kết thúc vào ngày 8 tháng 10 năm 2023. Trong khi đó, sản lượng đánh bắt vẫn thấp ở Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, là những nguồn cung cấp chính cho các nhà máy đóng hộp cá ngừ châu Âu.

Xu hướng nhập khẩu nguyên liệu cá ngừ trên thế giới

Trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu nguyên liệu đông lạnh của Thái Lan đang ở mức thấp nhất trong 3 năm. So với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, nhập khẩu cá ngừ đông lạnh nguyên con giảm 14% xuống 314.245 tấn và giảm 20% đối với thăn cá ngừ hấp xuống còn 27.345 tấn.

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, các nhà chế biến cá ngừ ở Philippines đã giảm 44% lượng nhập khẩu cá ngừ đông lạnh so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 52.325 tấn. Nhập khẩu vào Ecuador cũng giảm 25% đạt 39.070 tấn trong giai đoạn này.

Nhập khẩu vào Tây Ban Nha giảm 20% đối với cá ngừ nguyên con đông lạnh, đạt 42.460 tấn và giảm 8,8% đối với thăn cá ngừ hấp chín rồi đông lạnh (frozen cooked loins) đạt 81.575 tấn. Nhập khẩu thăn cá ngừ hấp cũng giảm so với cùng kỳ năm 2022 tại các thị trường thủy sản Ý, Pháp và Bồ Đào Nha.

Tất cả những xu hướng này dẫn đến xuất khẩu cá ngừ trên toàn thế giới giảm trong nửa đầu năm 2023 đối với hai đối tượng cá ngừ đóng hộp và chế biến sẵn.

Thị trường cá ngừ tươi và đông lạnh (không đóng hộp)

FAO nhận định: Năm 2023, thị trường cá ngừ đóng hộp giá trị cao trên toàn cầu đều suy yếu do lạm phát cao, chi phí sinh hoạt tăng và thu nhập của người tiêu dùng giảm. Đặc biệt, nhu cầu suy yếu ở các thị trường lớn, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh Châu Âu, nhưng vẫn tương đối ổn định ở các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đặc khu hành chính Hồng Kông, là những nơi mà sau đại dịch Covid-19 có nhu cầu tăng đối với sashimi cá ngừ trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (HORECA).

Thị trường chính

Nhật Bản

Nhu cầu tiêu dùng cá ngừ sashimi phục hồi ở Nhật Bản nhưng cũng chỉ diễn ra trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2023, là thời điểm mà lễ hội mùa xuân được tổ chức trên cả nước. Nhập khẩu cá ngừ tươi trong nửa năm 2023 tăng vừa phải (+4,4%) nhờ các nguồn cung tăng: cá ngừ vây xanh Địa Trung Hải (1.139 tấn) và cá ngừ vây xanh miền Nam (425 tấn).

Tuy nhiên, nhập khẩu cá ngừ vây xanh và cá ngừ mắt to đông lạnh giá trị cao, thường được sử dụng cho thương mại sashimi và sushi, đã giảm trong nửa đầu năm 2023. Nhập khẩu cá ngừ mắt to đông lạnh trong giai đoạn này là 23.663 tấn (-8,8%), tiếp theo là cá ngừ vây vàng ( 23.862 tấn; +9%) và cá ngừ vằn (19.323 tấn; +111%).

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, nhập khẩu phi lê cá ngừ siêu đông lạnh (ultra-frozen tuna fillet) cũng thấp hơn mức của năm 2022 do hàng tồn kho trong nước cao.

Mỹ

Kể từ đầu năm 2023, thương mại cá ngừ không đóng hộp ở Mỹ vẫn mờ nhạt. Tuy nhiên, nhu cầu đối với cá ngừ tươi có giá trị cao (sashimi) vẫn ổn định, và nhu cầu suy yếu đáng kể đối với các sản phẩm đông lạnh không phải loại sashimi.

Lũy kế lượng nhập khẩu cá ngừ tươi (cá ngừ vây xanh, mắt to và vây vàng) trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023 tăng vừa phải so với cùng kỳ năm ngoái (+3,5%). So với các phân nhóm khác, mức tăng nhập khẩu cá ngừ vây xanh tươi qua đường hàng không cao hơn (+ 13%), chủ yếu được cung cấp bởi Mexico và Tây Ban Nha.

Trong giai đoạn đánh giá nửa năm 2023, tỷ trọng phi lê cá ngừ đông lạnh trong tổng nhập khẩu cá ngừ không đóng hộp đã giảm từ 59% năm 2019 xuống 57% vào năm 2023. Nhập khẩu cá ngừ từ 5 nhà cung cấp hàng đầu là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) đều giảm và tình trạng tương tự với các nguồn cung khác.

Liên minh châu Âu

Trong những tháng nghỉ hè của năm 2023 (từ tháng 7 đến tháng 8), nhu cầu đối với cá ngừ không đóng hộp tăng lẻ tẻ ở thị trường các nước Liên minh châu Âu; trong đó có Tây Ban Nha, Ý và Pháp là những thị trường hàng đầu. Nhập khẩu cá ngừ tươi bằng đường hàng không giảm 2% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, đạt 7.075 tấn (bao gồm 4.277 tấn cá ngừ vây vàng, 2.296 tấn cá ngừ vây xanh và 470 tấn cá ngừ mắt to) so với 7.216 tấn cá ngừ nhập khẩu trong cùng kỳ năm 2022.

6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu cá ngừ phi lê giảm mạnh (-35% xuống 17.250 tấn) do tồn kho chưa bán được và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng đối với hải sản giá trị cao giảm. Trong số các thị trường hàng đầu thì nhập khẩu ổn định ở Ý với mức 3.305 tấn (+3,8%) nhưng giảm ở Tây Ban Nha (-50% xuống 3.910 tấn), Pháp (-35,6 xuống 3.085 tấn), Vương quốc Hà Lan (-39% xuống 1.150 tấn) và Đức (-30,7% xuống 770 tấn).

Những quốc gia châu Âu khác

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, nhập khẩu phi lê cá ngừ đông lạnh tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland giảm 18% xuống 975 tấn nhưng lại tăng ở thị trường Thụy Sĩ tăng 10% (255 tấn) và Ukraine ( +172%, đạt 775 tấn).

Châu Á Thái Bình Dương

Sau COVID-19, việc mở lại các nhà hàng phong cách Nhật Bản tại thị trường Châu Á/Thái Bình Dương đã hỗ trợ nhập khẩu cá ngừ giá trị cao tăng vừa phải trong năm 2023.

Trung Quốc là nơi có số lượng nhà hàng sushi lớn nhất (ngoài Nhật Bản) đã nhập khẩu 700 tấn (+72%) cá ngừ vây xanh tươi với giá cao (30 USD/kg) trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, hầu hết đều có nguồn cung từ Nhật Bản. Cũng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, nhập khẩu phi lê cá ngừ của Trung Quốc đã tăng từ 73 tấn năm 2022 lên 410 tấn năm 2023; các nhà cung cấp hàng đầu là Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam. Lượng nhập khẩu cũng tăng trong quý 3 năm nay để đảm bảo đủ nguồn cung cho Lễ hội mùa thu kéo dài một tuần và Ngày Quốc khánh được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10.

6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ sashimi cũng phục hồi tại Hàn Quốc, Thái Lan, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Indonesia.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác