Nhập khẩu tăng mạnh trong quý I
Quý I/2023, Trung Quốc nhập khẩu 274.479 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD; tăng 34% về lượng và 16% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3/2023, lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu đạt kỷ lục 105.687 tấn, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ecuador vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc trong quý I/2023 với khối lượng 179.094 tấn, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ đứng vị trí thứ hai với 25.796 tấn, tăng 16%. Nhà cung cấp thứ ba là Argentina với mức tăng trưởng 205% khối lượng tôm đỏ, đạt 6.952 tấn. Trong khi đó, Ả Rập Saudi và Thái Lan cung cấp 4.744 tấn và 4.280 tấn trong giai đoạn này, tăng lần lượt 231% và 1%.
Giá tôm nhập khẩu trung bình của Trung Quốc trong tháng 3 ở mức 5,5 USD/kg, tăng nhẹ so với 5,3 USD/kg hồi tháng 2 - mức thấp nhất trong vòng 2 năm.
Giá trung bình nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Trung Quốc là 5,31 USD/kg, tăng so với mức thấp 5,15 USD/kg của tháng 2/2023.
Nhập khẩu 1 triệu tấn năm 2023
Gorjan Nikolik cho biết, nhập khẩu tôm của Trung Quốc năm 2023 sẽ đạt mốc quan trọng sau khi đạt mức kỷ lục 955.000 tấn năm 2022, theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc. Trung Quốc đã nhập khẩu thêm 290.000 tấn tôm trong năm 2022, chủ yếu là tôm nuôi, tăng 44% so năm 2021. Con số này tương đương với xuất khẩu tôm hàng năm của Thái Lan. Giá trị nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2022 cũng tăng 55%, đạt 6,29 tỷ USD.
Lượng tôm nhập khẩu bổ sung năm 2022 chủ yếu đến từ Ecuador, nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, nơi các nhà sản xuất từ lâu đã gắn bó trang trại của họ với thị trường nhập khẩu Trung Quốc. Năm 2022, Ecuador cung cấp 565.000 tấn tôm cho Trung Quốc, tăng 49% so năm 2021. Ấn Độ theo sau ở vị trí thứ 2 với 137.000 tấn, tăng 17% so cùng kỳ. Tính theo giá trị, nhập khẩu của Trung Quốc từ 2 quốc gia này lần lượt tăng 63% và 28%, đạt 3,54 tỷ USD và 924 triệu USD. Các nhà cung cấp tôm lớn khác cho Trung Quốc là Việt Nam, Thái Lan, Argentina và Ả Rập Saudi, với giá trị tương ứng là 251 triệu USD, 241 triệu USD, 145,6 triệu USD và 109,4 triệu USD.
Nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh nhờ tổng nhập khẩu thủy sản của nước này tăng 35% lên 19,1 tỷ USD vào năm 2022 và tổng khối lượng tăng 21% lên 4,19 triệu tấn.
“Khi thu nhập trung bình của Trung Quốc tăng 4 - 5%, nhu cầu nhập khẩu đối với động vật giáp xác và cá biển tăng 10 - 12%, do đó tăng gấp đôi hoặc gấp rưỡi; nói cách khác, nhu cầu đối với thủy sản nhập khẩu có độ co giãn cao theo thu nhập. Nền kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2023. Vì vậy, 1 triệu tấn chắc chắn có thể đạt được”, Nikolik giải thích.
Theo Nikolik, mức tăng trưởng sẽ còn có thể lớn hơn vào năm 2024 khi người tiêu dùng Trung Quốc hoàn toàn chấp nhận cuộc sống hậu COVID-19. Các nước sản xuất tôm sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ tăng trưởng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc. Trung Quốc luôn có chính sách tự cung tự cấp lương thực. Có lẽ từ 10 năm trước họ đã thực thi điều này, tuy nhiên chính sách này dường như cho đến hiện tại vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với thủy sản.
Đổi mới sản phẩm
Fan Xubing, Giám đốc Seabridge Marketing cho rằng, nhu cầu tôm tăng nhờ sự đổi mới sản phẩm ở Trung Quốc. Chẳng hạn Shrimp paste hay xiahua (mắm tôm) - một sản phẩm làm từ tôm cỡ nhỏ nuôi tại địa phương, giá rẻ dùng để nấu lẩu - là một trong nhiều sản phẩm tôm ngày càng phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc.
“Vì vậy, xiahua, mắm tôm và bánh tôm, tất cả sản phẩm phụ từ tôm nước ấm cỡ nhỏ, giá trị thấp, đang kinh doanh rất tốt. Đây là những sản phẩm tiện lợi có thể được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau”, Fan nói thêm.
Tôm tẩm bột cũng đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Fuqing Longhua Aquatic có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến cho biết, Công ty sản xuất tôm tẩm bột cho châu Âu và Mỹ, nhưng gần đây đã bắt đầu bán ở Trung Quốc. Năm ngoái, Fuqing Longhua Aquatic đã bán được 60 container sản phẩm tôm tẩm bột ở Trung Quốc, một khối lượng mà bà Maggie Wang, Giám đốc kinh doanh của Fuqing Longhua Aquatic đánh giá là rất hứa hẹn.
“Sau khi Mỹ áp thuế 25% ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng tôi, chúng tôi hiện đang tập trung mạnh vào thị trường nội địa”, bà Maggie nói.
Ngoài ra, nhu cầu đối với tôm đông lạnh, còn đầu, còn vỏ cũng tăng. Đây cũng là những mặt hàng phổ biến mà Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc.
Fan nói thêm rằng, tính linh hoạt của tôm có nghĩa là nó có thể thích nghi với các xu hướng ẩm thực mới. Tôm rất dễ chế biến cho tất cả các loại ẩm thực khác nhau của Trung Quốc, Trung Quốc truyền thống, Nhật Bản và Trung Quốc phương Tây. Nó rất dễ nấu vì không giống như một con cá nguyên con cần mất thời gian chế biến. Mọi người đều biết nấu và ăn tôm.
“Tôm cũng được coi là một loại protein động vật tốt cho sức khỏe. Trong đại dịch COVID-19, người dân Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của họ và gia đình họ”, Fan nói thêm.
Tiềm năng tương lai
Nikolik cho rằng, với sự phổ biến của tôm ở Trung Quốc, ngành toàn cầu có triển vọng tăng trưởng tốt hơn so với các loài khác, đặc biệt là cua và tôm hùm đánh bắt tự nhiên...
Nguồn cung cua hoàng đế, tôm hùm Mỹ, tôm hùm đá và tôm nước lạnh bị hạn chế do tính chất hữu hạn của thủy sản đánh bắt tự nhiên, đây là một “điểm nghẽn” lớn, trong khi tôm nuôi hoàn toàn lại không bị hạn chế bởi điều này.
Nikolik nói: “Với động vật giáp xác đánh bắt tự nhiên, nhu cầu ở Trung Quốc là có nhưng nguồn cung thì không. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Australia có thể bán tôm hùm đá với giá 100 USD/kg cho Trung Quốc. Đây là do nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn hẹp. Vì vậy, trong số tất cả loài mà người tiêu dùng Trung Quốc thực sự yêu thích, tôm nuôi là loài có tiềm năng phát triển lớn nhất. Và nó đã phát triển, đang phát triển và sẽ tiếp tục phát triển”.
Trong khi đó, cá minh thái và các loài cá thịt trắng đánh bắt tự nhiên khác - nghề đánh bắt khối lượng lớn có thể đáp ứng nhu cầu - vẫn chưa phát triển ở Trung Quốc
Do đó, dựa trên ưu tiên trước đây, tôm nuôi sẽ chiếm phần lớn trong tăng trưởng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc, có lẽ cùng với cá tra nuôi - một loài cá thịt trắng được sản xuất tại Việt Nam.
Cũng theo Nikolik, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, sự khan hiếm tài nguyên của đất nước sẽ đòi hỏi phải nhập khẩu thủy sản nuôi lớn hơn nữa. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Trung Quốc đối với thủy sản lại ngày càng gia tăng.
Khi nền kinh tế Trung Quốc hiện đại hóa hơn nữa, nguồn lao động và vốn khan hiếm sẽ được phân bổ cho các ngành dịch vụ hoặc những lĩnh vực mà Trung Quốc có lợi thế so sánh, chẳng hạn như sản xuất đồ điện tử, ô tô điện hoặc các hàng hóa khác; không phải nông nghiệp và ngư nghiệp, Nikolik nói.
Theo Nikolik: “Dân số Trung Quốc hiện đã đạt đỉnh và lực lượng lao động còn lại sẽ ngày càng rời xa lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản”.
Ông nói thêm rằng năm ngoái, Trung Quốc - nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới - có khả năng trở thành nhà nhập khẩu ròng thủy sản, dựa trên phân tích của Rabobank, đưa Trung Quốc tiến xa hơn trên con đường nhập khẩu.
Giá tôm nội địa cao
Ở Trạm Giang, miền Nam Trung Quốc, đã từng là nơi nuôi tôm lớn của nước này. Tuy nhiên hiện nay giá tôm tăng, nguồn cung nguyên liệu đầu vào thiếu, các nhà máy địa phương ở Trạm Giang phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài. Những người nuôi tôm địa phương còn lại phải nhắm mục tiêu vào thị trường tôm sống và tươi sống của Trung Quốc, nơi họ có thể bán được giá cao. “Nông dân tập trung nuôi tôm cỡ lớn và bán tôm sống ở các thị trường địa phương”, Fan nói.
Ở Quảng Đông, tôm cỡ lớn từ 60 con/kg và thấp hơn thường có giá 40 CNY/kg (5,82 USD/kg) tại cổng trại, ngay cả trong thời kỳ cao điểm sản xuất theo mùa.
Theo Fan, dịch bệnh trên tôm ngày càng làm giảm sản lượng tôm ở Trung Quốc. Sự bùng phát của vibrio, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng khiến nhiều nông dân ở Trạm Giang phải thu hoạch sớm với kích cỡ nhỏ. Tôm sau đó được bán với giá thấp hơn nhiều cho các nhà chế biến địa phương, những người chế biến tôm thành các sản phẩm như xiahua.
“Số lượng nông dân sản xuất tôm tại Trung Quốc ngày càng giảm, tạo cơ hội lớn cho các nhà nhập khẩu”, Fan nói thêm
Hải Đăng (Theo Undercurrentnews)