Nguồn cung
Vào đầu tháng 9/2021, Cơ quan Thủy sản Alaska (The Alaska Department of Fish and Game - ADF&G) và Cơ quan Dịch vụ thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ (the National Marine Fisheries Service - NMFS) đã thông báo rằng, nghề đánh bắt cua hoàng đế ở Vịnh Bristol cho năm 2021/22 sẽ bị đóng cửa. Trong lịch sử, đây là lần thứ 4 ngư trường này đóng cửa, lần gần đây nhất là năm 1994.
Tổng khối lượng được phép đánh bắt (Total Allowable Catch - TAC) đã giảm trong vài năm gần đây. Trong niên vụ 2008/09, TAC là 9.072 tấn, đã giảm xuống còn 2.994 tấn trong niên vụ 2017/18 và giảm tiếp còn 1.724 tấn niên vụ 2019/20 và 1.179 tấn trong niên vụ 2020/21.
Triển vọng ở Alaska không lạc quan chút nào, vì tất cả các nguồn dự trữ cua đều giảm. Cua tuyết Biển Bering dường như đã biến mất hoặc chúng đã di chuyển đến vùng biển khác, vì vậy nguồn cung cua tuyết từ Alaska sẽ giảm.
Trong khi triển vọng ở Biển Bering ảm đạm thì tình hình ở Vịnh Alaska khả quan hơn nhiều. Các nhà khoa học đã quan sát thấy một lượng lớn cua Tanner trong khu vực. Mặc dù mới chỉ là những con số ước tính sơ bộ, nhưng các nhà khoa học xác nhận rằng sản lượng cua phong phú ở cả ba khu vực đánh bắt (Kodiak, Chignik và khu vực phía Nam bán đảo).
Tương tự như vậy, trong khi nguồn cung cua hoàng đế và cua tuyết ở Đông Bắc Thái Bình Dương đang gây thất vọng thì tình hình ở biển Barents lại khả quan hơn nhiều. Cả Na Uy và Liên bang Nga đều đang có những vụ khai thác tốt.
Những người nuôi cua ở Đông Nam Alaska chỉ mong đợi mùa cua Dungeness đạt sản lượng trung bình trong năm 2021. Mùa hè kéo dài hai tháng rưỡi từ đầu tháng 6 cho đến giữa tháng 8. Tổng sản lượng cập cảng chỉ đạt hơn 1.360 tấn, giảm đáng kể so với sản lượng khai thác năm 2020 là 2.722 tấn. Nhưng sản lượng đánh bắt khiêm tốn đã khiến giá tăng vọt lên mức kỷ lục 4,27 USD/lb (tương đương 9,41 USD/kg).
Thương mại quốc tế
Nhập khẩu cua toàn cầu đã phục hồi sau đợt sụt giảm vào năm 2020. Tổng nhập khẩu cua toàn cầu tăng từ 163.963 tấn trong sáu tháng đầu năm 2020 lên 191.473 tấn (+16,8%) trong cùng kỳ năm 2021. Các nhà nhập khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nghề đánh bắt cua hoàng đế Na Uy ở biển Barents hoạt động tốt khiến xuất khẩu sản phẩm này đã tăng lên mức kỷ lục. Tổng lượng xuất khẩu cua hoàng đế từ Na Uy trong sáu tháng đầu năm 2021 lên tới 1.921 tấn, trong đó 318 tấn cua sống và 603 tấn cua đông lạnh. Con số này thể hiện sự tăng trưởng 37,7% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu cua tuyết cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng hơn nữa: từ 1.829 tấn vào năm 2020 lên 4.372 tấn vào năm 2021 (tăng 39%). Tất cả cua tuyết xuất khẩu đều ở dạng đông lạnh.
Nhu cầu đối với cua tuyết và cua hoàng đế ngày càng tăng mạnh, nhưng nhà cung cấp lớn duy nhất trên thị trường là Liên bang Nga - đang phải đối mặt với các vấn đề hậu cần. Tình trạng khan hiếm container nhập khẩu cua biển đang ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Nga. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng là một vấn đề lớn, khi giá cước gần đây đã tăng gấp 4 lần. Hơn nữa, ở đầu bên kia, phải mất từ hai đến ba tuần chờ đợi để dỡ hàng trên bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Vì vậy, cua tuyết và cua hoàng đế rất khan hiếm, và trở nên đắt đỏ với tất cả các chi phí phụ trội nêu trên. May mắn là có một bộ phận thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ, có khả năng tài chính và sẵn sàng trả những mức giá cao này.
Tổng nhập khẩu cua của Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2021 lên tới 70.383 tấn, tăng 18,5% so với nửa đầu năm 2020. Các nhà cung cấp lớn nhất là Canada, chiếm hơn 50% tổng lượng nhập khẩu cua của Hoa Kỳ, tiếp theo là Liên bang Nga (chiếm 20%) và Indonesia (chiếm 9%).
Năm 2021, xuất khẩu cua của Nga sang Hoa Kỳ có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Trong nửa đầu năm 2021, Liên bang Nga đã xuất khẩu 7.300 tấn, trong khi tổng xuất khẩu của cả năm 2020 chỉ là 11.500 tấn.
Các nhà xuất khẩu của Nga hiện đang nhìn thấy cơ hội để nắm bắt chặt thị trường này vì nguồn cung từ Biển Bering sẽ rất khan hiếm trong mùa vụ tới. Với giá cả ổn định và nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường Hoa Kỳ, người Nga đang ở vị trí đắc địa có thể tận dụng để kiếm lợi từ tình hình này. Nguồn cung cua hoàng đế của Nga đang rất dồi dào, số lượng cua cập cảng dự kiến sẽ tăng lên.
Nhập khẩu cua của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021 đã tăng 54,7% lên 39.781 tấn. Tuy nhiên, con số này chỉ cao hơn 6,5% so với nhập khẩu trong nửa đầu năm 2019. Các nhà cung cấp lớn nhất là Liên bang Nga, Indonesia và Hoa Kỳ.
Năm 2021, giá các loài thủy sản trên thế giới tăng, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp như cua và tôm hùm, đã buộc một số nhà hàng ở Hoa Kỳ loại bỏ những món này khỏi thực đơn của họ. Giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 50% trở lên trong quý cuối cùng của năm 2021.
Tại thị trường Mỹ, giá cua xanh (Portunas pelagicus) đã tăng chóng mặt, đầu tháng 5 đạt mức kỷ lục 32,50 USD - 33,00 USD/lb. Tuy nhiên, giá vẫn chưa dừng lại ở đó. Trong tháng 7, giá tiếp tục tăng vọt lên 39,75 USD - 40,25 USD/lb. Đặc biệt trong sáu tháng cuối năm 2021, giá ghẹ jumbo lump swimming crab tăng 67%. Tuy nhiên, ở bên kia Thái Bình Dương, giá ghẹ xanh (blue swimming crab) tại thị trường Hàn Quốc đã giảm 23%. Nhập khẩu ghẹ cắt miếng của Hàn Quốc giảm 20%.
Dự báo năm 2022
Rất có thể sẽ thiếu hụt nghiêm trọng cua hoàng đế và cua tuyết vào năm 2022, thậm chí có thể cả những năm tiếp theo, do ngành đánh bắt ở Biển Bering đã đóng cửa. Sự thiếu hụt này đã đẩy giá lên khá cao và sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2022.
Liên bang Nga có khả năng sẽ chiếm thị phần từ Hoa Kỳ trên thị trường cua hoàng đế và cua tuyết trong những tháng đầu năm 2022. Các hoạt động khai thác cua của Nga đang cho kết quả tốt, dự kiến sản lượng đánh bắt ở biển Barents sẽ tăng lên.
Triển vọng về sản lượng đánh bắt cua Dungeness ở bờ biển phía Tây Hoa Kỳ không mấy sáng sủa, và sản phẩm này chắc chắn sẽ tăng giá.
Ngọc Thúy (theo FAO)