Tổng quan về bột cá và dầu cá trên thế giới – Phần 1 (29-10-2021)

Bột cá và dầu cá chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản lượng thủy sản thế giới. Tuy nhiên, sản lượng bột cá và dầu cá đang có xu hướng giảm sút. Trong 10 năm qua, sản lượng trung bình hàng năm khoảng 5 triệu tấn bột cá và 1 triệu tấn dầu cá.
Tổng quan về bột cá và dầu cá trên thế giới – Phần 1
Ảnh minh họa

Sản xuất và tiêu thụ toàn cầu

Mỗi năm, khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất bột cá và dầu cá. Khoảng 15 triệu tấn đến từ cá nguyên con, trong đó gần một nửa được đánh bắt ở Nam Mỹ. Phần còn lại là phụ phẩm từ quá trình chế biến cá khai thác tự nhiên và cá nuôi. Ước tính lượng phụ phẩm chiếm khoảng 25% đến 35% tổng sản lượng bột cá và dầu cá (và có sự khác biệt giữa các vùng miền). Do phần lớn các sản phẩm này được sử dụng làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi nên bột cá và dầu cá đã đóng góp gián tiếp vào sản xuất thực phẩm cho con người.

Nhiều loài thủy sản được sử dụng trực tiếp (toàn bộ cá được chuyển cho các nhà máy) để sử dụng trong sản xuất bột cá và dầu cá, bên cạnh các phụ phẩm là thịt vụn cá hoặc các sản phẩm phụ khác từ ngành công nghiệp chế biến cá. Các loài chiếm ưu thế trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho “ngành công nghiệp tái sản xuất” chủ yếu là cá nổi nhỏ (như cá cơm, cá mòi, cá sardine). Trên thực tế, sản lượng bột cá và dầu cá toàn cầu biến động theo sản lượng đánh bắt các loài này và có thể thay đổi mạnh từ năm này sang năm khác.  

Những biến đổi trong nghề đánh bắt cá cơm của Peru có tác động lớn nhất đến nguồn cung bột cá và dầu cá trên toàn cầu. Về khối lượng, Peru là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, dao động từ 3 đến 7 triệu tấn một năm. Sự biến đổi mạnh mẽ của nghề đánh bắt cá cơm ở Peru có liên quan chặt chẽ với hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra vài năm một lần, tạo ra các dòng nước ấm ở đại dương. Vào những năm xảy ra hiện tượng El Nino, nghề cá bị ảnh hưởng và sản lượng đánh bắt có thể giảm vài triệu tấn trong một vụ khai thác.

Do nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm bột cá và dầu cá sử dụng cho ngành nuôi trồng thủy sản, cùng với việc mức giá tăng cao đã khiến tỷ trọng bột cá sản xuất từ ​​phụ phẩm (vốn trước đây thường bị lãng phí) ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nguyên liệu thô đến từ hoạt động đánh bắt trực tiếp (các loài cá nhỏ) bị hạn chế, dự kiến trong tương lại ngành thủy sản thế giới sẽ tăng cường sử dụng các sản phẩm phụ, tỷ trọng sản phẩm phụ trong sản xuất bột cá, dầu cá sẽ tăng lên hoặc được duy trì ổn định.

Tại EU, hầu hết các loại thịt vụn/phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến đều được sử dụng, do đó, nguồn cung từ các nhà sản xuất EU được dự đoán là sẽ không tăng đáng kể trong những năm tới. Tiềm năng lớn nhất là từ ngành nuôi trồng thủy sản ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á. Năm 2018, ước tính sản lượng bột cá toàn cầu đạt 5,6 triệu tấn (mức cao nhất kể từ năm 2011). Một vụ mùa khai thác tốt ở Peru, với lượng lớn cá cơm cập cảng, là nguyên nhân chính khiến nguồn cung tăng. Sản lượng dầu cá ước tính đạt khoảng một triệu tấn trong năm 2018.

Việc giảm hạn ngạch đánh bắt các loài cá nổi nhỏ khiến sản lượng bột cá của thế giới được ước tính giảm trong năm 2019. Ngành nuôi trồng thủy sản là ngành tiêu thụ chính các sản phẩm bột cá và dầu cá, chiếm khoảng 70% lượng tiêu thụ toàn cầu vào năm 2017. Bột cá chủ yếu được sử dụng trong thức ăn nuôi trồng thủy sản cũng như trong chăn nuôi gia cầm và lợn. Năm 2017, 22% bột cá được sử dụng trong thức ăn cho lợn và 5% trong thức ăn cho gia cầm. Vào năm 2016, 31% bột cá dành cho nuôi trồng thủy sản được sử dụng để nuôi động vật giáp xác, 23% để nuôi cá hồi và 15% để nuôi các loài cá biển khác.  

Cá nuôi, đặc biệt là cá hồi, cần một lượng dầu cá nhất định trong khẩu phần ăn của chúng để đảm bảo sản phẩm cuối cùng có thể so sánh với cá tự nhiên về chất lượng dinh dưỡng. Do đó, trong số dầu cá dành cho phân khúc nuôi trồng thủy sản, có tới 60% được sử dụng trong thức ăn cho cá hồi, 18% trong thức ăn cho cá biển và 6% trong thức ăn cho động vật giáp xác. Lợi ích của axit béo omega-3 cũng được đánh giá cao như thực phẩm bổ sung cho con người. Do đó, phân khúc này là đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong nuôi trồng thủy sản, chiếm 23% tổng sản lượng tiêu thụ dầu cá toàn cầu. Ngoài ra, dầu cá cũng được dùng cho các sản phẩm hydro hóa và sản phẩm cho mục đích công nghiệp, dược phẩm.

Sản xuất và sử dụng ở EU

Ở Châu Âu có 29 nhà máy sản xuất bột cá và dầu cá với sản lượng khoảng 600.000 tấn, trị giá xuất khẩu hơn 1 tỷ EUR/năm. Ngành công nghiệp này trực tiếp tạo ra 3.000 việc làm ở các khu vực ven biển. Ngoài ra, ngành bột cá và dầu cá còn tạo nhiều việc làm trong lĩnh vực đánh bắt và lĩnh vực dịch vụ phụ trợ. Mỗi năm, EU sản xuất khoảng 450-500 nghìn tấn bột cá và 150–200 nghìn tấn dầu cá. Tương đương với chiếm khoảng 10-15% tổng sản lượng hàng năm của toàn cầu. Năm 2016, sản lượng bột cá của EU đạt 461.000 tấn, giảm 5% so với năm 2015. Trái lại, ở giai đoạn này, sản lượng dầu cá tăng 14% lên 144.000 tấn.  

Hiện tại EU có 10 nhà máy sản xuất bột cá ở 6 nước thành viên EU. Các nhà máy này thuộc sở hữu của 3 công ty. Trong đó, hầu hết các nhà máy được đặt tại Đan Mạch và Vương quốc Anh. Cho đến nay, Đan Mạch là nhà sản xuất lớn nhất, chiếm gần 50% tổng sản lượng. Sản xuất của Đan Mạch chủ yếu dựa vào việc đánh bắt các loài cá nổi nhỏ. Tây Ban Nha đứng thứ hai, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Ở Tây Ban Nha, bột cá và dầu cá được sản xuất bằng ​​phụ phẩm/thịt vụn từ công nghiệp chế biến. Sản lượng thủy sản khai thác của EU cho mục đích sử dụng trong công nghiệp chế biến đã tăng 44% trong giai đoạn 2016-2017.

Trong năm 2017, tổng lượng thủy sản khai thác của EU là 4,3 triệu tấn, trong đó 24% được dành cho sản xuất bột cá và dầu cá (sử dụng trong chế biến công nghiệp). Trong số này, gần như tất cả đều được chuyển đến Đan Mạch. Về giá trị, thủy sản sử dụng cho chế biến công nghiệp chiếm 3% tổng sản lượng thủy sản khai thác của EU (theo thống kê của năm 2016). Lượng thủy sản sử dụng trong chế biến công nghiệp sẽ được đưa vào thị trường tiêu thụ của con người sau khi được sản xuất thành bột cá hoặc dầu cá. Điều này đặc biệt đúng đối với dầu cá – sản phẩm được đánh giá cao như một loại thực phẩm chức năng tại các thị trường có sức mua tốt. Hầu hết thủy sản được sử dụng trực tiếp cho mục đích chế biến công nghiệp đều được khai thác ở Đan Mạch. Các nhà sản xuất bột cá và dầu cá ở các quốc gia châu Âu khác chủ yếu sử dụng thịt vụn trong sản xuất của họ. Các loài cá chính được khai thác để sử dụng trong chế biến công nghiệp ở EU là lươn cát, cá lăng xanh, cá trích, cá sprat (một loài cá biển nhỏ thuộc họ cá trích, được đánh bắt rộng rãi để làm thực phẩm hoặc chế biến thành các sản phẩm từ cá).  

Cá trích chủ yếu được dùng để làm thức ăn cho con người, nhưng với sản lượng khai thác lớn với mức giá thấp nên sau đó một số đã được sử dụng trong sản xuất bột cá và dầu cá. Do có sự thay đổi lớn về hạn ngạch đối với các loài thủy sản được sử dụng cho mục đích phi thực phẩm, nên trữ lượng các loài thủy sản của EU cũng thay đổi mạnh qua các năm. Ví dụ, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2017, sản lượng khai thác lươn cát tăng mạnh (gấp 9 lần) do hạn ngạch đối với loài thủy sản này đã tăng lên với tỷ lệ tương tự. Cũng trong giai đoạn 2016-2017, tổng sản lượng khai thác tất cả các loài thủy sản của EU cho mục đích sử dụng chế biến công nghiệp đã tăng 44% lên 1.040 nghìn tấn. Tuy nhiên, hạn ngạch đánh bắt các loài cá nổi nhỏ giảm là nguyên nhân khiến tổng sản lượng khai thác thủy sản của EU giảm.  

Hạn ngạch lớn đặc biệt đối với các đối tượng thủy sản như lươn cát, cá sprat và cá lăng xanh có nghĩa là có nhiều nguyên liệu hơn cho các nhà sản xuất bột cá. Hạn ngạch lươn cát tăng cao trong năm 2017 (tăng 900% so với năm 2016) đã góp phần mạnh mẽ vào việc cung cấp nguyên liệu tốt cho năm 2018. Năm 2018, hạn ngạch của các loài được chọn (gồm: lươn cát, cá sprat và cá lăng xanh) đã giảm 11% xuống còn 1,94 triệu tấn và hạn ngạch năm 2019 lại giảm thêm 24%. Với một số biến động cục bộ, giá bột cá và dầu cá ở châu Âu nhìn chung là tương ứng với giá cả toàn cầu, có liên quan đến tình hình cung cấp ở Nam Mỹ, cụ thể là Peru. Trong năm 2018, sản lượng bột cá và dầu cá của Peru tăng mạnh so với những năm trước và đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Vì hơn 90% sản lượng bột cá và dầu cá của Peru được xuất khẩu, điều này đã cân bằng thị trường bột cá và dầu cá toàn cầu và giúp ổn định giá cả trên thế giới. Giá bột cá tại EU cho thấy xu hướng giảm trong suốt nửa cuối năm 2018. Giá dầu cá đã giảm từ mức rất cao vào đầu năm 2018 khi giá trên 1.750 EUR/tấn. Giá cá đã chạm đáy vào tháng 6 năm 2020 và kể từ đó đã tăng lên khoảng 1.450 EUR / tấn.

Ngọc Thúy (EUMOFA 2020)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác