Những kết quả nổi bật của ngành Thủy sản năm 2014 (02-03-2015)

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có thể đánh giá năm 2014 là năm ngành thuỷ sản đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa, nhất là trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,3 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2013. Sản xuất tôm nước lợ tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng, đóng góp quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2014 tiếp cận gần mức 8 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2013, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Thông tin Thủy sản điểm lại một số kết quả nổi bật của ngành năm 2014.
Những kết quả nổi bật của ngành Thủy sản năm 2014

1. Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2014)

Vào dịp 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản, với chủ đề “Thủy sản Việt Nam – Hội nhập và Phát triển”, Festival Thủy sản Việt Nam năm 2014 được tổ chức từ ngày từ 28/3 – 2/4/2014 tại Phú Yên đã thực sự là ngày hội của những người lao động trong ngành thủy sản. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc.

Tại Festival, nhiều hội nghị, hội thảo khoa học và diễn đàn về thủy sản với sự tham gia của các nhà quản lý các cấp, các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và người sản xuất đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản xa bờ, đặc biệt là nghề khai thác cá ngừ đại dương, nhằm thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hội chợ triển lãm thương mại, thủy sản, văn hóa nghệ thuật, quảng bá du lịch đã tạo cơ hội giao lưu, xúc tiến, hợp tác phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam, giới thiệu và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể miền biển Việt Nam.  

2. Lực lượng Kiểm ngư chính thức ra mắt và đi vào hoạt động 

Thực hiện Nghị định số 102/2012/NĐ-CP, ngày 29/11/2012, của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư, Cục Kiểm ngư trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã được thành lập. Ngày 15/4/2014, tại Đà Nẵng, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã chính thức ra mắt với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Mặc dù mới được thành lập, còn non trẻ, lực lượng Kiểm ngư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp với các lực chấp pháp khác tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, kịp thời phản ánh thông tin đến cơ quan truyền thông, nhân dân trên cả nước và thế giới. Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư đã triển khai nhiệm vụ tuần tra, giám sát hoạt động nghề cá trên biển, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa, ngăn chặn các hành vi của tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. 

3. Xuất khẩu thủy sản vượt mức mức 7 tỷ USD 

Năm 2014 xuất khẩu thủy sản lần đầu vượt mốc 7 tỷ USD, dự báo đạt mức kỷ lục với giá trị xuất khẩu đạt 7,84 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2013. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, góp phần chủ yếu duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2014. Trong mặt hàng tôm, sau mức tăng trưởng ngoạn mục năm 2013, tôm chân trắng tiếp tục giữ mức tăng trưởng mạnh. Theo số liệu tổng hợp của VASEP, năm 2014, giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,95 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2013, trong đó tôm chân trắng có mức tăng là 46,3% với giá trị xuất khẩu đạt 2,31 tỷ USD. Mặt hàng chủ lực thứ hai là cá tra có mức tăng không đáng kể 0,4%, đạt giá trị 1,77 tỷ USD. Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu duy nhất có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2013, giảm 8,1%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu cá ngừ giảm.

4. Nghị định số 36/2014/NĐ-CP hướng tới xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm cá tra

Ngày 29/4/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra. Đây là Nghị định quan trọng nhằm phát triển ngành sản xuất cá tra theo hướng nâng cao chất lượng giá trị và phát triển bền vững từ tất cả các khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu. Nghị định đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2014.

Đây là nghị định đầu tiên về một đối tượng nuôi chủ lực, có lợi thế. Nghị định 36 hướng tới xây dựng thương hiệu cho cá tra, lấy chất lượng làm trọng theo hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu chiến lược và có tác động lớn tới hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ngày 29/7/2014, Bộ NN và PTNT đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 36 về việc kiểm tra điều kiện nuôi, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra, xác nhận hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra và có hiệu lực từ ngày 12/9/2014.

5. Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản

Ngày 07/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2014.  Một loạt các thông tư do các Bộ NN & PTNT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện cũng đã được ban hành kịp thời để triển khai Nghị định 67.

Đây là một Nghị định quan trọng mang tính đột phá tạo cơ sở thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, toàn diện, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, hỗ trợ và khuyến khích hoạt động khai thác thủy sản xa bờ thông qua một số cơ chế chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.

6. Triển khai tái cơ cấu ngành thủy sản

Năm 2014 là năm đầu tiên ngành thủy sản thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành theo Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS, ngày 22/11/2013, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển thủy sản bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi được phê duyệt và bước đầu triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa trong năm 2014 khâu đột phá thực hiện tổ chức lại sản xuất khai thác thủy sản làm cơ sở để nhân rộng cho các đối tượng khác. Đối với nuôi trồng thủy sản, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, trong đó tập trung triển khai thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra hướng đến phát triển sản phẩm chất lượng cao, xây dựng một hình ảnh đẹp cho sản phẩm cá tra Việt Nam.

7. Sản xuất tôm nước lợ năm 2014 tăng trưởng mạnh

Năm 2014 ghi nhận một năm thắng lợi đối với sản xuất tôm nước lợ. Với việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh EMS (hội chứng tôm chết sớm), các cơ quan quản lý đã chỉ đạo sát sao, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ khung thời vụ thả nuôi cũng như vật tư đầu vào cho sản xuất, vụ nuôi tôm nước lợ đã đạt được kết quả khả quan, nhất là nuôi tôm chân trắng.

Năm 2014, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 660 nghìn tấn, tăng 22 % so với năm 2013, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, sản xuất tôm chân trắng tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng, trong khi đó diện tích và sản lượng nuôi tôm sú được duy trì ổn định so với năm trước. Sản lượng tôm chân trắng ước đạt gần 400 nghìn tấn, tăng 42,9% so với năm 2013. Kết quả đạt được của vụ tôm năm 2014 đã đóng góp quan trọng trong giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2014. Giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm tăng 26,9%, chiếm tỷ trọng 50,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2014. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 46,3% và tôm sú tăng 4,2% với giá trị tương ứng đạt 2,31 tỷ USD và 1,39 tỷ USD.

8. Tổng cục Thủy sản có cơ cấu tổ chức mới

Thực hiện Nghị định 199/2013/NĐ-CP, ngày 18/4/2012, của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 57/2014/QĐ-TTg, ngày 22/10/2014, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Ngày 15/12/2014, Tổng cục Thủy sản đã chính thức đi vào hoạt động theo cơ cấu tổ chức mới với 11 đơn vị trực thuộc. Trong đó có 8 đơn vị thực hiện chức năng quản ;ý nhà nước gồm các Vụ : Kế hoạch, Tài chính; Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Pháp chế, Thanh tra; Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản; Nuôi trồng thủy sản; Khai thác thủy sản; Văn phòng Tổng cục; Cục Kiểm ngư. Ba đơn vị sự nghiệp công lập là Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Trung tâm Thông tin thủy sản.

                                                                                                                                                                FICen

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác