Ngành Thủy sản thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (27-01-2023)

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2022-2030”.
Ngành Thủy sản thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Ảnh minh họa

Triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022) Ngày 04/01/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án này với mục tiêu: Đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Đảm bảo sự chủ động thực hiện, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các Bộ, ngành địa phương có liên quan để đạt được mục tiêu đề ra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Kịp thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án vào các chương trình, Kế hoạch, Đề án, hoạt động gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và địa phương; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch.

Tổng cục Thủy sản được giao làm Đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong Bộ, các bộ ngành có liên quan và địa phương theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình tham mưu Lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai thực thiện Kế hoạch.

Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch và các dự án ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch theo đúng tiến độ. Đồng thời, chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy sản, cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính căn cứ đề xuất của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tập trung, huy động, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật để triển khai hiệu quả Đề án.

Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, căn cứ Kế hoạch này để xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện; chủ động lồng ghép việc thực hiện với các chương trình, Đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan do đơn vị mình chủ trì thực hiện; chủ động rà soát nhiệm vụ và kinh phí trình đơn vị có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm báo cáo Bộ (qua Tổng cục Thủy sản) về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ đã hoàn thành, nhiệm vụ chưa hoàn thành, nêu rõ khó khăn, nguyên nhân và đề xuất phương án thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện Đề án; chủ động lồng ghép việc thực hiện với các chương trình, Đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan do đơn vị mình chủ trì thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án; chủ động lồng ghép việc thực hiện với các chương trình, Đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan tại địa phương; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xã hội để triển khai các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Định kỳ trước 15 tháng 12 hằng năm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, kết quả triển khai Đề án trên địa bàn và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Một số nhiệm vụ cụ thể của Tổng cục Thủy sản: Theo “Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2022-2030”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất, xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất thủy sản thân thiện với môi trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đề xuất, sửa đổi, bổ sung các chính sách mới để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp/ cơ sở sản xuất/ hộ gia đình sản xuất theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đánh giá, tiếp cận các công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất thủy sản khu vực và trên thế giới nhằm hoàn thiện và đưa công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất thủy sản (tạo tiền đề cho việc tận dụng, sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm thủy sản) thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Bên cạnh đó, tổ chức diễn đàn khoa học đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng giảm thiểu chất thải từ các hoạt động sản xuất, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Thông tin chi tiết: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác