Gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam (08-05-2018)

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Việt Nam có thể coi việc gỡ "thẻ vàng" vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho giai đoạn mới nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững và có trách nhiệm.
Gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam
Ảnh minh họa

Câu chuyện "thẻ vàng" trên thế giới

Quy định về IUU được EU ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Thông thường, các quốc gia đánh bắt cá IUU sẽ bị phạt "thẻ vàng" cảnh cáo trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp những quốc gia này không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận "thẻ đỏ", đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu thủy sản vào EU.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị EU áp dụng "thẻ vàng". Trước đây, đã từng có nhiều quốc gia trên thế giới phải nhận "thẻ vàng" (thậm chí "thẻ đỏ") do khai thác IUU. Đến nay, đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EU áp dụng biện pháp phạt thẻ; trong đó có 6 quốc gia đã phải nhận "thẻ đỏ".

Trong khu vực ASEAN, Campuchia đã nhận "thẻ đỏ" từ EU từ tháng 3/2014, Philippines nhận "thẻ vàng" vào tháng 6/2014 nhưng đã được xóa chỉ 10 tháng sau đó nhờ vào việc tuân thủ các quy định đánh bắt thủy sản của luật pháp quốc tế. Thái Lan   cũng đã nhận "thẻ vàng" từ EU vào tháng 4/2015.

Kinh nghiệm khắc phục "thẻ vàng"

Việc nhận "thẻ vàng" đã tác động mạnh đến hoạt động thương mại thủy sản của Việt Nam: chi phí kiểm tra tăng, vấn đề lưu kho, tâm lý kinh doanh bị ảnh hưởng… là những biểu hiện dễ nhận thấy trong thời gian qua.

Tuy nhiên, khi nhìn sang các nước châu Á khác, Việt Nam sẽ học hỏi được những bài học kinh nghiệm quý báu:

Là quốc gia từng bị EU rút "thẻ vàng" năm 2014, Philippines đã rất nhanh chóng gỡ được "thẻ vàng" chỉ 10 tháng sau đó nhờ vào những nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị. Cùng thời điểm với Philippines, Hàn Quốc cũng được EU “bật đèn xanh” cho xuất khẩu thủy sản. Lý do EU quyết định gỡ bỏ thẻ cảnh cáo đối với hai quốc gia châu Á này là: Philippines và Hàn Quốc đã có những hành động trách nhiệm trong việc sửa đổi, cải cách hệ thống pháp luật, hướng tới cách tiếp cận chủ động hơn trong cuộc chiến chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Đặc biệt, phía EU thừa nhận Philipines rất có thiện chí hợp tác và đã bắt tay vào thực hiện một loạt cải cách nhằm nâng cấp hệ thống quản lý thủy sản để đến bây giờ hệ thống này đã có thể sánh ngang với luật quốc tế.

Những cải cách mà Philipines đưa ra tập trung vào 3 nội dung chính: Sửa đổi hệ thống khung pháp lý, nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; Cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tập trung vào tăng biên chế cho cơ quan thực thi pháp luật và tăng ngân sách cho thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển; Triển khai chương trình thực thi pháp luật, tập trung vào truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, thông qua Cục Nghề cá và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR), Chính phủ vào thời điểm đó đã đào tạo thêm lực lượng quản lý biển cũng như lắp đặt các thiết bị giám sát và quản lý tàu thuyền. Đặc biệt, BFAR đã lên khung kế hoạch tầm cỡ quốc gia, bao gồm những hành động nhằm chống lại tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và quyết định không cấp giấy phép đánh bắt cá mới trong vòng 3 năm.

Không dừng lại ở việc tìm cách gỡ "thẻ vàng", Philippines còn khẳng định quyết tâm chuyển đổi ngành thủy sản của đất nước theo hướng bền vững hơn.

Cũng giống cách thức tiến hành của Philippines, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã huy động cán bộ về các địa phương để triển khai chiến dịch bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiểu biết và ý thức cho ngư dân, giáo dục nhận thức về hoạt động nghề cá bền vững. Nhờ đó, đã được Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự hài lòng trước những nỗ lực và kết quả tích cực mà Thái Lan đã đạt được trong việc đối phó với vấn đề IUU. Trong đó, đánh giá cao việc Thái Lan áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hải sản và điều chỉnh một số quy định pháp luật nhằm hạn chế việc đánh bắt ngoài lãnh hải.

Việt Nam khẳng định quyết tâm chống đánh bắt bất hợp pháp

Ngày 25/4, tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu diễn ra tại Brussels (Vương quốc Bỉ), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ tổ chức họp báo để cập nhật cho báo chí cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản tại châu Âu biết những công việc thực tiễn và các biện pháp mà Việt Nam triển khai để chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Tại cuộc họp, Việt Nam khẳng định đã đạt kết quả khả quan trên sáu nhóm vấn đề lớn. Trong đó, quan trọng nhất là khung pháp lý với Luật Thủy sản2017 với cách tiếp cận rất mới trong công tác quản lý nghề cá, từ tiếp cận mở sang tiếp cận đóng thông qua hệ thống cấp phép về quản lý hạn ngạch. Cùng với đó, công tác chỉ đạo điều hành từ Chính phủ cho đến các cơ quan địa phương được tăng cường để đảm bảo việc thực thi ngay trong thời gian trước khi Luật có hiệu lực vào ngày 01/01/2019. Về phía VASEP, cũng thường xuyên cập nhật danh sách (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) các doanh nghiệp thủy sản cam kết chống đánh bắt IUU đăng trên website của Hiệp hội, qua đó truyền thông cho cộng đồng các nhà nhập khẩu và đặc biệt là các cơ quan quản lý phía EU biết được sự đồng lòng và quyết tâm của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Lê Ngọc Thúy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác