Một số kinh nghiệm nhận biết thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường qua bao bì, nhãn hàng hóa (02-11-2015)

Đối với nhãn thức ăn thủy sản, theo quy định về ghi nhãn thức ăn thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhãn phải đảm bảo các nội dung sau:
Một số kinh nghiệm nhận biết thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường qua bao bì, nhãn hàng hóa

/Portals/0/phanbietTA.jpg - Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, phải có tên cụ thể của sản phẩm (Ví dụ, Thức ăn hỗn hợp cho tôm…) với các thông tin đầy đủ về biểu tượng và mã số của thức ăn (hình vẽ, quảng cáo nếu có); định lượng (Khối lượng tịnh); Tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ sở và địa điểm sản xuất; Số tiêu chuẩn công bố; Số lô sản xuất (nếu có); Ngày sản xuất; Hạn sử dụng và điều kiện bảo quản.

Về thành phần dinh dưỡng, phải ghi đầy đủ các thông tin về thành phần như Độ ẩm (%) max; Protein thô (%) min; ME (Kcal/kg) min; Xơ thô (%) max; Ca (%) min-max; P tổng số (%) min-max; Lysine tổng số (%) min; Methionine + Cystine tổng số (%) min; Tên và hàm lượng kháng sinh hoặc hóa dược (mg/kg) max (áp dụng đối với thức ăn gia súc, gia cầm) ghi trực tiếp trên bao bì hoặc trên nhãn phụ đính kèm trên bao bì; Những điều cần lưu ý (nếu có); Béo tổng số (%) min-max; Ethoxyquin (ppm) và không có kháng sinh. Ngoài ra, cần phải ghi tên các loại nguyên liệu chính sử dụng để phối chế thức ăn và hướng dẫn sử dụng.

           - Đối với thức ăn bổ sung và thức ăn chăn nuôi khác, phải có tên cụ thể của sản phẩm (Ví dụ, Premix khoáng, vitamin cho một đối tượng nuôi,..) với các thông tin đầy đủ về biểu tượng và mã số của thức ăn (nếu có); định lượng(Khối lượng tịnh); Tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ sở và địa điểm sản xuất; Số tiêu chuẩn công bố; Số lô sản xuất (nếu có); Ngày sản xuất; Hạn sử dụng và điều kiện bảo quản.

Ngoài các thông tin trên, còn phải có thông tin tóm tắt về bản chất và công dụng sản phẩm, các chỉ tiêu chất lượng như chất chính, các chất khác…., không có chất cấm, những điều cần lưu ý (nếu có), Ethoxyquin (ppm), không có kháng sinh. Ngoài ra phải có thông tin về nguyên liệu chính (tên các loại nguyên liệu chính dùng để sản xuất ra sản phẩm) và hướng dẫn sử dụng

Đối với nhãn sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, quy định phải đầy đủ các nội dung như tên thương mại của sản phẩm; Thành phần, hàm lượng hoạt chất; Công dụng; Hướng dẫn sử dụng; Hướng dẫn bảo quản (ghi cụ thể nhiệt độ, độ ẩm); Tên, địa chỉ, số điện thoại cơ sở sản xuất; Tên, địa chỉ, số điện thoại cơ sở đăng ký lưu hành sản phẩm (nếu khác với tên, địa chỉ cơ sở sản xuất); Số lô sản xuất; Ngày, tháng, năm sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, còn phải có thông tin về số đăng ký lưu hành, thông tin cảnh báo về nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường và thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch;

Đối với sản phẩm nhập khẩu, nếu trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc sản phẩm. Nội dung bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Để nhận biết thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường qua thông tin đăng ký lưu hành, công nhận của cơ quan có thẩm quyền, người sử dụng cần chú ý thức ăn và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành, doanh nghiệp đều phải đăng ký lưu hành tại Tổng cục Thủy sản trước khi đưa ra thị trường. Vì vậy, các sản phẩm lưu hành hợp pháp là các sản phẩm đã được Tổng cục Thủy sản công nhận. Để nhận biết các sản phẩm này, người tiêu dùng cần phải đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp Giấy chứng nhận lưu hành hoặc Quyết định công nhận sản phẩm được phép lưu hành.

Hiện tại, Tổng cục Thủy sản đã tổng hợp, cập nhật đăng tải thông tin sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản trên trang web của Tổng cục Thủy sản. Người tiêu dùng có thể truy cập và tra cứu thông tin sản phẩm trên trang web này.  

Nhận biết qua tem chống hàng giả

- Nhận biết qua tem chống hàng giả : Tem chống hàng giả ra đời với mục đích chính là giúp cho các doanh nghiệp sản xuất bảo vệ được thương hiệu của mình và giúp người tiêu dùng có thể tránh khỏi việc mua nhầm hàng nhái hàng giả không mong muốn. Tem chống hàng giả áp dụng các công nghệ khác nhau để bảo mật thông tin sản phẩm (bao gồm cả thông tin về sản phẩm và công nghệ sản xuất tem). Một số công nghệ nhận biết khác nhau để bảo mật thông tinđược áp dụng như:

Công nghệ nước: giúp bảo mật sản phẩm bằng cách hiển thị hoặc ẩn đi những dấu hiệu trên con tem mỗi khi thoa nước lên bề mặt tem. Đặc điểm đặc biệt của tem xác nhận thương hiệu chính hãng đề can vỡ công nghệ chống giả nước là sẽ thay đổi thông tin hiển thị trên tem (khi thoa nước lên bề mặt của tem thì logo hoặc tên của doanh nghiệp sẽ hiện lên) kết hợp với chất liệu đề can vỡ (tự vỡ thành từng mảng khi bóc ra khỏi sản phẩm).

Công nghệ nhiệt:  giúp bảo mật sản phẩm bằng cách ẩn đi hoặc thay đổi màu những dấu hiệu trên con tem khi được hơ lửa và tiếp xúc nhiệt. Đặc điểm đặc biệt của tem xác nhận thương hiệu chính hãng đề can vỡ công nghệ nhiệt là sẽ thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với nhiệt độ cao (khi hơ nóng hình ảnh hoặc logo sẽ biến mất, sau khi nguội lại thì trở lại bình thường như cũ) kết hợp với chất liệu đề can vỡ (tự vỡ ra thành từng mảnh khi bóc tem ra khỏi sản phẩm). 

Công nghệ phát sáng (công nghệ phát quang bằng tia cực tím UV): giúp bảo mật bằng cách hiển thị những dấu hiệu trên con tem mỗi khi dùng đèn chiếu tia UV (tia cực tím) lên con tem. Đây là công nghệ chống giả hay được sử dụng trên các tờ tiền như USD, và đồng tiền Việt Nam…  Đặc điểm đặc biệt của các sản phẩm tem xác nhận thương hiệu chính hãng đề can vỡ công nghệ chống giả phát sáng này là các thông tin chìm trên bề mặt tem sẽ được nhìn thấy khi chiếu sáng bằng đèn soi chuyên dụng (đèn cực tím). Có thể kết hợp bảo vệ đơn, kép. Ví dụ: tem chống giả bằng đề can vỡ kết hợp với chỉ hologram hoặc công nghệ nhiệt hoặc công nghệ nước,… Tem được in trên chất liệu đề can vỡ (tự vỡ thành từng mảng khi bóc ra khỏi sản phẩm) rất khó làm giả và không tái sử dụng được.

Công nghệ barcode: Tem chống giả ứng dụng công nghệ mã số mã vạch là loại tem áp dụng công nghệ mã hoá các thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bằng mã số mã vạch như barcode 2 chiều, 3 chiều … Đây là công nghệ vốn đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng trong việc kiểm soát sự lưu thông hàng hoá và được GS1 Việt Nam (Tổ chức mã số mã vạch quốc gia của Việt Nam, trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) khuyên dùng.

Đặc điểm đặc biệt của tem xác nhận thương hiệu chính hãng đề can vỡ chống giả barcode 2D và phát sáng là sự kết hợp giữa công nghệ barcode và công nghệ phát sáng trên chất liệu đề can vỡ (tự vỡ thành từng mảng khi bóc ra khỏi sản phẩm) rất khó làm giả và không tái sử dụng được, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ dàng nhận diện hàng thật, hàng giả bằng máy đọc mã số mã vạch. Loại tem chống giả này rất phù hợp cho các sản phẩm bán ở các siêu thị, trung tâm thương mại. 

Công nghệ điện tử (SMS): được xem là công nghệ kỹ thuật số được mã hóa có độ bảo mật thuộc loại cao nhất hiện nay, với tính năng là xác thực nguồn gốc của sản phẩm, phân biệt hàng chính hãng nhanh chóng bằng tin nhắn SMS. Đặc điểm đặc biệt của tem xác nhận thương hiệu chính hãng đề can vỡ công nghệ chống giả điện tử với hệ thống cào với các mã số bên trong. Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm qua thao tác đơn giản là gửi tin nhắn đến tổng đài 8077, hoặc truy cập vào website của Vina CHG www.vinachg.vn để nhập mã số kiểm tra sản phẩm thật giả. Đây được xem là một sản phẩm chống giả với công nghệ kỹ thuật số hiện đại, kết hợp giữa nhiều yếu tố bảo mật cho sản phẩm và tạo sự thuận tiện trong việc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm chỉ với hệ thống tin nhắn qua điện thoại hoặc qua internet. Đặc biệt loại tem chống giả này không thể tái sử dụng và làm giả được.

Nhận biết hàng giả qua mã số mã vạch

Để thuận lợi và nâng cao năng suất và hiệu quả trong bán hàng và quản lý kho, người ta in trên hàng hoá một loại mã hiệu đặc biệt gọi là mã số mã vạch của hàng hoá. Mã số mã vạch của hàng hoá bao gồm hai phần: mã số của hàng hoá và mã vạch là phần thể hiện mã số bằng vạch để cho máy đọc. Mã số của hàng hoá là một dãy con số dùng để phân định hàng hoá, áp dụng trong quá trình luân chuyển hàng hoá từ người sản xuất, qua bán buôn, lưu kho, phân phối, bán lẻ tới người tiêu dùng. Mã số của hàng hóa giúp ta phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hoá khác nhau.

Mã số của hàng hoá có các tính chất là con số duy nhất đặc trưng cho hàng hoá. Mỗi loại hàng hoá được nhận diện bởi một dãy số và mỗi dãy số chỉ tương ứng với một loại hàng hoá.  Bản thân mã số chỉ là một dãy số đại diện cho hàng hoá, không liên quan đến đặc điểm của hàng hoá. Nó không phải là số phân loại hay chất lượng của hàng hoá, trên mã số cũng không có giá cả của hàng hoá.

Ở nước ta, việc đăng ký và cấp Mã số mã vạch cho các doanh nghiệp để gắn trên các sản phẩm đều do cơ quan Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) quản lý, phân phối cho các tổ chức hợp pháp khác thực hiện hoặc cấp trực tiếp cho doanh nghiệp. Trong hệ thống mã số EAN cho sản phẩm bán lẻ có hai loại, một loại sử dụng 13 con số (EAN-13) và loại kia sử dụng 8 con số (EAN-8).

Mã số EAN-13 là 1 dãy số gồm 13 chữ số nguyên (từ số 0 đến số 9), trong dãy số chia làm 4 nhóm. Nhóm 1từ trái sang phải, hai hoặc ba chữ số đầu là mã số về quốc gia (vùng lãnh thổ). Nhóm 2 gồm bốn, năm hoặc sáu chữ số là mã số về doanh nghiệp. Nhóm 3 gồm năm, bốn hoặc ba chữ số là mã số về hàng hóa. Nhóm 4 là số cuối cùng (bên phải) là số kiểm tra’

Để đảm bảo tính thống nhất của mã số, mỗi quốc gia phải do tổ chức mã số vật phẩm quốc tế (EAN International) cấp cho các quốc gia thành viên của tổ chức này. Ví dụ, Mã quốc gia của Việt Nam là 893, của Mỹ  từ 000 – 019&030 – 039&060 - 139, của Pháp từ 300 – 379, của Đức từ 400 – 440, của Nhật  từ 450 - 459 & 490 – 499, Trung Quốc từ 690 – 695, Hàn Quốc là 880, Thái Lan là 885, …

- Mã doanh nghiệp (mã M) do tổ chức mã số mã vạch vật phẩm quốc gia cấp cho các nhà sản xuất là thành viên của họ. Ở nước ta. mã doanh nghiệp do EAN-VN cấp cho các doanh nghiệp thành viên của mình. Mã mặt hàng (mã I) do nhà sản xuất qui định cho hàng hoá của mình. Nhà sản xuất phải đảm bảo mỗi mặt hàng chỉ có một mã số, không được có bất kỳ sự nhầm lẫn nào.

- Số kiểm tra (C) là một con số được tính dựa vào 12 con số trước đó, dùng để kiểm tra việc ghi đúng những con số nói trên. Số kiểm tra là số thứ 13 của EAN-13. Nó không phải là một số tùy ý mà phụ thuộc vào 12 số đứng trước đó và được tính theo quy tắc 4 bước.

Bước 1, lấy tổng tất cả các số ở vị trí lẻ (1, 3, 5, 7, 9, 11) được một số A. Bước 2, lấy tổng tất cả các số ở vị trí chẵn (2, 4, 6, 8, 10, 12). Tổng này nhân với 3 được một số (B). Bước 3, lấy tổng của A và B được số A+B. Bước 4, lấy phần dư trong phép chia của A+B cho 10, gọi là số x. Nếu số dư này bằng 0 thì số kiểm tra bằng 0, nếu nó khác 0 thì số kiểm tra là phần bù (10-x) của số dư đó.

Số kiểm tra được thêm vào cuối chuỗi số có 12 chữ số ban đầu tạo ra chuỗi số EAN-13 có 13 chữ số. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất mã vạch, số này đã được thêm vào cuối chuỗi, nhưng các phần mềm in ấn mã vạch nên có phần kiểm tra lại số này trước khi in, nhằm tránh các sai lầm do sai sót dữ liệu.

Nhận biết hàng giả qua QR code

Mã QR là một mã ma trận (hay mã vạch hai chiều) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ "QR" xuất phát từ "Quick Response", trong tiếng Anh có nghĩa là đáp ứng nhanh, vì người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Các mã QR được sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản, và hiện là loại mã hai chiều thông dụng nhất ở Nhật Bản. Mặc dù lúc đầu mã QR được dùng để theo dõi các bộ phận trong sản xuất xe hơi, hiện nay nó được dùng ở nhiều ngành khác nhau. Điều này đưa đến các ứng dụng mới và đa dạng hướng về người tiêu dùng, nhằm làm nhẹ nhàng việc nhập dữ liệu vào điện thoại di động, vốn không hấp dẫn mấy.

Tùy thuộc thiết bị đọc mã QR mà người sử dụng dùng khi quét, nó sẽ dẫn tới một trang web, gọi đến một số điện thoại, xem một tin nhắn…. Người dùng với một điện thọai chụp ảnh đi kèm là một phân mềm đọc mã QR sẽ có thể quét qua hình ảnh và trình duyệt web trên máy sẽ vào ngay đường liên kết vừa tìm được. QR code sẽ là mã vạch thế hệ mới và đi cùng với sự thông dụng của các thiết bị di động.

Với người tiêu dùng, muốn kiểm tra tính đúng đắn của sản phẩm, với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm quét mã vạch trên tay cùng một kết nối Internet (wifi, 3G…) tại vị trí đang đứng, người tiêu dùng có thể quét mã QR trên sản phẩm để giải mã ra một đường liên kết web. Nhấn vào đường liên kết web, trình duyệt trên điện thoại sẽ khởi động dẫn người dùng đến trang web xác thực sản phẩm của nhà sản xuất để người dùng có thể kiểm tra xác thực sản phẩm, xem sản phẩm này có tồn tại hay không. Đồng thời, có thể xem thông tin chi tiết của sản phẩm, được cảnh báo nguy cơ nếu hệ thống phán đoán sản phẩm này là giả và có thông tin đánh giá, bình luận về sản phẩm.

Để nhận biết một số sản phẩm đang sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, cần chú ý một số nhóm sản phẩm

Nhóm khoáng chất (vôi)

            - Loại thứ nhất là vôi đá, vôi xay, hay còn gọi là vôi nông nghiệp, là vôi được xay nhuyễn từ đá vôi, lấy ở các núi đá vôi, thành phần chính là CaCO3 (Canxi cacbonate). Vôi này khi tiếp xúc với nước có đặc điểm là không sinh nhiệt, không ăn mòn da tay, có pH khoảng 8.5 - 10.

           - Loại thứ hai là vôi nung, hay còn gọi là vôi sống, được tạo thành khi nung đá vôi ở nhiệt độ cao, để nguội. Công thức chính của vôi này là CaO, có màu trắng sáng. Độ pH cao tới hơn 12, khi vôi này tiếp xúc với nước sinh ra phản ứng tạo nhiệt, ăn mòn da tay nếu người nuôi tiếp xúc trực tiếp.

          - Loại thứ ba là vôi tôi, được tạo thành khi tưới nước vào vôi nung để hoai thành bột, công thức chính là Ca(OH)2, vôi này có pH lên đến 12.

          - Loại thứ tư là vôi Dolomite hay còn gọi là vôi đen, Dolomite xay. Vôi được tạo thành từ việc xay nhuyễn đá Dolomite, công thức hóa học là CaMg(CO3)2, khi sử dụng giúp tăng độ kềm, tăng khoáng chất là thức ăn cần thiết của các loài tảo. Vôi này có pH trung bình 9 - 10, không tạo phản ứng sinh nhiệt khi tiếp xúc với nước, không ăn mòn da tay khi tiếp xúc trực tiếp.

          - Loại thứ năm là vôi Dolomite nung, sản xuất bằng cách nung đá Dolomite ở nhiệt độ 850 – 1.000 độ C, để nguội, xay nhuyễn. Công thức hóa học CaMgO2, pH cao tới 12, tan nhanh trong nước, ăn mòn da tay,có phản ứng sinh nhịêt khi tiếp xúc với nước.

         - Loại thứ sáu là vôi dòng Zeolite, Neolite, Diatomite là những dòng vôi có nguồn gốc từ Silic thành phần chính là SiO2. Các dòng vôi này chủ yếu được dùng khi môi trường nuôi có hiện tượng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nền đáy.

            Trên cơ sở nguồn gốc, tính chất của các loại vôi, ngoài tên thương mại, người dân khi mua và sử dụng cần tìm hiểu kỹ thành phần của vôi đối chiếu với các tính chất tương ứng để lựa chọn sản phẩm phù hợp, có chất lượng.

- Nhóm hóa chất

Chlorine dùng trong nuôi trồng thủy sản thường sử dụng ở hai dạng là Ca(OCl)2 (Canxi hypochlorite) và NaOCl (Natri hypochloride).

           + Canxi hypochlorite (Ca(OCl)2) được bán trên thị trường ở dạng bột màu trắng ngà và có mùi clo mạnh. Sản phẩm thương mại có nồng độ Canxi hypochlorite 70%. Một số bán ở dạng nước có nồng độ thấp hơn.

           + Natri hypochloride (NaOCl) hay còn gọi là nước Javen, được bán trên thị trường ở dạng lỏng với nồng độ Natri hypochloride 10%.  

           Chlorine có thể bán dưới dạng nước hay dạng bột. Ở dạng bột, nồng độ thường ổn định hơn dạng nước (ở dạng  nước rất khó xác định nồng độ thực trong chế phẩm bằng cảm quan như màu sắc hay mùi, sản phẩm tự phân hủy dần, giải phóng Chlorine bay vào không khí nên tác dụng giảm theo thời gian lưu trữ). Để có chất lượng ổn định nên mua loại tinh khiết của các hãng uy tín.  

           Chất lượng của sản phẩm Chlorine được đánh giá ở hàm lượng Chlorine hoạt động. Hàm lượng Chlorine hoạt động của nước Javen là 4 - 5 %, của CaOCl2 là 35 - 38%, Chloramin B là 28 %, NaDCC là 55 - 60 %.

 

                                                                                                                                    Công Khôi

Ý kiến bạn đọc

Tin khác