Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển ngành chế biến thủy sản (16-05-2022)

Để triển khai các nhiệm vụ một cách nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả, nhằm đạt được các mục tiêu của “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án; trong đó nêu rõ tên các dự án/ nhiệm vụ; chỉ định đơn vị chủ trì, thời gian thực hiện…
Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển ngành chế biến thủy sản
Ảnh minh họa

Kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản

Trong giai đoạn 2022-2030, Tổng cục Thủy sản có nhiệm vụ tổ chức kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác thủy sản. Cũng trong khoảng thời gian này, Cục Thú y có nhiệm vụ đẩy mạnh kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu phù hợp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đảm bảo 100% nguyên liệu đưa vào chế biến thủy sản có nguồn gốc hợp pháp.

Thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản

2022-2030: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản ưu tiên đầu tư hệ thống kho lạnh đạt chuẩn phục vụ bảo quản nguyên liệu và thành phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố xây dựng, hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản quy mô lớn; quy hoạch, hình thành, xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản theo các yếu tố được chỉ ra tại Đề án.

Đẩy mạnh chế biến sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao

2022-2025: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản xây dựng chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước từ: tôm, cá tra, cá ngừ, rong tảo biển. Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường khuyến khích nghiên cứu, tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hoá dược…; nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm như: nguyên liệu làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, phân bón.

Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản

2022-2030: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản (bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa).

Tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến

2022-2030: Tổng cục Thủy sản tổ chức lại chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị (liên kết dọc) từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, thực hiện 03 dự án đầu tư sau: (1) Dự án đầu tư phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ hoạt động nuôi trồng thủy sản (cá nước ngọt, tôm, nhuyễn thể, cá nước lạnh, rong biển); (2) Dự án đầu tư phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ hoạt động nuôi trồng thủy sản sinh thái/ hữu cơ (đối với tôm nước lợ); (3) Dự án đầu tư phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ một số đối tượng khai thác chủ lực (cá ngừ, cá thu).

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản còn được giao nhiệm vụ tổ chức hiệu quả liên kết ngang giữa các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản/ khai thác thuỷ sản.

Phát triển khoa học công nghệ

2022-2030: Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ); Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm quốc gia.

Về nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Tổng cục Thủy sản được giao thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau: (i) Giai đoạn 2022-2028, nghiên cứu và lập dự án sản xuất thử nghiệm trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; Nghiên cứu và lập dự án sản xuất thử nghiệm để nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, sản phẩm truyền thống có giá trị gia tăng cao; nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ sản xuất phụ gia cho chế biến thủy sản, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thủy sản. (ii) Giai đoạn 2022-2030, tổ chức các diễn đàn chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cấp quốc gia.

2022-2030: Tổng cục Thủy sản xây dựng các mô hình xử lý và bảo quản thủy sản sau thu hoạch cho các chủ tàu, ngư dân trực tiếp khai thác trên biển, chủ cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản.

2022-2030: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện việc: (i) Nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ số, tăng cường liên kết doanh nghiệp chế biến với các viện nghiên cứu, trường đại học. (ii) Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất , kinh doanh, quản lý, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; (iii) Thúc đẩy thực hiện việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm thuỷ sản chế biến truyền thống và đặc sản của địa phương.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản

2022-2025: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản hoàn thiện chính sách nhập khẩu nguyên liệu và thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với quy định quốc tế.

2022-2030: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch tháo gỡ hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản Việt Nam.

2022-2025: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính mới, có tính đặc thù; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thuỷ sản.

2022-2025: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách khuyến khích các hộ chế biến thủy sản quy mô nhỏ liên kết theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

2022-2030: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai và tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về liên kết sản xuất, hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Rà soát, bổ sung các chính sách, quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển ngành chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả, an toàn và bền vững

2022-2025: Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến chế biến thủy sản.

2022-2026: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản rà soát, xây dựng các chính sách mang tính đặc thù của ngành chế biến thủy sản như giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao tỷ lệ thủy sản qua chế biến, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

2022-2028: Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường rà soát, xây dựng các chính sách quản lý môi trường.

2022-2030: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện việc: (i) Hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hình thành các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản, đầu tư hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo.

2022-2030: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố được giao thực hiện nhiệm vụ (i) Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến. (ii) Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản. (iii) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành chế biến thủy sản. (iv) Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững ngành chế biến thủy sản.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác