Cần quyết liệt ngăn chặn hành vi bơm tạp chất vào tôm (25-04-2017)

Thời gian vừa qua, hình ảnh con tôm Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhỏ do sự gian dối của một số thương lái thu mua tôm của Việt Nam và nước ngoài. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan quyết liệt xử lý và ngăn chặn, không để tái diễn các hành vi gian lận thương mại, trong đó có hành vi bơm tạp chất vào tôm để bảo vệ uy tín và hình ảnh con tôm Việt Nam.
Cần quyết liệt ngăn chặn hành vi bơm tạp chất vào tôm
Ảnh minh họa

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực diễn ra hoạt động bơm tạp chất vào tôm nhiều nhất trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Tại Bạc Liêu, tính riêng đợt ra quân cao điểm vào cuối năm 2016, 9 cơ sở bơm tạp chất vào tôm đã bị phát hiện. Tại Cà Mau, riêng năm 2016, sở Nông nghiệp đã tiến hành 64 đợt kiểm tra và phát hiện 57 vụ sai phạm, với số lượng gần 12 tấn tôm tạp chất. Ngoài ra, các đoàn công tác liên ngành của tỉnh Cà Mau còn phát hiện và xử lý thêm 36 vụ sai phạm, với số lượng tôm trên 9 tấn. Cũng vào giai đoạn cuối năm 2016, Cục An ninh Kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp (thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an) đã phối hợp với một số đơn vị liên quan và cơ quan chức năng Cà Mau, Bạc Liêu tiến hành đợt kiểm tra tình trạng bơm tạp chất trên địa bàn 2 tỉnh này, phát hiện 3 cơ sở, 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sai phạm trong hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Đặc biệt, hành vi bơm tạp chất chỉ do thương lái và các cơ sở thu mua tôm trung gian thực hiện chứ không phải xuất phát từ người nuôi tôm. Ban đầu, chỉ một vài thương lái nước ngoài thu mua tôm của nông dân thông qua thương lái Việt Nam yêu cầu bơm tạp chất vào tôm để kiếm lợi bất chính. Từ 1kg tôm, sau khi bơm tạp chất, thương lái có 1,2kg tôm. Thấy cái lợi trước mắt, nhiều công ty Việt Nam cũng buộc các thương lái người Việt Nam phải bơm tạp chất vào tôm thì họ mới mua, từ đó dần hình thành trào lưu xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm của nước ta. Điều đáng lo ngại là tạp chất đã xuất hiện ở cả những lô hàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, những thị trường mà Việt Nam phải rất vất vả mới tiếp cận được. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chắc chắn tương lai xuất khẩu của con tôm Việt Nam sẽ gặp rất nhiều gian nan.

Người dân rất bất bình khi con tôm mình nuôi ra là tôm sạch, qua tay trung gian, thương lái bị biến thành tôm bẩn, làm ảnh hưởng tới chính chất lượng, giá tôm và cả sinh kế của người dân trong tương lai. Suy rộng hơn, cả ngành xuất khẩu thủy sản lẫn nền kinh tế của Việt Nam cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, nhìn vào những bài học đắt giá mà nông sản Việt Nam gặp phải trong thời gian qua, có thể thấy nếu không sang suốt tự bảo vệ chính mình, con tôm Việt Nam sớm muộn cũng sẽ rơi vào bàn tay thao túng của các thương lái nước ngoài, giống như nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam.

Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu kiên quyết xử lý hành vi bơm tạp chất vào tôm  để trục lợi bất chính, đồng thời nêu rõ Chính phủ và toàn thể xã hội tuyên chiến với những hành vi gian lận này. Cùng với việc nêu cao tinh thần đoàn kết của người nuôi tôm, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm để xây dựng ngành tôm Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghiêm túc xử lý các vi phạm, trả lại cho thị trường tôm một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, phải có cơ chế quản lý để giúp người nông dân tận dụng, khai thác tốt những ưu thế từ các thị trường xuất khẩu, như tổ chức thu mua trực tiếp từ người nông dân, không thông qua thương lái, xuất khẩu theo con đường chính ngạch.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác