Định hướng Nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) và Phát triển bền vững (03-06-2014)

Tháng 5/2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành hai Quyết định (Quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB ngày 13/5/2014, phê duyệt Đề án Nâng cao GTGT hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; Quyết định số 1167/QĐ-BNN-TCTS ngày 28/5/2014, ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững") nhằm định hướng cho ngành Thủy sản tập trung nâng cao GTGT các mặt hàng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Định hướng Nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) và Phát triển bền vững

         Theo đó, ngành Thủy sản sẽ áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại, giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành hàng thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch nhanh cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm GTGT cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), hạ giá thành sản phẩm để đến năm 2020, GTGT ngành hàng thủy sản tăng 20% so với hiện nay, tổn thất sau thu hoạch giảm 50% so với hiện nay. Để đạt được các mục tiêu nâng cao GTGT nêu trên, yêu cầu ngành Thủy sản phải thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp liên quan đến vấn đề Tổ chức sản xuất, Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm, vấn đề Thị trường, Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Khoa học công nghệ, Cơ chế, chính sách...

Về tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ. Ưu tiên phổ biến các công nghệ phù hợp, tạo ra các sản phẩm có GTGT cao cho các doanh nghiệp chế biến. Chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Đa dạng hóa sản phẩm thủy sản chế biến, tập trung sản xuất các sản phẩm có GTGT phù hợp với thị hiếu từng thị trường. Nâng tỷ trọng sản phẩm GTGT lên 60­-70% so với tổng sản lượng thủy sản chế biến. Tập trung chế biến các sản phẩm thủy sản GTGT cao như: tôm (PTO, sushi, nobashi, tempura, butterfly PTO); cá ngừ (sashimi, đóng hộp, xông khói); cá tra (file bao gói nhỏ, bao bột, chả viên, khô tẩm gia vị); cá biển (surimi, khô tẩm gia vị ăn liền, đồ hộp); nhuyễn thể (sushi, sashimi, bánh nhân bạch tuộc, thực phẩm chức năng từ hàu). Đặc biệt là, từ nay đến 2020, hạn chế đầu tư mới các cơ sở chế biến thủy sản sản xuất ra sản phẩm sơ chế vì đã dư thừa 40% công suất, chỉ khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến ra các sản phẩm GTGT.

Về giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản từ 20% hiện nay xuống 10%, thông qua tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và tại cảng cá. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản, thay đổi phương pháp đánh bắt và ngư lưới cụ để đảm bảo chất lượng sản phẩm khai thác được. Ưu tiên đầu tư trang thiết bị và hệ thống hầm lạnh bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ. Tổ chức hệ thống thu gom hải sản trên biển để kịp thời đưa sản phẩm vào bờ.

Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể là: Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm tạo sản phẩm có GTGT cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Sử dụng phế phụ phẩm trong các loại hình chế biến, đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các chế phẩm có GTGT sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm như: colagen; chitin, chitosan, glucosamin, canxi hoạt tính, bột cá, dầu cá, bột đạm thủy phân, các chất có hoạt tính sinh học cao.

Về thị trường, tiếp tục cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua chất lượng và ATTP (kiểm soát ATTP đến hệ thống bán lẻ, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến không đảm bảo các điều kiện Quy chuẩn kỹ thuật về ATTP và xử lý môi trường). Đồng thời, cải tiến bao bì, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường; Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực (đặc biệt là các nhóm sản phẩm mới, có tiềm năng GTGT). Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, gắn với chỉ dẫn địa lý (phấn đấu đến năm 2020, 40-50% doanh nghiệp Việt Nam phát triển thành công thương hiệu lớn tại thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản). Bên cạnh đó, tổ chức tốt hoạt động quảng bá thủy sản GTGT sang các thị trường khó tính. Phát triển các thị trường tiềm năng, trong đó quan tâm đặc biệt đến thị trường Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2020.

Về khoa học - công nghệ, ngành sẽ tập trung xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu trên cơ sở đặt hàng của Bộ và các cơ quan liên quan, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thiết bị chế biến sâu đối với các sản phẩm chủ lực, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, tận dụng phế phụ phẩm; đa dạng hóa sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao GTGT sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đề xuất cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua công nghệ sản xuất các sản phẩm có GTGT cao, áp dụng công nghệ sản xuất sạch và sạch hơn, bảo vệ môi trường.

                                                                                                                                         Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác