Định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (20-03-2014)

Trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Thủy sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28/3-2/4/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức "Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản" vào ngày 30/3/2014 tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) nhằm nêu định hướng phát triển ngành thủy sản đến năm 2020.
Định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020

        Theo mục tiêu chiến lược, đến năm 2020 ngành thủy sản sẽ phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất - khai thác tài nguyên tái tạo, lợi thế của nghề cá nhiệt đới, chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại, tạo sự phát triển đồng bộ, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, phát triển thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội; Chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển.

        Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ được nghe bài trình bày đánh giá kết quả ba năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành; cùng nhìn nhận, đánh giá những mặt được và chưa được; Từ đó đề xuất những phương án, giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn. 

Cũng tại Hội nghị lần này, nội dung xây dựng 06 Trung tâm nghề cá lớn gắn kết với các ngư trường trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, với khu công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sẽ được thảo luận: 1-Trung tâm nghề cá Hải Phòng, gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; 2-Trung tâm nghề cá Đà Nẵng, gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; 3-Trung tâm nghề cá Khánh Hòa, gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; 4-Trung tâm nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu, gắn với ngư trường Đông Nam bộ; 5-Trung tâm nghề cá Kiên Giang, gắn với ngư trường Tây Nam bộ; 6-Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ, gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại các Trung tâm nghề cá lớn, sẽ bố trí các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu khai thác xa bờ; Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở sản xuất nước đá, hệ thống kho lạnh, chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở sản xuất ngư cụ, thiết bị nghề cá phục vụ hoạt động nghề cá xa bờ; Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư, tạo sức hút, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiệu quả và bền vững. 

        Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 sẽ được đưa ra thảo luận. Trong đó tập trung vào định hướng các hành động cụ thể cho các lĩnh vực ngành: Khai thác và BVNLTS, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến - thương mại thủy sản, Dịch vụ hậu cần…

Thông tin chi tiết về Hội nghị: xem trên website của Tổng cục Thủy sản http://tongcucthuysan.gov.vn hoặc http://fistenet.gov.vn

                                                                                                                                                Ngọc Thúy - FICen

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác