Thế và lực mới của ĐBSCL  (06-02-2013)

Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL năm 2012 có nhiều bước phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tổ chức huy động tốt các nguồn lực đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện; từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, thể hiện vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước…
Thế và lực mới của ĐBSCL

Đó là thế và lực mới của ĐBSCL trong năm mới. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, thời gian qua, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đã có bước phát triển khá toàn diện. Đó là kết quả của những nỗ lực rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống, sự tập trung chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương.

Hạ tầng giao thông có bước phát triển, gắn kết giao thông liên vùng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến nay đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A từ Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến tránh TP Bạc Liêu, dự án thành phần 2 đường 2 cầu Cổ Chiên; tổng vốn đã bố trí là 1.817 tỷ đồng. Triển khai đầu tư 34 dự án và tiểu dự án thuộc vốn trái phiếu Chính phủ với tổng vốn đã bố trí là 18.151 tỷ đồng.

Đối ứng vốn cho các dự án ODA (dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn Rạch Giá - Cà Mau, các hạng mục bổ sung của dự án cầu Cần Thơ…) với số tiền 2.341 tỷ đồng. Ngoài ra, đã khởi công xây dựng cầu Năm Căn và dự kiến hoàn thành trong năm 2014; đồng thời, hệ thống thủy lợi, cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập sâu và xây dựng phát triển đô thị được quan tâm đầu tư.

Trong lĩnh vực NN-PTNT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: Đối với 3 mặt hàng chủ lực quốc gia của vùng hiện nay là lúa gạo, tôm và cá tra, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo thu mua tạm trữ lúa gạo, chuẩn bị thành lập quỹ bình ổn lúa gạo; tăng mức vay vốn và kéo dài thời gian vay phù hợp đối với từng loại sản phẩm; chuẩn bị thành lập hội đồng cá tra quốc gia. Bộ NN-PTNT tiếp tục ưu tiên chính sách đầu tư vào nông nghiệp; tiếp tục hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, HTX; xây dựng mô hình hợp tác công tư, xây dựng cơ chế bình ổn lúa gạo cho những năm tiếp theo, tiếp tục hoàn thiện đề án liên kết vùng.

Theo Bộ GD-ĐT, mạng lưới trường lớp có bước tăng trưởng nhanh. Toàn vùng có 1.765 trường mầm non, 3.202 trường tiểu học, 1.466 trường THCS, 447 trường THPT, 125 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1.579 trung tâm học tập cộng đồng (chiếm 97,1% xã, phường) và có 1.004 trường học đạt chuẩn quốc gia.

ĐBSCL cũng đã hình thành và phát triển nhanh về mạng lưới các cơ sở đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp đến đại học, hiện có 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (trong đó có 35 trường TCCN), 13 trường đại học, 26 trường cao đẳng. Mạng lưới trường đại học, cao đẳng phân bố khá đồng đều ở các địa phương, đáp ứng quy mô, nhu cầu nhân lực tại chỗ cho vùng.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng trên thực tế, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Nông nghiệp có lợi thế nhưng công tác quy hoạch cụ thể chuyên ngành như sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái… thực hiện chậm; chưa khai thác tốt tiềm năng và chưa đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của vùng, chưa tạo được nhiều thương hiệu mạnh.

Với những kết quả đạt được cũng như tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, mục tiêu từ nay đến năm 2020 là xây dựng vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng cả nước. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh, vấn đề liên kết toàn vùng, trong đó nổi lên liên kết quy hoạch toàn vùng để phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực; liên kết đầu tư và liên kết phân bổ vốn đầu tư là yêu cầu cấp thiết, phải triển khai ngay.

Sắp tới, ĐBSCL cần triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách riêng cho vùng ĐBSCL, ưu tiên các chính sách đặc thù thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và nguồn nhân lực. Các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL chủ động xây dựng trình Thủ tướng ban hành “Cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện liên kết vùng” để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2020.

 Trong triển khai nhiệm vụ năm 2013, Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo và các địa phương cần bám sát các giải pháp, cơ chế chính sách của Chính phủ, từ đó kịp thời kiến nghị với Chính phủ để điều chỉnh những nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

SGGP

Ý kiến bạn đọc

Tin khác