Đồng Tháp: Quy hoạch sắp xếp vùng nuôi cá lồng, bè  (15-01-2013)

Trong năm 2012, toàn tỉnh Đồng Tháp có 2.364 lồng, bè nuôi cá trên các tuyến sông của tỉnh, sản lượng khoảng 15.000 tấn/năm gồm các loại cá điêu hồng, cá he, cá hú, cá tra, ba sa, cá lóc, cá bông... tập trung nhiều nhất ở các huyện: Hồng Ngự, Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh...
Đồng Tháp: Quy hoạch sắp xếp vùng nuôi cá lồng, bè

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc nuôi cá lồng, bè trên sông mang tính tự phát gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa, dễ phát sinh dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường nước.

Để sắp xếp, bố trí lại các vùng nuôi cá lồng, bè tập trung ở các tuyến sông trên địa bàn tỉnh vào các vùng quy hoạch, nhằm đảm bảo an toàn về giao thông đường thủy nội địa; giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường; hạn chế dịch bệnh; tăng cao hiệu quả nghề nuôi, UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án quy hoạch sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng, bè tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.

Các vùng quy hoạch nuôi cá lồng, bè phải bảo đảm các tiêu chí như: không gây ảnh hưởng đến luồng giao thông đường thủy, bến thủy nội địa, đò ngang và cách xa các cửa sông chính tối thiểu 200m; không bố trí bè trên các tuyến sông biên giới do liên quan đến an ninh quốc phòng; cách xa các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, khu vực chợ, các bến thủy nội địa, khu vực bờ kè, các vực sâu và các tuyến sông có khu vực bờ bị bồi lắng hoặc hoặc bị sạt lở mạnh.

Không quy hoạch vùng nuôi ở nơi lấy nguồn nước mặt để cấp cho sinh hoạt dân cư, hoặc những vùng ven sông đã quy hoạch nuôi cá tra xuất khẩu để tránh việc nhiễm chéo gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm giữa các nhóm thủy sản. Quy hoạch nơi có dòng nước sạch và đảm bảo dòng chảy tốt, có khả năng tự làm sạch cao nhằm hạn chế dịch bệnh.

Theo dự án, có 23 vùng nuôi cá lồng, bè được quy hoạch trên các tuyến sông của tỉnh với tổng chiều dài các vùng hơn 75km. Chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2013 - 2015 bố trí 3.055 lồng, bè nuôi cá. Giai đoạn 2016 - 2020 bố trí 3.600 lồng, bè.

Để thực hiện dự án đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng đề ra các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; thường xuyên quan trắc môi trường nước, thu thập đầy đủ thông tin về chất lượng nước, kịp thời có các khuyến cáo giúp người nuôi thực hiện tốt việc sản xuất và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các vùng quy hoạch phải được sự quản lý của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Các lồng, bè có thể tích từ 20m3 trở lên phải sắp xếp bố trí vào vùng quy hoạch. Các lồng, bè nhỏ hơn 20m3 nuôi theo mùa vụ không bắt buộc phải di dời vào vùng quy hoạch. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người nuôi di dời lồng, bè vào vùng quy hoạch, đồng thời từng bước giải tỏa lồng, bè ngoài vùng quy hoạch.

Người nuôi phải được cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đăng ký. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương truyên truyền, vận động các hộ nuôi chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Để thực hiện dự án, vốn ngân sách đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm điện, hệ thống biển báo xác định vùng quy hoạch, biển báo chướng ngại vật và kinh phí hỗ trợ di dời lồng, bè vào vùng quy hoạch hơn 13 tỷ đồng.

Theo Báo Đồng Tháp 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác