Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định Hợp Nghề cáViệt- Trung (22-04-2015)

Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất quá trình đàm phán kéo dài 27 năm từ năm 1974 và ký kết được Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ), cũng như Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc (Hiệp định Hợp tác Nghề cá).
Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định Hợp Nghề cáViệt- Trung

Đây là những hiệp định quan trọng, có ý nghĩa lịch sử cũng như hoạt động nghề cá của hai nước. Nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Hiệp định, Trung tâm Thông tin thủy sản (FICen) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản về vấn đề này.

FICen : Xin ông cho biết vài nét về nội dung Hiệp định Việt Trung?

Ông Nguyễn Ngọc Oai : Hợp tác nghề cá là một trong những nội dung dược đề cập đến trong quá trình đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ vì có liên quan đến chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế hai nước trong Vịnh.Khác với Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác Nghề cá có thời hạn hiệu lực cụ thể (12 năm và 03 năm mặc nhiên gia hạn), giá trị pháp lý ở cấp Chính phủ phê duyệt.

Theo Hiệp định Hợp tác Nghề cá, hai Bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía. Thời hạn của Vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn) và việc đánh cá chung được thực hiện theo các nguyên tắc: 1/Mỗi bên có quyền kiểm tra, kiểm soát khu vực đánh cá chung thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình; 2/Số tàu thuyền của mỗi bên được phép vào khu vực đánh cá chung của phía bên kia là tương đương nhau; 3/Sản lượng đánh bắt căn cứ vào sản lượng đánh bắt được xác định thông qua điều tra liên hợp định kỳ; 4/Mỗi bên có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ ba trong khu vực vùng đánh cá chung thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Ngoài vùng đánh cá chung, hai Bên còn thỏa thuận về một vùng dàn xếp quá độ với thời hạn 04 năm ở phía Bắc vĩ tuyến 20o cho tàu thuyền của hai Bên tiếp tục được đánh cá. Sau thời hạn quá độ, tàu thuyền của hai Bên phải rút về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, trừ khi được phía bên kia cho phép.

Để triển khai thuận lợi Hiệp định Hợp tác Nghề cá, Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục đàm phán về Nghị định thư bổ sung Hiệp định Hợp tác Nghề cá và Quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Ngày 29/4/2004, Việt Nam và Trung Quốc đã ký chính thức Nghị định thư bổ sung Hiệp định Hợp tác Nghề cá và Quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, tạo điều kiện cho hai Bên tiến hành các thủ tục cần thiết để Hiệp định Phân định và Hiệp định Hợp tác Nghề cá có hiệu lực.

Ngày 30/6/2004, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp định và hai Hiệp định đã ký có hiệu lực chính thức từ ngày 30/6/2004.

FICen : Ý nghĩa của việc triển khai Hiệp định này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Oai : Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá đã xác định rõ phạm vi và tạo ra được một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững vịnh Bắc Bộ, duy trì sự ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước.

Cùng với việc giải quyết các tranh chấp trên biển khác với các nước láng giềng có liên quan, việc ký kết hai hiệp định này là bước tiến mới trong việc xây dựng môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác xung quanh nước ta, tạo điều kiện cho chúng ta tập trung sức lực xây dựng và phát triển đất nước, góp phần tích cực vào việc củng cố hoà bình và ổn định trong khu vực.

FICen : Sau 10 năm triển khai, Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt- Trung đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Oai : Ngay từ thời gian đầu khi Hiệp định có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo trực tiếp công tác triển khai Hiệp định, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai ngay các nhiệm vụ được giao theo chức trách của mỗi đơn vị. Công tác tuyên truyền, phổ biến đã được chú trọng để mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đặc biệt là ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển Vịnh Bắc Bộ hiểu rõ nội dung hai Hiệp định, tạo sự thống nhất trong nhận thức và để thực hiện tốt.

Trong 10 năm qua, số lượng tàu cá Việt Nam đăng ký xin cấp Giấy phép đánh cá trong Vùng đánh cá chung thường xuyên có khoảng 2.000-2.500tàu, nhưng chỉ có tối đa 1.543 tàu cá với tổng công suất: 211.391CV được cấp phép sang hoạt động tại phía Đông đường phân định trong Vùng đánh cá chung (vùng biển phía Trung Quốc) và 920 tàu cá trong Vùng dàn xếp quá độ (số lượng  giảm dần 25% hàng năm và sẽ không còn tàu cá sau khi vùng dàn xếp quá độ hết hiệu lực) theo quy định của Hiệp định.

Các tàu cá của ngư dân Việt Nam được cấp phép hoạt động trong các vùng nước hiệp định nghề cá chỉ chiếm 17% trên tổng số 26.022 tàu cá có công suất từ 20CV trở lên của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định. Vì vậy, phần lớn số tàu cá của ngư dân ta chủ yếu vẫn tập chung khai thác ở vùng biển Việt Nam. Phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam tham gia hoạt động trong Vùng đánh cá chung chủ yếu vẫn là các tàu nhỏ, vỏ gỗ, trang thiết bị còn hạn chế, công suất từ 60-300CV (60-100CV khoảng 1.000 tàu, trên 150CV khoảng 500 tàu làm nghề câu, lưới rê, lưới vây, lưới kéo), hoạt động phân tán, khả năng chịu đựng sóng gió kém.

Các tàu cá Trung Quốc với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại chiếm ưu thế hơn tàu cá Việt Nam trong hoạt động đánh bắt ở các vùng nước Hiệp định. Nhìn chung, các tàu cá Trung Quốc được cấp phép hoạt động trong các vùng nước hiệp định cơ bản tuân thủ các quy định của Hiệp định và sự kiểm soát của cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo quy định, Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Kiểm ngư), Hải quân, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng của phía Việt Nam là cơ quan giám sát chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung và tiến hành xử lý các hoạt động đánh bắt trái quy định.

 

FICen : Các lực lượng kiểm tra, giám sát trên biển đã có những đóng góp tích cực như thế nào đối với Hiệp định, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Oai : Thực hiện Quyết định 355/QĐ-TTg ngày 28/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo vệ vùng biển và kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá tên các vùng nước Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, trong 10 năm qua, các lực lượng kiểm tra, giám sát gồm Cảnh sát Biển, Hải quân, Bộ đội Biên phòng và Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản do Cục Cảnh sát Biển (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam) làm đầu mối đã chủ trì phối hợp hiệp đồng với các lực lượng tham gia một cách chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất có hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng thực thi pháp luật trên biển đó kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ thường xuyên (quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên biển) với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá theo quy định của Hiệp định. Quá trình hoạt động đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm của tàu cá Trung Quốc; tăng cường công tác tuyền truyền; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển lành mạnh, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân ta trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển.

Từ năm 2006 đến nay, cơ quan giám sát hai nước (Cảnh sát Biển Việt Nam và Cục Ngư chính khu Nam Hải) đã phối hợp tổ chức 09 đợt kiểm tra liên hợp trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ và 09 hội nghị rút kinh nghiệm được tổ chức luân phiên tại mỗi nước. Hoạt động nói trên đã góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin, góp phần củng cố môi trường hòa bình ổn định, tuân thủ pháp luật trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Sau 10 năm kể từ ngày Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá có hiệu lực và đi vào cuộc sống (30/6/2004-30/6/2014), hai Hiệp định trên đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ. Việc ký kết các hiệp định này một lần nữa đã thể hiện chính sách đúng đắn và thiện chí của nước ta sẵn sàng cùng các nước liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật quốc tế và thực tiễn quốc tế, giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ, các vùng biển và thềm lục địa có liên quan, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

 

FICen : Xin cảm ơn ông.

                                                                                                                                 Thu Hiền (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác