Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023 (03-03-2023)

Tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm mạnh so với tháng tháng 12/2022 và so với cùng kỳ năm 2022 do có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong thời gian này. Tuy nhiên nhiều dự báo cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 457,2 triệu USD, giảm 47,3% so với tháng 12/2022 và giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả thị trường đều giảm.

Tháng 1/2023, cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản có sự biến động lớn khi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan tăng.

Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023, đạt 91,19 triệu USD, giảm 28,9% so với tháng 12/2022 và giảm 31,4% so với tháng 1/2022. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng từ 17,6% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 1/2022 lên 19,9% trong tháng 1/2023.

Riêng đối với mặt hàng tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong nửa đầu tháng 1/2023, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt gần 20 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.

VASEP đánh giá, nhu cầu tiêu thụ tôm sú từ Việt Nam của người dân Nhật Bản đang tăng lên trong vòng 1 năm trở lại đây. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong năm 2023 dự kiến vẫn ổn định.

Trong năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đã đạt 671 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm xuất khẩu chính như tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm thẻ chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh…

Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2022 dao động 5,1 - 10,6 USD/kg. Giá trung bình tôm sú đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản dao động 10,8 - 15,8 USD/kg.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới với giá trị nhập khẩu 15,6 tỷ USD và khối lượng nhập khẩu 2,5 triệu tấn trong năm 2019. Nhật Bản cũng luôn nằm số các quốc gia tiêu thụ thủy sản nhiều nhất trên thế giới, với hơn 90% sản lượng thủy sản khai thác nội địa được tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Người tiêu dùng Nhật Bản luôn chú trọng đến sức khỏe và có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tiện lợi. Thị trường thực phẩm và đồ uống tại Nhật Bản đang tập trung khai thác các sản phẩm đa chức năng, nhiều dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe trong bối cảnh nền dân số già hóa và số lượng người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao trong xã hội Nhật Bản. Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, thủy sản là nguồn thực phẩm truyền thống được tiêu dùng phổ biến và được coi là góp phần kéo dài tuổi thọ.

Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản trong những năm qua vẫn còn hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng. Một thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đó là hàng rào kỹ thuật mà Nhật Bản đặt ra khắt khe hơn nhiều so với các nước khác do đặc thù tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng của thị trường Nhật Bản. Điều này khiến cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi muốn thâm nhập thị trường và mở rộng kinh doanh.

Nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2023 và thời gian tới sẽ gặp khó khăn, vì thị trường này đã kiểm soát chặt chẽ đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Cùng với thị trường EU, thị trường Nhật Bản cũng đã kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản Việt Nam. Các lô hàng thủy sản và sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thuộc 4 loại thủy sản là mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích được khai thác nhập khẩu sau ngày 1/12/2022 sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận cam kết khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Theo đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tạo mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với nhà nhập khẩu Nhật Bản để cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục có liên quan trong thực hiện IUU. Đồng thời, doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của Việt Nam và Nhật Bản để ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ nhằm kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc.

Sau Nhật Bản, Mỹ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam trong tháng 1/2023 với kim ngạch 68 triệu USD, giảm 31,5% so với tháng 12/2022 và giảm 66% so với tháng 1/2022. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ giảm mạnh từ mức 26,4% trong tháng 1/2022 xuống 14,9% trong tháng 1/2023.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 2,15 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2021.

Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn tiếp theo của Việt Nam trong tháng 1/2023.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác