Thêm 23 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc (12-02-2023)

Ngày 2/2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thông báo 23 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vừa được hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER) thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức phê duyệt phê duyệt và công bố đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.
Thêm 23 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc
Ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu (ảnh: Hải Đăng)

Đây là kết quả nỗ lực làm việc của các cục, đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, vẫn chủ động duy trì kết nối, đàm phán với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc, xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam.

Như vậy, cho đến nay, hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ghi nhận 802 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang nước này.

Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023, đồng thời hạ cấp độ chống dịch COVID-19. Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch; sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này. Đó sẽ là cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Dự báo doanh nghiệp xuất khẩu ở thị trường này trong năm nay sẽ thuận lợi hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Trung Quốc đang là thị trường “trụ cột” của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam. 2022 là năm đầu tiên Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 đạt 477.000 tấn, tương đương gần 1,6 tỷ USD, tăng 33% về lượng và tăng 61% về giá trị so với năm 2021. Trong đó cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc cũng nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu nhiều tôm của Việt Nam.

Mặc dù có thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc nhưng từ đầu năm 2023 cũng đã bắt đầu xuất hiện những khó khan. Theo VASEP, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của các tháng cuối năm 2022 cộng thêm việc trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu vì bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, đặc biệt là suy thoái sâu ở các nước G7 như Mỹ, EU, Anh, Italia, Nhật Bản… ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm, khiến các doanh nghiệp ngành thủy sản mất nhiều đơn hàng và dự báo còn tiếp tục giảm trong năm 2023.

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 1/2023 chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm, như cá tra giảm 50%; tôm giảm 46%; cá ngừ giảm 32%; mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng 4% và các loài cá biển khác tăng 6%. Trong tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều giảm mạnh. Cụ thể, Mỹ giảm 56%; Trung Quốc - Hồng Kông giảm 55%, EU giảm 35%... 

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan trong thời gian tới và sẽ từng bước phục hồi đà tăng trưởng từ quý II/2023. Khi Trung Quốc mở cửa biên giới, kỳ vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng để bù đắp phần sụt giảm từ thị trường các nước G7. Theo kịch bản khả quan đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta năm 2023 có thể đạt 10 tỷ USD. 

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác