Quy định mới của Nhật Bản về việc khai báo xuất khẩu (17-11-2022)

Ngày 16 tháng 11 năm 2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã gửi Công văn số 1562/QLCL-CL1 tới các cơ sở chế biến thủy sản khai thác xuất khẩu vào Nhật Bản và các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng để hướng dẫn việc khai báo thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Quy định mới của Nhật Bản về việc khai báo xuất khẩu
Ảnh minh họa

Trên cơ sở kết quả trao đổi thông tin và ý kiến trả lời của Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản liên quan đến thực hiện cơ chế chứng nhận khai thác của Nhật Bản (JCDS) đối với lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản được chế biến từ 04 loài: Mực ống và mực nang (Squid anh Cuttle fish), cá Thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), Cá Thu (Mackerel, Scomber spp) và cá Trích (Sardine, Sardinops spp) xuất khẩu vào Nhật Bản từ ngày 01/12/2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp, các Trung tâm vùng như sau:

Cơ chế chứng nhận khai thác của Nhật Bản (JCDS)

Phạm vi áp dụng của cơ chế JCDS: các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản chế biến từ nguyên liệu thuộc 04 loài nêu trên và được khai thác sau ngày 1/12/2022. Do vậy, chỉ các lô hàng thủy sản chế biến từ nguyên liệu được khai thác trong nước/nhập khẩu sau thời điểm này sẽ phải kèm theo Giấy chứng nhận khai thác (Catch Certificate) hoặc Xác nhận cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản sau khi ngày 1/12/2022.

Hồ sơ, tài liệu gửi kèm theo lô hàng để chứng minh nguyên liệu được khai thác trước ngày 1/12/2022: (i) Đối với nguyên liệu khai thác trong nước: Hồ sơ, chứng từ mua bán nguyên liệu khai thác, trong trường hợp này, không yêu cầu chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền của quốc gia mang cờ. (ii) Đối với nguyên liệu khai thác nhập khẩu: Hồ sơ chỉ ra nguyên liệu được khai thác trước ngày 1/12/2022 được gửi kèm lô hàng xuất khẩu mà không xem xét đến việc nguyên liệu đó được chế biến trước hoặc sau ngày 1/12/2022. Các trường hợp này, xác nhận cam kết (Processing Statement) không yêu cầu.

Riêng đối với lô hàng được chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu, trong đó bao gồm cả nguyên liệu khai thác trước và nguyên liệu khai thác sau ngày 1/12/2022, lô hàng khi xuất khẩu vào Nhật Bản phải kèm theo xác nhận cam kết cho phần nguyên liệu được khai thác sau ngày 1/12/2022.

Nhằm tổ chức thực hiện quy định IUU của Nhật Bản và tránh những vướng mắc phát sinh sau thời điểm Cơ chế chứng nhận khai thác của Nhật Bản (JCDS) có hiệu lực, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị như sau:

Đối với cơ sở chế biến thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản

1. Khi có nhu cầu xác nhận cho lô hàng thủy sản chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu được khai thác sau ngày 1/12/2022 thuộc 04 loài nêu trên để xuất khẩu vào Nhật Bản, lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT gửi về Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng thuộc Cục trên địa bàn để được thực hiện xác nhận.

2. Chuẩn bị đầy đù hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền để gửi kèm theo lô hàng chế biến từ nguyên liệu được khai thác trước thời điểm Cơ chế chứng nhận khai thác của Nhật Bản (JCDS) có hiệu lực.

3. Tạo mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với nhà nhập khẩu Nhật Bản để cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục có liên quan trong thực hiện IUU của Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản trong chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ 04 loài thủy sản nêu trên vào thị trường này.

4. Nhật Bản hiện đang thừa nhận và áp dụng cơ chế tương đương về quy định IUU của Liên minh Châu Âu, do vậy Cục đề nghị các doanh nghiệp:

a) Nghiên cứu quy định của Việt Nam, Nhật Bản để ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi (khai thác, thu mua, vận chuyển, tiếp nhận, chế biến, bảo quản, xuất khẩu) và đảm bảo thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc.

b) Về phân công thực hiện quy định nội bộ IUU: Các cán bộ chuyên trách tại các bộ phận có liên quan đến thực hiện kiểm soát IUU phải có kiến thức hiểu biết và nắm vững quy định của pháp luật, của doanh nghiệp, kỹ năng thực hành thực tế với nhiệm vụ được giao.

Do yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng IUU đòi hỏi xuyên suốt toàn chuỗi, các doanh nghiệp xem xét giao bộ phận đảm bảo chất lượng để liên kết với các bộ phận khác của doanh nghiệp (thu mua, kho bảo quản thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận xuất, nhập khẩu…), tránh tình trạng đứt gẫy thông tin, dữ liệu gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ và thực tế sản xuất.

c) Về hồ sơ thực hiện quy định IUU: đối với nguyên liệu trong nước từ khai
thác (Biên bản bốc dỡ tại cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm); đối với nguyên liệu nhập khẩu mua từ tàu khai thác/tàu trung chuyển/tàu đóng container nhập khẩu (hồ sơ nhập khẩu; biên bản kiểm tra của cơ quan nhà nước, các chứng nhận/xác nhận cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, các thông tin về tàu khai thác, cơ sở chế biến nhằm phục vụ cho việc kiểm soát nguyên liệu đáp ứng IUU trước khi nhập khẩu…).

d) Tính toán và công bố đầy đủ các định mức sản xuất tương ứng với các sản phẩm thủy sản khai thác được sản xuất tại doanh nghiệp để dễ dàng theo dõi, thực hiện quản lý.

đ) Xây dựng thủ tục và tổ chức theo dõi trừ lùi/cấn trừ và có đối chiếu dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất cho: nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu; lượng bán thành phẩm lỗi, phụ phẩm ăn được, phụ phẩm chuyển mục đích sử dụng khác nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU, đảm bảo chống lẫn lộn giữa các lô nguyên liệu đưa vào sản xuất, giữa lô nguyên liệu đáp ứng quy định IUU và chưa đáp ứng đầy đủ quy định IUU.

Các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng

Phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản trên địa bàn về các yêu cầu khai báo thủy sản khai thác xuất khẩu và mẫu xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo yêu cầu thị trường Nhật Bản; Hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định IUU (khi có đề nghị).

Đồng thời, thực hiện thẩm định hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo yêu cầu thị trường Nhật Bản theo đúng quy định, hướng dẫn của Cục và cập nhật kết quả lên hệ thống Onedrive của Cục theo đúng thủ tục đã ban hành. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị kịp thời báo cáo về Cục các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để được hướng dẫn xử lý.

Một số chỉ dẫn khai báo thông tin trong Giấy xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo yêu cầu thị trường Nhật Bản

Thông tin trong Giấy xác nhận cam kết (Processing Statement):

- Mẫu giấy: đã được gửi kèm theo công văn số 1147/QLCL-CL1 ngày 7/9/2022 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản về việc khai báo thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

- Giấy xác nhận đánh số để quản lý và truy xuất như sau:

+ XX-----/AA/XN-JP: XX: tương ứng với YA, YB, YC, YD, YE, YK mã của Trung tâm vùng cấp xác nhận; -----: Số thứ tự của Giấy xác nhận theo năm; AA: 02 số của năm xác nhận; XN-JP: sử dụng chung cho các Giấy xác nhận xuất khẩu vào Nhật Bản của Cục.

- Catch description (Mô tả khai thác): Mô tả tên các loài của thủy sản được khai thác hoặc mô tả đặc tính có liên quan như: tên loại, vùng khai thác, thời gian khai thác….

- Total landed weight (Tổng trọng lượng cập cảng) (kg) : Khối lượng tổng theo Giấy chứng nhận khai thác hoặc khối lượng thực tế được nhập khẩu của nguyên liệu

- Catch Processed (fishery products) - Sản lượng chế biến (các sản phẩm thủy sản) (kg): là khối lượng nguyên liệu nhập khẩu (nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm) được đưa vào chế biến.

Một số thông tin lưu ý:

- Tên khoa học cụ thể của loài mực ống, mực nang: tất cả các loài thuộc bộ Decapodiformes thuộc đối tượng quy định của Cơ chế chứng nhận khai thác của Nhật Bản (JCDS).

- Hàng hóa thuộc đối tượng quy định của JCDS theo mã HS của Hải quan Nhật Bản (được dịch từ tài liệu hướng dẫn thực hiện JCDS phiên bản 2.0 ngày 17/6/2022 của Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản.

Trong số các mặt hàng được phân loại theo thống kê từng mã số trong Biểu thuế Hải quan của Nhật Bản (ngày 1 tháng 1 năm 2021) được tại Bảng đây, những mặt hàng bao gồm Mực ống và mực nang, cá thu đao Thái Bình Dương (Cololabis spp.), Cá thu (Scomber spp.) và cá chích (Sardinops spp. ) phải tuân thủ quy định của Cơ chế chứng nhận khai thác của Nhật Bản (JCDS).

Đối với các số mã HS được đánh dấu màu xanh lá cây, nếu thủy sản được chế biến ở nước thứ ba, tài liệu (ví dụ như xác nhận cam kết) cho biết các sản phẩm chế biến đã được chế biến ở nước thứ ba đó và được cơ quan có thẩm quyền của chính phủ xác nhận, v.v. của nước thứ ba sẽ được nộp cùng với giấy chứng nhận khai thác.

Để biết thêm chi tiết về Biểu thuế quan của Nhật Bản

Đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản khai thác xuất khẩu vào Nhật Bản và các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng tham khảo trang web của Hải quan Nhật Bản:

https://www.customs.go.jp/english/tariff/index.htm

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác